Tiếc thương NSND Trịnh Thịnh, người nghệ sĩ đa tài

Thứ Hai, 14/04/2014, 09:08
Tin NSND Trịnh Thịnh bay về cõi hạc khiến khán giả từng biết ông qua những vai diễn đều thấy nghẹn ngào. Trên báo chí lẫn các trang mạng xã hội tràn ngập những lời đau xót trước sự ra đi của người nghệ sĩ lớn. Ông là một trong những nghệ sĩ chiếm được tình cảm và sự kính trọng của công chúng, cả trong sự nghiệp lẫn trong đời thường.

Thế hệ chúng tôi may mắn được xem rất nhiều phim do ông thể hiện: A Sinh trong “Vợ chồng A Phủ”, anh cấp dưỡng trong “Đường về quê mẹ”, ông Củng trong “Vợ chồng anh Lực”, ông cán bộ huyện trong “Thị trấn yên tĩnh”, lão thuyền chài trong “Lời nguyền một dòng sông”, ông nội thằng Bờm trong “Thằng Bờm”, người cha trong “Lá ngọc cành vàng” vv… Bởi những năm tháng điện ảnh Việt Nam trong thời kỳ hoàng kim, cái tên Trịnh Thịnh có “sức hút” với rất nhiều đạo diễn, nên các đạo diễn Phạm Kỳ Nam, Trần Vũ, Mai Lộc, Bùi Đình Hạc, Lê Đức Tiến, Hải Ninh..vv… đều mời Trịnh Thịnh đóng phim của mình.

Những ai đã xem phim ông đóng, sẽ thật khó quên những vai diễn luôn có một dấu ấn riêng trong mỗi tác phẩm. Với bất kỳ vai diễn nào do NSND Trịnh Thịnh đảm nhận, đều cảm nhận rõ như nhân vật đó bằng xương bằng thịt, có đời sống hiện hữu trước mắt, bởi lối diễn chân thật đến từng chi tiết. Ngày nhỏ, xem những vai diễn người dân quê của ông, chúng tôi từng đinh ninh ông là một nông dân chính hiệu. Nhân vật ông Củng trong “Vợ chồng anh Lực” được NSND Trịnh Thịnh thể hiện thành công đến nỗi, một thời gian dài, khán giả gọi ông là “ông Củng” thay vì tên thật! Trong nhiều năm liền, cái tên Trịnh Thịnh trở thành một thương hiệu kéo khán giả đến với các sân bãi, hay rạp chiếu phim.

NSND Vương Đức (Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam), không giấu được đau xót trước việc ra đi của người nghệ sĩ lớn: Trong giới nghệ sĩ biểu diễn, NSND Trịnh Thịnh là một cây đại thụ đáng kính trọng, vì thế, sự ra đi của ông là một khoảng trống không dễ bù đắp cho điện ảnh Việt Nam. Ông cùng với thế hệ diễn viên điện ảnh Việt Nam đầu tiên như NSND Trà Giang, NSND Lâm Tới, đã góp phần đáng kể cho điện ảnh Việt Nam. Diễn xuất của ông đa dạng, sâu sắc, tạo cho người xem cảm giác tin cậy và nhiều cảm xúc, đặc biệt là các vai người nhà quê. Xem những vai diễn như anh cán bộ trong phim “Thị trấn yên tĩnh” hay ông nội thằng Bờm, thật khó tin NSND Trịnh Thịnh là người Hà Nội gốc. Ông đã thể hiện các nhân vật chân lấm tay bùn đặc biệt xuất sắc, được khán giả vô cùng yêu thích - điều mà không phải ai cũng có được. Người ta thường dựa vào tố chất con người để thể hiện nhân vật, còn ông, thành công chính là tài năng và lao động nghệ thuật nghiêm cẩn. Thường những diễn viên không tương đồng về hoàn cảnh với nhân vật, dễ vấp phải khó khăn, nhưng với NSND Trịnh Thịnh, dường như không có bất cứ rào cản nào trong thể hiện các vai diễn. Đến mức, mỗi khi dựng các phim tài liệu, có sử dụng các hình ảnh mà ông đóng, tôi càng thấy kính phục tài năng diễn xuất của ông.

NSND Trịnh Thịnh vai A Sinh phim “Vợ chồng A Phủ”.

