Tiếng chim gọi đàn

Thứ Hai, 21/07/2008, 04:15
Bài thơ đầu tiên của Trần Lê Văn là bài "Trưa rừng" viết ở Thuận Châu (Sơn La) năm 1944. Chàng trai mới ngoài hai mươi tuổi ấy, vừa đặt chân lên miền sơn cước, lòng rưng rưng những cảm xúc mới lạ, tươi non và nhuốm màu lãng mạn:

Ngựa đều đều nhịp bơi trong mộng

Chợt vấp chân vào vũng nước sa

Làm tan hội bướm đang soi bóng

Tung giữa đường trưa muôn cánh hoa.

Sau khi tốt nghiệp Khoa Sư phạm trường Bưởi, ông về dạy ở Hưng Yên ba năm, rồi được điều lên dạy ở miền núi theo quy định của ngành giáo dục hồi đó. Được đề bạt làm Hiệu trưởng trường Kiêm bị Thuận Châu, ông chuyên tâm vào việc dạy học. Làm thơ chẳng qua là để ghi lại một cảm xúc chợt đến. Phải đợi đến Cách mạng Tháng Tám, rồi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, về Nam Định làm công tác tuyên truyền, ông mới thực sự dành toàn bộ thời gian để làm báo và viết văn.

Lúc khởi đầu, do yêu cầu của tổ chức, suốt ngày ông bận viết tài liệu để tán phát tuyên truyền về cuộc kháng chiến cứu nước. Tài liệu bằng tiếng Việt để phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Tài liệu bằng tiếng Pháp để làm công tác địch vận. Tài liệu bằng chữ Hán để vận động bà con Hoa kiều…

Ít lâu sau, tờ báo Nam Định kháng chiến ra đời (về sau đổi tên là Báo Công dân), Trần Lê Văn công tác hẳn ở tòa soạn. Ông có điều kiện gặp gỡ nhiều với các nhà thơ nổi tiếng như Vũ Hoàng Chương, Đoàn Văn Cừ… Rồi chi hội Văn nghệ Liên khu III thành lập, ông quen biết và kết bạn thân với các nhà thơ như Lan Sơn, Quang Dũng…

Ông sáng tác nhiều thơ ca để phục vụ kháng chiến. Con đường văn nghiệp của ông được xác định từ đấy. Hăm hở hành trình cùng bạn bè, cùng đồng đội, hòa mình với nhân dân Lấy chiếu làm phên, cánh cửa làm giường - Góp với đồng bào câu cười, tiếng khóc (Những quê hương), ý thức công dân của người cầm bút ngày càng vững vàng.

Ngay trong kháng chiến chống Pháp, ông đã được nhận hai giải thưởng văn học. Chi hội Văn nghệ Liên khu III tặng giải nhì bài thơ "Qua sườn Tam Đảo". Hội Văn nghệ Việt Nam tặng giải nhì bài thơ "Rang thóc". Từ đấy, ông vững bước trên con đường lao động văn học, lần lượt cho xuất bản những tập thơ và những tập khảo cứu: Rừng biển quê hương (chung với Quang Dũng), Giàn mướp hương, Tiếng Vọng, Gương mặt Hồ Tây, Hoa Hà Nội, Sông núi Điện Biên, Tú Xương khi cười khi khóc khi than thở…

Trần Lê Văn là con một nhà nho quê ở Nam Định. Ông cụ đã từng gánh lều chõng đi thi hương, về sau chuyên nghiên cứu y học cổ truyền và trở thành một thầy lang khá nổi tiếng. Hồi cụ còn sống, thỉnh thoảng tôi vào chơi căn hộ của cụ ở số nhà 47 Hàm Long. Hàng ngày cụ vẫn bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc cho con bệnh.

Tuy tuổi tôi vào bậc con bậc cháu của cụ, nhưng cụ vẫn tiếp chuyện một cách lịch sự với phong độ của một nhà nho. Khi có anh Trần Lê Văn, cụ chỉ tiếp chuyện tôi một lát, rồi rút lui vào phòng trong hoặc ra sân chơi để con trò chuyện với bạn. Từ thuở nhỏ, Trần Lê Văn đã giữ lại một ấn tượng sâu sắc: Cụ ông và cụ bà đang tâm sự với nhau, thoáng thấy người khách vào, cụ bà bèn lui vào bếp, còn cụ ông vội vàng đội khăn xếp mặc áo dài, ra sân đón.

