Tia hy vọng về vị trí của Đan Lăng

Thứ Năm, 26/01/2006, 10:46

Có phải Đan Lăng, lăng mộ của Nguyễn Huệ nằm gần núi Khuân Sơn (còn có tên gọi Thuận Sơn, huyện Hương Trà, Thừa Thiên)?

Hoàng đế Quang Trung mất ngày 29/7 Nhâm Tý (tức 16/9/1792) sau một cơn bạo bệnh, hưởng dương 39 tuổi. Lăng mộ của ông ở phía nam sông Hương, người đương thời gọi là Đan Lăng (Lăng Đỏ) hay Đan Dương Lăng (Lăng Mặt trời đỏ).

Nhà thơ Ngô Thì Nhậm, một vị đại thần dưới hai triều Quang Trung và Cảnh Thịnh đã từng sáng tác những bài thơ về Đan Lăng như “Khâm vãn Đan Dương Lăng, cung ký” (Theo xa giá đi bái tảo Đan Lăng, kính ghi). Trong bài thơ “Đạo ý” ông cũng có ghi về vị trí lăng Đan Dương trong câu “Đỉnh hồ phiểu diểu vọng Đan Dương” (Đỉnh mây vời khuất, nhớ Đan Dương - Ngô Linh Ngọc dịch). Như vậy, có thể lăng Đan Dương ở trên một ngọn núi nào đó. Tuy nhiên, đã hơn 200 năm, kể từ khi bị quân lính Gia Long quật phá, cho đến nay chưa ai biết vị trí Đan Lăng ở đâu?

Từ trước đến nay, có một số giả thuyết để căn cứ tìm kiếm lăng mộ Quang Trung, nhưng có 2 giả thuyết được mọi người chú ý hơn cả. Một là, lăng Ba Vành ở làng Cư Chánh. Giả thuyết này được nêu ra đầu tiên vào những năm 40 của thế kỷ trước, do một học giả người Pháp là L.Cadiere chủ trương. Nhưng người ta đã nghiên cứu đủ chứng cứ để kết luận lăng Ba Vành không phải là lăng Quang Trung (mà là lăng một vị đại thần thời chúa Nguyễn mất trước Quang Trung 47 năm).

Hai là, vào khoảng những năm 90 của thế kỷ trước, có một giả thuyết khác về lăng mộ Quang Trung do nhà nghiên cứu về Huế Nguyễn Đắc Xuân chủ trương. Qua tìm tòi trong sử sách, tác giả đã chú ý đến sự “mất tích” một cách đáng ngờ của phủ Dương Xuân, một phủ đệ quan trọng dưới thời các chúa Nguyễn. Sau đó, ông đã chứng minh rằng, phủ Dương Xuân chính là điện Đan Dương thời Quang Trung và sau này là Đan Dương Lăng hay Đan Lăng của Quang Trung!

Vị trí cụ thể ở  gần chùa Thiên Lâm, cạnh đường Điện Biên Phủ (thành phố Huế). Ở khu vực này, trước đây người ta đã từng đào được 4 tấm đá granite lớn, kích thước 2,7m x 0,67m; dày 0,023m, mà tác giả nghi ngờ đây chính là 4 tấm đá bọc quanh quan tài Quang Trung.

Dựa trên giả thuyết này, người ta đã tiến hành khai quật và đã phát hiện một bức tường dài hơn 3 mét, nằm ở độ sâu hơn 1 mét và nghi ngờ rằng đây chính là Huyền cung (nơi đặt quan tài) của Vua Quang Trung. Nhưng, những người đi theo giả thuyết này chưa tìm được một dấu vết gì chắc chắn để chứng tỏ rằng những di vật kia là của lăng Quang Trung nên tính thuyết phục còn hạn chế.

Đến một tín hiệu mới?

Mới đây, trong đề tài nghiên cứu “Khảo sát, sưu tầm và biên dịch những di sản Hán - Nôm hiện còn ở Thanh Hóa”, nhóm các nhà nghiên cứu Bản dịch thuật Hán - Nôm Thanh Hóa có nhận được một tập thơ nhan đề “Liên Khê Nam hành tạp vịnh”, gồm trên 200 bài thơ của Lê Triệu, (1771 - 1846) quê ở xã Đại Trung, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Lê Triệu có bút hiệu là Liên Khê. “Nam hành tạp vịnh” là tập thơ vịnh những di tích, danh thắng mà ông đã từng đến thăm. Tất cả đều ở về phía nam tỉnh Thanh Hóa quê ông, vì vậy được gọi là Nam hành.

