Tiếng chuông

Thứ Năm, 08/06/2006, 13:22

Mỗi lần có dịp rảnh rỗi, anh rất thích về quê. Nông thôn tuy còn nghèo nhưng phong cảnh hữu tình, nhiều nơi vẫn giữ được vẻ đẹp thiên nhiên mộc mạc. Song lần này, bao nhiêu hào hứng của anh đều tiêu tan!

Làng của anh cũng giống như bao nhiêu ngôi làng vùng ven đô thị khác, đã bắt đầu xây dựng với một tốc độ chóng mặt. Nói theo kiểu cách thời thượng là nó đang được nhanh chóng đô thị hóa. Đồng tiền của bà con kiếm được nhờ đi xuất khẩu lao động, lấy chồng ngoại, thi nhau đổ ra xây nhà kiểu tàu, kiểu tây. Người ta còn băm nhỏ vườn tược, mở rộng các con đường trong thôn, xóm. Sau đó, xây lên những cánh cổng kệch cỡm trông chẳng giống ai.

Đến đầu làng, anh đứng lặng hồi lâu, buồn buồn nhớ tiếc cái cổng làng, tuy xây dựng bé nhỏ thô mộc nhưng rất gần gũi, dung dị. Trên mình nó đầy vết tích của biết bao nhiêu thế hệ. Và chắc chắn chứa đựng rất nhiều truyền thuyết cổ kim, mà chỉ có người già mới nhớ, kể cho bọn trẻ quê như anh nghe hoài không chán.

Chùa làng anh nằm bên dòng sông nhỏ, nhìn về hướng tây, nơi dãy Trường Sơn giống hình con ngựa trắng, nổi bật lên nền trời mờ tím mỗi chiều. Người già kể rằng: “Ngày xưa, lúc thất thủ kinh đô Phú Xuân, vua Quang Toản đã chạy về đây ẩn náu. Ông sư trụ trì ở chùa cổ dường như là kẻ đã phò vua. Vua mất ông bỏ vào chùa tu hẳn”. Ngược lại chuyện ông sư huyễn hoặc ấy, chuyện về cái chuông chùa rất rõ ràng, bởi trên chuông có khắc rành rành ba chữ: Cảnh Thịnh Chung. Sau đó các vua nhà Nguyễn không ưa những gì dính dáng đến Tây Sơn, thế là có chuyện: “Vua Gia Long bắt dân làng khiêng chuông đến, yểm cho nó hết kêu. Vô ích! Chuông vẫn kêu vang, vua bắt khiêng vứt xuống dòng sông”.

Vua không lột da sống mãi! Dân làng anh lặn tìm đem chuông về. Từ ấy mỗi sáng, mỗi chiều, tiếng chuông chùa lại thư thả ngân nga, vang vọng đến những vạn đò bồng bềnh, đánh thức họ dậy đi chài lưới, hoặc chiều hôm chèo thuyền về bến đậu. Hồi còn bé, nghe chuông chùa đổ canh năm, mẹ đánh thức dậy sửa soạn cho kịp chuyến đò ngang đi học. Thương con trai nhát gan, mẹ bảo: “Chuông chùa đổ, mọi oan hồn vất vưởng đều đã trở về, không còn gì phải sợ”. Tiếng chuông chầm chậm buông, anh vững lòng dần bước lẫm lũi trong bóng tối, nghe chuông anh cảm thấy bình an.

Chiến tranh đi qua, ngôi chùa cháy mấy lần, đến lúc bình yên, dựng xong nếp chùa mới thì nhà sư qua đời. Bây giờ chùa làng cực kỳ đẹp và hiện đại, đồ thờ, sơn son thếp vàng đủ cả. Nghe nói các cụ đang tích cực đi xin công nhận di tích văn hóa lịch sử gì đó…

Mưa đêm rả rích, anh thao thức đến lúc nghe tiếng chuông chùa vọng lại. Tiếng chuông chùa vội vã, lảnh lót, thúc bách, gầm gào… Hỏi thăm, mọi người nói: “Ông thầy mới này tu tại gia, siêng đi cúng và ăn mặn”. Buổi sáng trở về thành phố, vẫn con đường làng quen thuộc, hương cau trong bóng tối còn đầy, thế mà tiếng chuông trong anh dường như xa lạ...

Hào Vũ
.
.
.