Nếp nhà gia giáo ấy đã thấm sâu vào cậu bé Trần Lê Văn. Và đến lúc trưởng thành rồi trở về tuổi già, gương mặt ông càng ấm áp một vẻ đôn hậu, nhân từ. Điều đáng quý hơn là ông đã tiếp thu ở cụ thân sinh vốn nho học khá phong phú. Cụ trực tiếp dạy. Và do ý chí tự học, ông đọc được sách chữ Hán, đọc thơ Đường từ nguyên bản. Vãng cảnh chùa chiền, đền đài, ông xem câu đối, xem thần phả. Vốn kiến thức văn hóa cổ dân tộc ngày càng được tích lũy và tạo sức đẩy cho ông trên con đường lao động học thuật.

Trần Lê Văn đã cùng anh em ở Viện Văn học dịch thơ Lý - Trần, thơ chữ Hán của các nhà thơ cổ điển Việt Nam. Tâm hồn thi sĩ được thổi vào, một số bản dịch rất thoát và có giá trị như những bài sáng tác. Thật ra, ông không chuyên tâm vào dịch thuật và khảo cứu. Trên con đường du ngoạn để hái lượm tứ thơ, rẽ ngang vào một nơi nào đó hợp với tạng của mình, ông thu nhặt kiến thức và nghiền ngẫm vốn cổ của ông cha, rồi lại thả tâm hồn phiêu diêu theo những vần thơ.

Ngược thời gian, ông dẫn ta trở về soi bóng vào "Ngọc tỉnh liên" và thấy ngời lên cái phẩm chất cao quý của Mạc Đĩnh Chi. Lặn lội vào hang động chùa Hương, ta sững người trước tấm lòng yêu non nước với bài thơ trường thiên "Hương Tích động" của Bùi Văn Dị. Xuôi về Hà Hồi, ta gặp một Từ Diễn Đồng day dứt về nỗi suy vong của đất nước và khí phách của ông trào lên tiếng thét "Nước non nghiêng lệch bởi vì đâu? - Kê lại cho cân quả địa cầu".

Tản bộ ra phía ngoại thành Xù Gạ, tưởng nhớ bà Điểm trên quê ông Kiều, tác giả phát hiện ra một chi tiết thú vị: Xưa nay người con gái hễ cứ đi lấy chồng là cái tên cha sinh mẹ đẻ đặt cho mình bị tước bỏ hoặc gần như bị tước bỏ. Trường hợp bà Điểm thì khác. Lúc bà còn sống và làm vợ ông Kiều, người ta gọi bà là "bà nghè Nguyễn Kiều" thì chẳng ai biết là ai. Trái lại, khi nói đến ông nghè Kiều phải kèm theo mấy chữ "chồng bà Điểm". Thật là "sang vì vợ"!

Về thăm quê hương Nguyễn Trãi, tác giả dẫn ta đi lang thang khắp làng Nhị Khê và gặp lại bao nhiêu di tích thuở sinh thời Nguyễn ứng Long, Nguyễn Trãi. Đây là một bài hát - ký - khảo - cứu công phu, giúp cho ta hiểu biết nhiều về làng quê của một danh nhân văn hóa…

Cuốn Tú Xương khi cười, khi khóc, khi than thở là một công trình biên khảo có giá trị. Trần Lê Văn là người cùng họ tộc với nhà thơ Tú Xương. Ông đã từng gặp gỡ hỏi chuyện về Tú Xương với bà con họ hàng và cả với một số người sống đồng thời với Tú Xương. Do đó cuốn sách có những tài liệu mới mẻ về nhà thơ cổ điển này. Phần tiểu luận dài 85 trang, vừa phân tích vừa kể chuyện một cách sinh động, khiến người đọc thương cảm hơn thân phận một nhà thơ; và cắt nghĩa tại sao cuộc đời ngắn ngủi 37 năm của Tú Xương lại dồn nén bao nhiêu tiếng cười, tiếng khóc, tiếng than thở đến trào máu mắt.

Phần tác phẩm gồm 94 bài thơ nôm, 2 bài thơ chữ Hán và một số câu đối. Hầu hết các bài thơ đều ghi rõ hoàn cảnh sáng tác. Đọc xong cuốn sách, ta càng hình dung rõ hơn một thành phố Nam Định giữa thời buổi nhố nhăng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Trần Lê Văn thích nhẩn nha tản bộ cùng bè bạn đến mọi vùng đất nước, nhất là những nơi danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử. Tứ thơ nảy sinh từ những chuyến tản bộ ấy. Không những chỉ thơ, mà ngay cả những bài có tính chất khảo cứu cũng là "khảo cứu điền dã".

