Tìm hướng bảo tồn di sản thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế

Thứ Hai, 11/05/2015, 08:09
Trải qua hàng trăm năm tồn tại, nhưng đến nay, hệ thống thơ văn bằng chữ Hán được chạm khắc độc đáo trên các công trình kiến trúc triều Nguyễn ở Cố đô Huế vẫn cơ bản được gìn giữ, bảo tồn. Để góp phần phát huy giá trị văn hóa, lịch sử từ di sản thơ văn chữ Hán “độc nhất vô nhị” này, Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) Cố đô Huế đã nỗ lực xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình là Di sản Ký ức thế giới.

Theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu văn hóa, lịch sử Huế tại hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” được tổ chức vào ngày 9/5, thì ngoài hệ thống đền đài, cung điện, thành quách và lăng tẩm, hiện trên các công trình kiến trúc cung đình Huế xây dựng từ triều Nguyễn (1802-1945) vẫn còn lưu giữ được 2.967 ô thơ văn chạm khắc, sơn thếp, cẩn xà cừ trên gỗ; 146 ô thơ văn viết tráng men pháp lam và 78 đơn vị ô hộc, câu đối, bài văn đắp ngõa sành sứ.

Điển hình như khu vực Điện Thái Hòa có 242 câu thơ, Thế Miếu 649 câu thơ, Hưng Miếu 110 ô thơ, Triệu Miếu 62 ô thơ. Ngoài ra, các di tích như Điện Long An, lăng vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Đồng Khánh cũng được trang trí hàng trăm ô thơ chữ Hán tương tự...

Di văn nhiều thể thư pháp trên kiến trúc Điện Long An.

Theo TS Nguyễn Tuấn Cường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, phần lớn thơ văn được chạm khắc trên công trình kiến trúc cung đình Huế là những áng thơ, văn của các Hoàng đế, quan lại và văn nhân triều Nguyễn mang tính độc bản, có hệ thống văn tự trình bày theo lối “nhất thi nhất họa”. Qua quá trình tìm hiểu và nghiên cứu, nhiều chuyên gia còn đánh giá rằng, mỗi ô thơ văn chữ Hán được khắc trên kiến trúc cung đình triều Nguyễn được xem như là “một cổ vật”.

Thế nhưng, do hệ thống thơ văn này nằm trên các công trình kiến trúc cổ, có tuổi thọ hàng trăm năm nên không thể áp dụng được các phương pháp hiện đại để bảo tồn. Cuối năm 2014, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đồng ý chủ trương để Trung tâm BTDT Cố đô Huế lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận hệ thống thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình là Di sản Ký ức thế giới.

Thế nhưng, theo GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, để xây dựng hồ sơ này, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Trung tâm BTDT Cố đô Huế cần điều tra, khảo sát, thống kê đầy đủ, phiên âm và dịch nghĩa toàn bộ thơ văn cùng với các họa tiết trang trí mỹ thuật trên từng công trình kiến trúc. Bên cạnh đó, cần tham vấn Ủy ban Tư vấn Quốc tế (IAC) để được hướng dẫn cụ thể việc áp dụng các tiêu chí đưa vào danh mục Ký ức Thế giới.

Có thể nhận thấy rằng, với sự hỗ trợ của các cơ quan Trung ương, sự hợp tác có hiệu quả của các chuyên gia UNESCO, trong đó có các chuyên gia đến từ nước Ba Lan, Nhật Bản, Đức, đặc biệt là sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến nay, quần thể di tích Cố đô Huế đã dần thoát khỏi tình trạng khẩn cấp và tiếp tục được “hồi sinh” toàn diện, hướng đến sự phát triển bền vững.

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế, nhận định: “Để góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa lịch sử triều Nguyễn, hiện Trung tâm đang bảo quản một cách tự nhiên hệ thống thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế, đồng thời sao chép các tư liệu sang một dạng thức khác nhằm phục vụ các nhu cầu nghiên cứu, tham quan, khảo sát. Việc tiếp cận với các loại bản sao sẽ làm giảm áp lực lên tài liệu gốc, từ đó giúp cho công tác bảo quản tài liệu gốc về thơ văn chữ Hán sẽ được tốt hơn rất nhiều lần”.

Anh Khoa
.
.
.