Trong tập “Nam hành tạp vịnh” này có một bài thơ đặc biệt. Bài thơ nói lên cảm xúc của nhà thơ khi nhìn thấy linh cữu của Vua Quang Trung. Nguyên văn chữ Hán của bài thơ như sau:

Kiến Quang Trung linh cữu

Trấp niên sất sá tẩu phong vân/ Như thử anh hùng cổ hãn văn/ Hàm Dã độc lưu thiên vạn cốt/ Khuân Sơn họa tại bách niên phần/ Không hàm chỉ chỉ thiên thu hận/ Cô phụ đường đường bát xích thân/ Quang cảnh nhất ban thành phấn mị/ Linh nhân chung cổ tiểu Doanh Tần.

Dịch nghĩa:

Nhìn thấy linh cữu Vua Quang Trung

Hai mươi năm tiếng thét át cả gió mây/ Chỉ chừng ấy cũng đủ thấy là bậc anh hùng hiếm có/ Trên chiến trường Hàm Đan hận vì muôn vạn xác giặc/ Khuân Sơn không ngờ lại để mối họa đến phần mộ trăm năm/ Bỗng phải chịu sự chỉ trích của mối hận nghìn thu/ Nỡ phụ tấm thân tám thước của bậc anh hùng/ Quang cảnh trong chốc lát bỗng thành cát bụi/ Khiến cho nguời đời muôn thuở đều cười bạo chúa Tần Doanh.--PageBreak--

Toàn bài thơ toát lên tấm lòng tôn kính, ca ngợi sự nghiệp anh hùng vĩ đại của Vua Quang Trung, cám cảnh trước lăng mộ của ông bị quật phá và lên án Gia Long trả thù tàn bạo chẳng khác gì bạo chúa Tần Doanh Chính (Tần Thủy Hoàng) này xưa.

Theo chúng tôi, câu “Trấp niên sất sá tẩu phong vân” là ý nhắc đến sự nghiệp chinh chiến lừng lẫy của Vua Quang Trung từ năm 1771 - 1792 (tức 21 năm) nói tròn là 20 năm! Như vậy, câu này không thể nói lên được thời điểm sáng tác bài thơ. Theo chúng tôi, ngay từ đầu đề bài thơ “Kiến Quang Trung linh cữu” tác giả đã nhìn thấy (kiến = thấy tận mắt) linh cữu của Vua Quang Trung. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, chính tác giả đã nhìn thấy quan tài Vua Quang Trung khi mới bị quật lên, còn có cả thi hài trong đó.

Theo Đại Nam thực lục (chính biên, Đệ nhất kỷ, quyển XV) thì tháng 5 năm Tân Dậu (1801), Gia Long chiếm được Phú Xuân. Sáu tháng sau, tháng 11 năm đó đã cho phá hủy mộ Quang Trung: “Phá hủy mộ giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ, bổ săng, phơi thây, bêu đầu ở chợ. Con trai, con gái họ hàng và tướng hiệu 31 người đều bị lăng trì cắt nát thây. (Đại Nam thực lục - Tập 1, trang 473, NXB Giáo dục - 2004).

Như vậy, sau khi quật mộ, bổ quan tài, có thể nhà thơ Lê Triệu, tác giả bài thơ này đã có mặt và chứng kiến sự kiện này.

Bài thơ có nhắc đến núi Khuân Sơn (còn có tên gọi Thuận Sơn, huyện Hương Trà, Thừa Thiên) như một tín hiệu mới mẻ, giúp cho chúng ta từ đó có thể khảo sát, dò tìm được địa điểm Đan Lăng, lăng mộ của Vua Quang Trung (đã bị quật phá cách đây hơn 200 năm). Chúng ta không có tham vọng khôi phục lại Đan Lăng (vì không hề có một hình ảnh cụ thể nào) mà chỉ có thể từ điểm đó, dựng tượng đài Vua Quang Trung, cho nhân dân được đến thắp hương để tưởng nhớ tới anh linh của vị Anh hùng dân tộc

Phan Duy Kha
.
.
.