Tùng Dương và “đứa con sinh đôi” mang tên “Độc đạo”:

Tiếp tục phiêu du trong sự kết hợp giữa âm nhạc dân gian và đương đại

Thứ Ba, 05/11/2013, 11:35
Tháng 11 này, ca sĩ Tùng Dương sẽ có 2 món quà đặc biệt dành cho khán giả yêu mến giọng hát của anh: Cùng với đêm nhạc “Độc đạo” diễn ra vào 24/11 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, là album cùng tên ra mắt công chúng.

Live concert “Độc đạo” không chỉ biểu diễn những bài hát mới viết riêng cho giọng hát Tùng Dương trong album cùng tên, mà còn có những bài hit của Tùng Dương đã rất được công chúng đón nhận và yêu thích - được khoác lên mình lớp áo lạ lẫm với những bản hoà âm mới nhất của nghệ sỹ Nguyên Lê.

Tại buổi họp báo chiều 4/11, chàng ca sĩ luôn mang đầy sự sáng tạo trong từng ca khúc, chia sẻ: Lần đầu tiên, cả ban nhạc đều là những nghệ sỹ quốc tế danh tiếng, sẽ trình diễn kết hợp trọn một đêm với Tùng Dương, để mang đến những cảm xúc  phong phú của đời sống, sự thiêng liêng của tình yêu giữa con người với con người, con người với nguồn cội. Chương trình sẽ là sự tổng hòa của những sáng tạo về âm thanh, ánh sáng, sân khấu, cũng như sự kết hợp nhuần nhuyễn của những người nghệ sĩ tài hoa.

Với live concert “Độc đạo”, Tùng Dương lại tiếp tục con đường sáng tạo âm nhạc trong lời tự hứa sẽ như người giữ lửa của ngôi đền thiêng nghệ thuật. Dương không chỉ ghi thêm một dấu ấn trong hành trình tìm tòi, bứt phá, mà bằng đêm nhạc duy nhất này, anh sẽ giúp công chúng có cơ hội thưởng thức tài năng của nhạc sĩ tên tuổi người Pháp gốc Việt Nguyên Lê – người từng hợp tác với các nhạc sĩ nổi tiếng như Randy Brecker, Vince Mendozas, Eric Vloeimans, Carla Bley v.v…

Tùng Dương trong “Độc đạo”.

Sự gặp gỡ, thấu hiểu, sẻ chia của những tài năng đã hội tụ trong “Độc đạo”, thể hiện rõ nhất chân dung của Tùng Dương và Nguyên Lê - người bạn, người anh lớn, bậc tri kỷ trong âm nhạc của Dương. Vẻ đẹp của âm nhạc dân gian Việt Nam sẽ được nâng niu, ngợi ca và giao thoa với âm nhạc thế giới theo một cách riêng rất Tùng Dương, rất Nguyên Lê. Sự sáng tạo của hai nghệ sỹ, hai tâm hồn với mối giao cảm trong âm nhạc trải rộng trong tính tư tưởng, khái niệm và không gian rộng hơn. Ở đó là… Chắc chắn, giống như “Những ô màu khối lập phương” hay “Li ti”, đêm nhạc “Độc đạo” sẽ tiếp tục ghi một dấu ấn đậm nét trong sự   nghiệp ca hát của Tùng Dương.

Khán giả Thủ đô sẽ còn được thưởng thức những tiết mục đặc biệt với sự xuất hiện của 2 khách mời trong đêm nhạc: nữ ca sỹ danh tiếng người Pháp, Julia Sarr và nữ ca sỹ Himiko Paganotti của Nhật Bản, sẽ cùng kết hợp với Tùng Dương trong những phần hát song ca và hát bè ngẫu hứng và ăn ý.

Chiều 4/11, lần đầu tiên, Tùng Dương đã giới thiệu một số ca khúc trong album “Độc đạo” và ngay lập tức đã được đón nhận nhiệt tình. Album gồm 11 ca khúc, hơn một nửa là những bài hát mới: Độc đạo, Con ốc (Lưu Hà An), Thể đơn bào, Cuộn (Sa Huỳnh)... Cũng lần đầu tiên xuất hiện một tác phẩm jazz của Nguyên Lê có tên gọi “Ánh trăng khuya” viết cho thanh nhạc và đặc biệt là viết riêng cho giọng hát Tùng Dương. Nếu các album trước, những bài hát dân ca Việt Nam được Nguyên Lê lấy để hòa âm đâm chất jazzy với sự pha trộn, sắp xếp, phát triển của những vòng hòa thanh trên ngón đàn, thì “Độc đạo” lại thể hiện sự thay đổi, sức sáng tạo không ngưng nghỉ và mở rộng sự nhìn nhận của ông về con đường đang đi. Đó chính là sự khác biệt và không lặp lại ấy của Nguyên Lê.

Quan điểm “Âm nhạc không biên giới" của Tùng Dương - Nguyên Lê có thể dễ dàng cảm nhận qua sự kết hợp hoà quyện, nhuần nhuyễn vốn tưởng như bất khả của những nghệ sỹ đa quốc gia trên thế giới, bởi khả năng riêng của họ, như Con Ốc: Đàn dây do những nghệ sỹ hàng đầu Paris biểu diễn, tiếng đàn dân gian Koto của nghệ sỹ danh tiếng Nhật Bản Mieko Miyajaki cùng tiếng đàn tranh, tiếng sáo của các nghệ sỹ Việt Nam. Bay trên nền không gian rộng lớn ấy là giọng hát phiêu du, khắc khoải của Tùng Dương, chứa đựng cảm xúc để đan xen một cách hoà hợp, thăng hoa.

Với live concert “Độc đạo” và album cùng tên, Tùng Dương thêm một lần khẳng định tài năng, niềm đam mê và sự sáng tạo không mệt mỏi trong âm nhạc. Anh, một ca sĩ sống ở trong nước, luôn mang trong mình nỗi trăn trở về sự sáng tạo nghệ thuật với lòng tự tôn dân tộc rất lớn, còn Nguyên Lê sống ở nước ngoài, nhưng lại gặp nhau trong suy tưởng về nghệ thuật. Và dù đi nơi đâu, sống ở đâu, lưu lạc đến đâu, họ vẫn luôn hướng về nguồn cội. Lấy bản ngã Việt để giao thoa, dẫn dắt các bản ngã khác với tâm thế luôn ngẩng cao đầu, luôn tự hào về truyền thống và văn hóa Việt, những giá trị mà con người ngày nay đang khát khao tìm về. Điều quan trọng nhất với Tùng Dương và Nguyên Lê chính là được bay bổng trong thế giới riêng của âm nhạc, của sự giao thoa, hòa trộn các đặc tính văn hóa vùng miền, của sự khát khao gìn giữ và phát triển văn hoá dân gian để chúng luôn song hành cùng các giá trị của đương đại. Thông qua âm nhạc để xoá bỏ những rào cản giữa các giá trị về ngôn ngữ, về văn hóa, chủng tộc...

Dạ Miên
.
.
.