Tiếng thơ vào Nam: Chương trình phát thanh gây ấn tượng một thời chiến tranh

Thứ Ba, 26/04/2005, 08:28

“Tiếng thơ vào Nam" mỗi tuần 2 buổi, giới thiệu với vườn thơ Sài Gòn và miền Nam, các nhà thơ tên tuổi một thời đi kháng chiến. Ai mà không biết Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Tố Hữu... Chỉ cần trưng ra một dãy dài danh sách và tiếng đọc thơ của chính các tác giả này trên Đài, thì cuộc đọ sức giữa "Tao đà

Lúc còn ở Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi quen nhà văn Hoàng Tấn, biên tập viên buổi phát thanh văn nghệ của Đài. Người mập, xuề xòa giản dị, mùa đông như mùa hè đều diện cái mũ kết trên đầu, miệng không rời ống bíp màu gỗ gụ. Anh trở thành lập dị bởi cái tẩu luôn tỏa khói xanh. Kỷ niệm với anh khá nhiều, càng gần gũi anh hơn khi anh là lớp đàn anh. Lúc anh chịu trách nhiệm mở mục "Tiếng thơ vào Nam" lại càng gần với "Buổi phát thanh vào Nam" và "Tiền tuyến lớn hậu phương lớn" mà tôi là biên tập viên.

Cái được lớn là thính giả miền Nam, đêm nghe qua "Tiếng thơ vào Nam" đã cho người thưởng thức những giá trị chân chính... Tôi đã bồi hồi khi nghe nhiều bài thơ lúc bấy giờ như Chế Lan Viên với bài Mẹ qua giọng ngâm Châu Loan:

Mẹ con ta trong
thành Bình Định cũ
Cái giếng vườn rau căn nhà
nho nhỏ
Chị em con như trái ngọt
sai vườn
Mà mẹ già là nắng dịu
đưa hương.
Mẹ thương con như lửa nồng
như nước mắt
Càng nhỏ xuống lòng con
càng thắt chặt
Ôi! Buổi xưa kia biết mấy
ngọt ngào
Nhớ cho nhiều kỷ niệm
cắt như dao...

Hay sáng tác mới của Xuân Diệu. Người nghe đến đâu càng nghĩa tình đến đó với nước non, được Linh Nhâm thể hiện.

Cha ở đàng ngoài mẹ ở
đàng trong
Thầy đồ Nghệ đeo khăn gói đỏ.
Vượt đèo Ngang tìm nơi
cần chữ.
Cha ở đàng ngoài mẹ ở
đàng trong
Hai phía đèo Ngang một dải
tơ lòng

Còn giới thiệu về Huy Cận - nhà thơ lúc bấy giờ là Thứ trưởng Bộ Văn hóa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, "Tiếng thơ vào Nam" gợi nhớ:

Giờ nô nức của một thời trẻ dại
Hỡi ngói nâu,
hỡi tường trắng cửa gương
Hỡi chàng trai 15 tuổi
vào trường
Rương nho nhỏ với linh hồn
bằng ngọc.

“Tiếng thơ vào Nam” cũng đã dành chiếu mời các thi nhân miền Nam đàm đạo nghĩa. Nhiều bài thơ vượt Trường Sơn đến Đài Tiếng nói Việt Nam. Lúc ấy Giang Nam là cái tên lạ - nhưng đại diện cho thơ cách mạng miền Nam thì hay đến thế là cùng. Bài thơ Quê hương của ông sớm được đưa vào chương trình cấp 3 phổ thông ở miền Bắc:

Xưa yêu quê hương vì có hoa
có bướm
Có những ngày trốn học
bị đòn roi
Nay yêu quê hương vì trên
từng tấc đất
Có một phần xương thịt
của em tôi.

"Tiếng thơ vào Nam" cũng đã công phu lục tìm trình làng những sáng tác của các nhà thơ miền Nam đăng công khai trên các báo tiến bộ Sài Gòn. Tôi không nhớ tên tác giả nhưng nhớ da diết bài thơ Suối tóc (nếu bây giờ được biết tác giả của bài thơ này, xin cùng gửi đồng cảm của một thời trai trẻ của tôi). Một bài thơ đậm đà tình dân tộc:

Bàn chuyện non sông
Em ngồi đối diện
Anh khen tóc mật
lắng xuống vai tròn
Lơ thơ đôi sợi rơi vừng trán
Càng điểm thêm người
của nước non.
(Suối tóc)

Những người có công với "Tiếng thơ vào Nam" phải kể đến các anh, chị Châu Loan, Trần Thị Tuyết, Linh Nhâm, Trần Thụ... cùng tiếng sáo Ngọc Phan, đây là những giọng ngâm vàng đi vào nội tâm từng bài thơ của các nhà thơ. Chị Châu Loan mất năm 1972 vào đêm Chúa Giáng sinh, Mỹ đang ném bom Hà Nội. Tôi đến thăm chị ở bệnh viện, cạnh Đài Tiếng nói Việt Nam vào giờ chị hấp hối. Bệnh ung thư cướp đi của chúng ta người nghệ sỹ tài hoa. Trước lúc ra đi, chị nhìn chúng tôi tiếc nuối. Chị nằm đó, bom đạn Mỹ còn đang gây tội ác ở Thủ đô.
Chị ra đi chưa được yên lòng như những gì chị cống hiến cho dân tộc, cho thơ, đã gắn liền tên tuổi chị với sông Hương núi Ngự, với Thủ đô, với bạn bè, con cháu. Kỷ niệm của tôi về buổi "Tiếng thơ vào Nam" thật đằm thắm. Anh Hoàng Tấn thành công qua chương trình ở Đài Tiếng nói Việt Nam, hẳn rất vui khi đón nhận khá nhiều thính giả biết thưởng thức, nhớ và thuộc "Tiếng thơ vào Nam"..

Phạm Khánh Toàn
.
.
.