Tìm ra chất liệu xây dựng tháp Chăm

Thứ Bảy, 29/01/2005, 08:12

Theo các nhà khoa học, chất  kết dính giữa các viên gạch dùng để xây tháp Chăm chính là bột của gạch mài ra, có thành phần phân tán nhưng cũng là bột gạch sinh ra do mài chập. Giữa hai viên gạch mài liền kề nhau có một lớp màng mỏng màu đen cho thấy một lớp chất hữu cơ rất mỏng giữa hai viên gạch. Chính chất liệu đặc biệt đó đã giúp tháp Chăm “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Đối với nhiều người, việc tìm ra những kỹ thuật xây dựng tháp Chăm là chuyện không có gì đáng phải quan tâm, miễn là được tham quan, chiêm ngưỡng công trình nghệ thuật ra đời cách nay trên dưới nghìn năm tuổi, nhưng với những người chuyên trùng tu, tôn tạo di tích, trong đó có các đền tháp Chăm, đây lại là vấn đề rất quan trọng.

Thực tế đã chứng minh rằng, trong nhiều năm qua, chúng ta tiến hành trùng tu một số tháp Chăm và ngay sau đó đã gặp những phản ứng khác nhau từ dư luận rằng, trùng tu như vậy là sai với kiến trúc ban đầu, hoặc người xưa không xây dựng tháp Chăm bằng vật liệu xây dựng và chất kết dính như bây giờ (xi măng, vôi, sỏi, cát). Vậy người xưa xây dựng tháp Chăm như thế nào, chất kết dính giữa các viên gạch là gì, họ lấy vật liệu xây dựng như gạch ở đâu... vẫn là những câu hỏi mang đầy sự bí ẩn đối với giới chuyên môn. Sở dĩ phải nói ra những điều này mới thấy rằng, công việc nghiên cứu, tìm kiếm kỹ thuật xây dựng tháp Chăm là một đòi hỏi bức thiết để trùng tu, tôn tạo di tích đúng với giá trị nguyên gốc, chân xác ban đầu gìn giữ cho muôn đời sau.

Sau khi tiến hành khảo sát thực địa, nghiên cứu hơn 50 đền tháp Chăm trên nhiều địa phương khác nhau, gần 20 nhà khoa học trên các lĩnh vực của đề tài đã đọc lên được những thông tin lịch sử về kỹ thuật xây dựng tháp Chăm. Bằng những nghiên cứu trên công nghệ hiện đại, các chuyên gia cho thấy, gạch dùng để xây dựng tháp Chăm được sản xuất tại chỗ, tùy đất làm gạch và thời gian xây dựng. Gạch trang trí được nung già lửa, ít tạp chất hữu cơ và độ xốp nhỏ. Gạch xây dựng được nung và lưu nhiệt trong thời gian dài.

Một chi tiết đáng chú ý rằng, chất chất  kết dính giữa các viên gạch dùng để xây tháp Chăm chính là bột của gạch mài ra. Ngoài ra, bằng mắt thường có thể nhìn thấy trên bề mặt gạch xây dựng tháp Chăm khi bẻ gãy có nhiều lỗ xốp mịn và thô. Trong viên gạch có khi lẫn cả hạt cát khô thô và nhiều vỏ trấu, rơm, xác thực vật sau khi cháy để lại trong gạch. Hơn nữa, cấu trúc của gạch có độ xốp cao, chứng tỏ trong khi làm gạch, chủ nhân của nó đưa bột mịn hữu cơ vào trong đất sét trước khi nung.

Nhưng qua sự nghiên cứu khoa học này lại nảy sinh những câu hỏi khác như, vì sao chỉ với sự kết dính đơn giản giữa các viên gạch do mài chập tạo nên mà có thể xây dựng cả những ngọn tháp cao đồ sộ và có sức sống lâu bền cho tới tận hôm nay? Phải chăng ngoài những yếu tố trên ra còn có những chất kết dính khác. Tiến sĩ Trần Bá Việt lý giải: Có thể nói rằng, người Chăm xưa hiểu biết và thực hiện kỹ thuật gia cường nền, xây móng rất tốt, bền, đảm bảo khả năng chịu tải lâu dài. Kỹ thuật xây tường tháp có lớp vỏ trong, vỏ ngoài, lớp ruột. Lớp vỏ trong và vỏ ngoài xây mài chập không mạch vữa.

Với các kỹ thuật này đã sáng tạo ra đặc trưng kỹ thuật kiến trúc của tháp Chăm có tuổi thọ đáng kinh ngạc. Chính điều này làm cho đền tháp Chăm trải qua bao biến cố và thời gian vẫn tồn tại và trở thành một loại hình kiến trúc độc nhất vô nhị trên thế giới, không lẫn với các kiến trúc khác

Nguyễn Vũ
.
.
.