Kỷ niệm Thuận Châu, thú chơi tung còn, trang phục phụ nữ Thái ở vùng Tây Bắc… ấm áp cảnh sắc và tình người, bởi nơi đó là quê hương người bạn đời của ông… Hồ Gương đảo Ngọc, chùa Hương suối Yến, Nghi Tàm vườn thơ, Thủy Tiên Trang ông già Nguyễn Công Tiễu… đẹp như những bài thơ trữ tình, bởi nơi đó ông thường lui tới và suy ngẫm… Nhưng giữa thiên nhiên và cuộc đời sôi động, ông thường nhạy cảm với những gì yên tĩnh bền vững:

A1 ngày đêm pháo vẫn rền

Noong Bua trầm lắng một ao sen

Giữa hai trận đánh, quân ta nghỉ

Tắm mát ao làng giữa Điện Biên.

(Ao sen nơi tuyến lửa)

Cái tạng của Trần Lê Văn là thích lặng lẽ, nhẩn nha (nhẩn nha chứ không phải nhởn nhơ). Đôi lúc cái nhẩn nha ấy làm cho ta hơi sốt ruột, khó chịu. Chẳng hạn trong bài "Kỷ niệm Thuận Châu", ông kéo đoạn văn dài lòng thòng sáu dòng chỉ để nói một ý: Với bạn đọc yêu quý và có tính tò mò (ai chẳng có tính ấy) tôi chẳng dám giấu giếm gì. Xin nói ngay là cô gái Thái, nhân vật trong câu chuyện này hiện nay đang chung sống với tôi, là "bạn trăm năm" của tôi, hay nói nôm là "bà xã" của tôi. Để khỏi lộ "bem", tôi xin dùng một chữ tắt là N. để gọi tên nhân vật cho tiện.

Trong thơ ông, soi bóng nhiều vùng quê như Tam Đảo, Điện Biên, sông Đà, Easúp, Ba Vì, Thái Bình, Lạng Sơn, Hạ Long… Nhưng ta có cảm tưởng như tất cả cái náo động của cuộc đời đều được lọc qua tâm hồn yên tĩnh của ông để lấy cái tinh chất rồi gửi gắm vào những đề tài tĩnh lặng cổ truyền: Từ Thức, Nguyễn Trãi, bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Du, Xuân Hương, ông Trạng, Tranh Lão Say, Mừng xuân nhà bạn, Ao làng, Tiếng đàn, Kỷ niệm về vợ con…

Từ trong đó, ta chắt lọc được những gì tinh khiết của quá khứ. Ta cảm được Lửa trí tuệ sáng ngời biển trí tuệ dâng cao của Phan Huy Chú. Ta thấy được Giọt nước mắt thần linh đã thành vầng sáng - Ngàn năm lấp lánh áng thơ tình của Công chúa Ngọc Hân khóc Quang Trung. Ta dường như Nghe trào lên giai điệu bi thương - Quá khứ thở dài trên thớ gỗ của pho tượng La Hán chùa Tây Phương… và, như vậy, ta hoàn toàn thông cảm và tôn trọng những phút giây yên tĩnh của người thi sĩ ấy:

Thèm ngồi lặng, ngẩng đầu lên khóm lá

Mà uống trong lành một tiếng chim.

Có một lần, tôi ngồi trò chuyện với ông khá lâu. Đến lúc về, ông tiễn ra tận đường phố, nắm chặt tay tôi, yên lặng một chốc rồi ông nói: "Trực ơi! Con người sao phải chịu nhiều đau khổ thế này… Ăn ở với nhau có tình có nghĩa là cái quý nhất…". Ông rơm rớm nước mắt rồi quay vào. Tôi nhìn theo ông, dáng lưng hơi gù, bước chậm quanh bồn hoa, lên bậc tam cấp…

Con người ngoài tám mươi ấy đã phải chịu đựng bao nhiêu nỗi cay cực cả trên đường đời cả trong hoàn cảnh gia đình. Người con trai là Hồng Thao đã hy sinh ngoài mặt trận. Một người con trai khác bị bệnh trầm cảm. Cháu ngoại bị dị tật vì chất độc hóa học - bố cháu bao nhiêu năm lăn lộn ở chiến trường.

