Tìm lại “hình hài” thành Tân Sở

Thứ Hai, 18/06/2012, 19:37
Khu di tích thành Tân Sở lần đầu tiên được các nhà khảo cổ khai quật sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về lịch sử nước nhà.

Thành Tân Sở tại xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, Quảng Trị (còn gọi Sơn phòng Tân Sở), được xây dựng trước buổi binh biến 23/5/1855 ở kinh thành Huế. Thành được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1995, song hiện nay qua thời gian và chiến tranh chỉ còn là bãi đất trống giữa bạt ngàn cây cao su. Mới đây, lần đầu tiên di tích này đã được các nhà khảo cổ Khoa Lịch sử - Trường ĐH Khoa học Huế và Bảo tàng Quảng Trị khai quật khảo cổ, bước đầu hé lộ nhiều dấu tích hấp dẫn…

Ông Lê Đức Thọ, Phó Giám đốc Bảo tàng Quảng Trị cho biết, mục tiêu của đợt khảo cổ nhằm nghiên cứu những gì còn lại trong lòng đất, xác định vị trí các tường thành, các công trình kiến trúc như cột cờ, giếng nước, tiền đường, Sơn phòng đường, Phó sứ đường, Hậu đường... để hiểu lịch sử chính xác nhất.

Tại hố đào đầu tiên, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một số móng cột cách mặt đất chưa đến 1m, các móng cột này được làm khá thẳng hàng với nhau với khoảng cách 3m/cột. Các nhà nghiên cứu cho rằng các móng cột dùng để đặt các cột gỗ dựng một công trình nào đó nhưng với khoảng cách 3m/cột thì lại không phù hợp với một dạng công trình nào ở thời điểm dựng thành Tân Sở.

Khai quật, khảo cổ di tích thành Tân Sở.

Ông Thọ nhận định: “Đây có thể là vết tích còn lại của một khu chợ... Tôi nghĩ khu chợ này được xây dựng vào sau thời điểm thành Tân Sở đã sụp đổ không lâu…”. Tuy vậy, tại hố khảo cổ này, người ta cũng đã phát hiện ra nhiều viên gạch vồ, ngói liệt, các tảng đá kê chân cột hình vuông thô ráp (được cho là dùng để xây dựng thành Tân Sở) và lẫn trong đống gạch ngói được xếp thành lớp còn có rất nhiều viên đạn thần công loại nhỏ và đạn chì của súng hỏa mai (loại vũ khí được dùng trong thời Cần Vương).

Đặc biệt, các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện tại nơi này một móng nền có chiều ngang 1,8m, chiều dài 8,4m và họ cho rằng đây có thể là cổng thành hoặc tường thành của Tân Sở. Ngoài ra, để xem xét thành Tân Sở được xây dựng bằng đất hay bằng gạch, các nhà khảo cổ cũng đã đào một lát cắt rộng gần 1m, dài 50m nhưng không phát hiện thấy gì.

Ông Thọ cho biết thêm: “Tới đây, chúng tôi sẽ tập trung khảo cổ ở những khu vực được cho là thành nội của Tân Sở để đào thăm dò các khu tiền đường, hành cung và nhà quan Chánh sứ. Mọi thứ vẫn ở trong giả định nhưng chúng tôi tin rằng chắc chắn còn nhiều vết tích dưới lòng đất sâu về Tân Sở…”.

Cũng theo ông Thọ, công cuộc tìm lại “hình hài” cho Tân Sở đúng với tầm vóc của nó không chỉ dừng lại ở lần thám sát, khảo cổ với diện tích 385m2 (quá nhỏ bé so với diện tích giả định của thành là 22,9ha), kéo dài chỉ 2 tháng mà phải được nối tiếp liên tục mới có hiệu quả. Tuy vậy, muốn thực hiện được  cần phải có sự cho phép của các đơn vị quản lý, sự tham gia của các nhà nghiên cứu cũng như phải có sự đầu tư mạnh tay

Thanh Bình
.
.
.