Hơn 400.000 lượt du khách thăm thác Bản Giốc

Thứ Sáu, 22/11/2019, 13:30
Trong khuôn khổ chuyến kháo sát, phục vụ khai thác, phát triển du lịch Cao Bằng do Tổng cục Du lịch tổ chức, ngày 22-11, tại TP Cao Bằng đã diễn ra buổi tọa đàm “Phát triển sản phẩm du lịch thác Bản Giốc gắn với công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng”.

Tham gia tọa đàm có đông đảo đại diện các doanh nghiệp lữ hành trên cả nước, các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch tại tỉnh Cao Bằng.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Sầm Việt An, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch tỉnh Cao Bằng  chia sẻ: Trong những năm gần đây, đặc biệt là sau khi Công viên địa chất Non nước Cao Bằng được UNESCOcông nhận là Công viên địa chất toàn cầu, lượng khách lên Cao Bằng tăng mạnh. Năm 2018, tổng lượng khách đến Cao Bằng đạt trên 1,23 triệu lượt, tăng 29,2% so với năm 2017. 

Năm 2019, khách đến Cao Bằng ước đạt 1,5 triệu lượt người. Trong tất cả các điểm đến của Cao Bằng thì thác Bản Giốc luôn là sự lựa chọn đầu tiên của nhiều du khách. Nếu năm 2015 mới chỉ có trên 186.000 lượt du khách đến thác Bản Giốc, tăng 21,8% thì năm 2018, khu du lịch này đã đón trên 417.000 lượt người. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch tại đây còn nhiều hạn chế, cần khắc phục trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Đạo Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Việt Nam nhận định: Thác Bản Giốc và những điểm du lịch khác trên 3 tuyến công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng là những địa danh có tiềm năng hết sức to lớn để phát triển du lịch nói chung, du lịch biên giới nói riêng. 

Mặc dù lượng khách, đặc biệt là khách quốc tế đến với Bản Giốc tăng nhanh trong những năm gần đây nhưng xu hướng tăng trưởng vẫn chưa bền vững, thời gian lưu trú của khách còn ngắn, tỷ lệ khách quay lại chưa cao, các giá trị kinh tế mang lại chưa lớn… 

Việc tìm ra các giải pháp để phát triển bứt phá trong thời gian tới là vô cùng quan trọng đối với hoạt động du lịch của tỉnh Cao Bằng. Chương trình khảo sát và tọa đàm là một  trong những hoạt động mà Tổng cục Du lịch triển khai nhằm hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch Cao Bằng.

Du khách Việt tham quan thác Bản Giốc.

Tại tọa đàm, các đại biểu đại diện cho hàng loạt các hãng lữ hành uy tín trên cả nước đã cùng thảo luận, chia sẻ nhiều  ý kiến thẳng thắn và đưa ra nhiều  giải pháp khả thi nhằm khai thác và phát triển sản phẩm du lịch thác Bản Giốc nói riêng, du lịch Cao Bằng nói chung một cách hiệu quả và bền vững. Các đại biểu đều chỉ ra rằng, Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng nói chung, thác Bản Giốc nói riêng có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch. 

Tuy nhiên, đại diện các đơn vị này cũng cho rằng hạ tầng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Cơ sở dịch vụ chưa được đầu tư, quản lý, vận hành bài bản.Sản phẩm du lịch còn đơn điệu. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Chất lượng xây dựng các công trình còn kém, tình trạng “bê tông” hóa diễn ra khá phổ biến ở nhiều điểm di sản, di tích lịch văn hóa đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng kiến trúc cảnh quan du lịch.

 Ông Sầm Việt An, Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng đã thay mặt địa phương tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đại biểu, đồng thời cung cấp nhiều thông tin, hoạt động mới của địa phương trong phát triển du lịch trong thời gian tới. 

Ông An cũng khẳng định, hiện tại Cao Bằng đang triển khai nhiều kế hoạch về chỉnh trang, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Các lều quán tạm tại khu thác Bản Giốc sẽ được quy hoạch, thay thế bằng một khu vực khác. Trước thác sẽ không còn lều quán, chỉ còn lại ruộng lúa và cảnh quan.  

Cũng theo ông An, hiện tại, Việt Nam và Trung Quốc đang họp bàn để đi đến một số thỏa thuận trong khai thác khu du lịch thác Bản Giốc như: Mỗi  ngày sẽ có tối đa 300 khách từ Trung Quốc được cấp phép sang Việt Nam và đi về trong ngày với mức phí 70.000đồng/người. 

Phía Việt Nam cũng sẽ được đưa một lượng khách tương đương sang Trung Quốc và sẽ được nước bạn miễn phí vé tham quan. Dự kiến, tháng 12, hình thức này sẽ được triển khai. Hiện tại, Cao Bằng cũng đang xây xây dựng đề án tổng thể phát triển du lịch để triển khai vào năm 2020.

N.Hoa
.
.
.