Cùng với người vợ rất mực tần tảo, ông đã tự chèo chống cuộc đời mình qua bao nhiêu ghềnh thác và đưa gia đình vượt lên muôn nỗi uẩn khúc. Nhiều lúc ông phải gồng sức lên mà gánh vác một trọng lượng đau đớn quá tải, tưởng như chỉ hắt ra một tiếng thở dài là quị xuống. Nhưng ông không chịu quị xuống! Nghiến răng mà đi tới… Và anh Văn ơi, anh còn có một kho tàng giàu có khác, đó là bè bạn, những người bạn cùng lứa tuổi và những người bạn vong niên luôn luôn sum vầy quanh anh và cùng nhau chia sẻ tình thương.

Tài mình chẳng có cho thiên hạ

Thì cũng đem chia một chút tình

Chính anh đã thốt lên như vậy trong bài thơ "Xuân không hẹn". Anh chân tình và thương người thì người cũng chân tình và thương lại anh. Anh nuốt nước mắt vào trong và cười với bè bạn. Cười để khuây khỏa những nỗi buồn tê tái. Cười để tạo ra cái cân bằng trong cuộc sống và dồn thêm nghị lực để vững vàng đi tiếp.

Quang Dũng cũng gặp nhiều bất hạnh, với anh, đã trở thành người bạn thủy chung cho đến hơi thở cuối cùng. Ta hãy một lần nghe hai người bạn này cười với nhau. Lần ấy, hai người đi Tam Đảo, vì chẳng phải quan chức và túi tiền thì quá nhẹ, nên ăn ở chẳng được tử tế, bèn cùng nhau ứng khẩu một bài thơ vui:

Không đi không biết Tam Đao (đảo)

Đi thì biết kiếm nơi nào mà ngu (ngủ)

Một giường chen chúc hai cu (cụ)

Gối thì không có, lấy mu (mũ) kê đầu.

Anh cũng đã "cười một cách nghiêm túc" lần khai bút Xuân Nhâm Thân:

… Lắm kẻ thầm mong lên chức "cụ"

Riêng mình chỉ thích xuống vai anh

Hỏi giăng hỏi gió, anh đều nhớ

Hỏi tuổi thì anh… quên rất nhanh!

Giữ phong cách của một nhà nho, hầu như Tết nào ông cũng khai bút. Ta nghe trong đó phảng phất tiếng cười gằn của Tú Xương. Lao động thơ là một biện pháp hữu hiệu để giữ tâm hồn mình trong sáng và hãm tốc độ già nua của tâm hồn. Lao động thơ vào ngày đầu năm càng có ý nghĩa ấy. Trần Lê Văn sốt ruột Văn chương ì ạch khôn tăng tốc - Ngày tháng vèo trôi khó hãm phanh (xuân 1992) và tự dặn mình Nghìn dặm phong trần chưa mỏi gối - Trăm lần bão táp chẳng tan mơ (xuân 1993).

Gần đây nhất, Tết Tân Tỵ, ông viết bài thơ khai bút lên giấy hồng điều, dán trang trọng ở phòng khách:

Mở rộng cửa chào đón

Bè bạn đến quây quần

Chuyện cứ vui như Tết

Cười cho dài tuổi xuân.

Tiếng cười bè bạn dù có rôm rả đến mấy rồi cũng tan cuộc, ông lặng lẽ trở về bàn làm việc, dành cho mình giây phút yên tĩnh thiêng liêng để suy ngẫm:

Phận mây trôi nổi đã đành

Tỉnh ra, núi cũng thấy mình phù vân.

(Núi và mây)

Và ông khao khát tình thương, khao khát sự đồng cảm của mọi người đối với ông: Có ai nghe thấy một tiếng vọng - Thì thả con thuyền sang với tôi (Tiếng vọng). Những con thuyền của người thân, của bè bạn đã và đang thân ái đến với ông.

Phan Kế Bính nói: Văn nghệ là tiếng chim gọi đàn. Thơ ông cũng là tiếng chim gọi đàn: Thơ bạn gọi thơ mình, như sớm tinh mơ, Tiếng chim gọi tiếng chim vang trời yên tĩnh (Sớm mùa thu nghe thơ bạn)

Võ Văn Trực
.
.
.