NSND Vương Đức nhớ lại: Ông là một tấm gương về lao động nghệ thuật cho thế hệ chúng tôi. Trong sự nghiệp của mình, NSND Trịnh Thịnh không bao giờ nghĩ đến “vai diễn lớn” hay “vai diễn nhỏ” mà với ông, chỉ là “vai diễn” với ý thức phải diễn tốt. Nên với từng vai diễn, dù chính hay phụ, ông đều nghiêm túc. Nghỉ hưu rồi, nhưng hễ còn sức khỏe là ông vẫn tiếp tục đóng phim. Tôi đặc biệt trân trọng khi NSND Trịnh Thịnh còn luôn tham gia lồng tiếng phim - một công việc đòi hỏi năng lực như một nghệ sĩ biểu diễn, nhưng rất lặng thầm. Thông thường, chỉ những diễn viên ít xuất hiện trên màn ảnh, mới lồng tiếng. Vậy mà ông, một nghệ sĩ danh tiếng vẫn làm công việc này, đóng góp cho nhiều bộ phim, trong đó, có “Của rơi” của tôi.

Sinh thời, NSND Trịnh Thịnh thân thiết với NSND Trần Phương và Ngô Nam, cũng là những nghệ sĩ cùng đóng nhiều phim. Nghe tin người bạn tri kỷ qua đời, NSND Trần Phương đau xót: Hầu như các phim trước đây đều có mặt Trịnh Thịnh, vai chính, hoặc vai phụ. Ông ấy luôn nhiệt tình trong công việc. Hồi đóng phim “Vợ chồng A Phủ”, Trịnh Thịnh đóng vai A Sinh, bạn của A Phủ, nhân vật do tôi đảm nhiệm. Tuy là vai thứ chính, nhưng Trịnh Thịnh vẫn cùng tôi đi thâm nhập thực tế nhiều tháng liền ở bản người H'Mông tận Tủa Chùa, Lai Châu, cùng sinh sống, đi nương và cả ăn Tết với người dân bản. Chúng tôi sống với nhau như anh em ruột thịt, cùng đi diễn khắp mọi miền, đói rét đều sẻ chia, không ai phàn nàn hay nề hà. Bởi điều mà anh ấy cũng như chúng tôi quan tâm, là vai diễn của mình và bộ phim được công chúng ghi nhận. 

Với NSND Thế Anh, người đã đóng cùng NSND Trịnh Thịnh nhiều phim, trong đó có “Đường về quê mẹ”, “Không nơi ẩn nấp”, thì kỷ niệm với NSND Trịnh Thịnh cũng đầy ắp: Thực ra, NSND Trịnh Thịnh nổi tiếng trước khi làm điện ảnh, từ vai thầy Tú trong vở kịch Pháp nổi tiếng “Topaze” do Phan Tại đạo diễn. Mỗi vai diễn của NSND Trịnh Thịnh đều chân chất, có sức nặng tâm lý cùng với ngoại hình rất phù hợp của ông, nên luôn chinh phục khán giả. Ở ngoài đời, ông cũng là người chu đáo, thật thà, chất phác như những nhân vật ông đảm nhận trong phim, vì thế, mỗi khi đi đóng phim ở các địa phương, sáng sáng ông dậy sớm nấu mì cho chúng tôi ăn, chăm sóc, lo lắng anh em diễn viên như một người anh cả. Vì thế, chúng tôi đều quí mến, kính trọng ông.

NSND Vương Đức nghẹn ngào: Trịnh Thịnh là nghệ sĩ tài giỏi và chân chính. Cả một đời cống hiến cho điện ảnh nước nhà với những thành công chói lọi, nhưng ông không bao giờ đòi hỏi điều gì cho bản thân, chỉ lặng lẽ âm thầm. Vì thế, thật xót xa khi đến lúc ông từ giã cõi đời, vẫn không có một căn nhà của riêng mình, mà vẫn sống nhờ con gái, dù đã nhiều lần, Nhà nước hứa cấp nhà cho ông và ông vẫn không đòi hỏi. Cuộc đời và sự nghiệp của ông khiến chúng tôi vô cùng trân trọng, kính phục… Ông thực sự là người nghệ sĩ “của Nhân Dân”.

NSND Trịnh Thịnh sinh năm 1926, mất ngày 12/4/2014, thọ 87 tuổi. Tang lễ do Hãng Phim truyện Việt Nam và gia đình tổ chức vào hồi 14h45 ngày 15/4 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội).

Thanh Hằng
.
.
.