Thú chơi đào rằm của người Hà Thành: Lạ và riêng

Thứ Hai, 06/02/2012, 20:15

Đã từ lâu lắm rồi người dân Thủ đô có thú chơi đào ngày rằm. Cành đào của 3 ngày Tết nở bung sẽ được thay bằng 1 cành đào mới hé nụ vào dịp rằm tháng giêng, đặt trên bàn thờ tổ tiên, trước hiên nhà, hay trong phòng khách. Đủ biết rằng, người Hà Nội vẫn còn thiết tha muốn níu giữ một chút hương vị Tết cổ truyền…

Níu giữ hương vị Tết cổ truyền

Đi dọc các tuyến phố Hà Nội những ngày này ta dễ dàng dắt gặp những cành đào đỏ thắm khoe sắc trên những gánh hàng rong, đằng sau yên xe máy, trong những chậu hoa dựng tạm ven đường, hay thậm chí là trên tay của một người phụ nữ vừa mua. Hoa đào qua Tết vẫn cứ mải miết khoe sắc và vẫn nổi bật giữa phố phường Hà Nội, mặc những dòng người xô bồ, tấp nập cứ lại qua không ngớt.

Hà nội dịp này mưa và rét, kéo dài từ trong Tết trở ra. Vậy mà những người bán đào muộn ở chợ hoa Quảng Bá vẫn có mặt từ 6 -7h sáng đến tận chập tối, cố vớt vát một vụ mùa không thuận lợi. Chú Đỗ Văn Sơn ở Cụm 1 Nhật Tân chia sẻ: “Tôi bán từ mồng 4 Tết đến hết tháng giêng. Tết hết nhưng người ta vẫn chơi đào vì trong năm nhiều người không mua được, năm nay lạnh quá đào có nở được đâu, còn mấy chục cành sót lại bán giá rẻ”. Vợ chú Sơn, cùng với một hội những người phụ nữ trồng đào ngày nào cũng buộc chục cành đào sau yên xe đạp rong ruổi dọc các tuyến phố bán dạo.

Lý giải về thú chơi đào dịp rằm tháng giêng, cô Xuân ở Tứ Liên phân tích: “Người ta nói, cả năm được nằm tháng bảy, cả thảy được rằm tháng giêng. Mà đặc trưng của tháng giêng ở Hà Nội là hoa đào, cúng rằm hay lễ chùa mà có đào thì còn gì bằng”. Còn cụ Tạ Quang Hòa (76 tuổi) ở Trần Nhật Duật đang chọn đào ở phố Hàng Rươi cho biết: “Bác rất thích hoa đào, nên cứ bao giờ có đào là mua. Tết năm nay bác mua đào 3 lần, đào năm nay chỉ đẹp tương đối nhưng có sớm, 20 tháng chạp bác đã đi mua 1 cành rồi. Ngày rằm tháng giêng có 2 lọ hoa đào đặt trên bàn thờ thì cảm thấy không khí đầm ấm, sum vầy của mùa xuân, vì cành đào rất đẹp, đặc trưng của Tết và của miền Bắc…”

Có thể, truyền thống của người Hà Nội chơi đào vào dịp rằm là vì muốn lưu giữ sắc xuân, khí xuân mà không phải loài hoa nào cũng có thể làm được. Cũng có thể đào mỗi năm chỉ có 1 lần. Hay cũng có thể như cách lý giải của chú Sơn: “Thời các cụ chỉ chơi hoa tươi cúng rằm, bây giờ có điều kiện nhiều người thích chơi đào, cảm giác không khí ngày Tết quay lại. Như kiểu ngày xưa nhà cụ nào có điều kiện thì rằm tháng giêng lại gói bánh chưng lần nữa”.

Đào dịp này chỉ bán cho khách vãng lai thôi nhưng có những người khách mê đào kinh khủng. Chú Sơn kể, năm ngoái có cụ ông từ đầu mùa đến cuối mùa cắm đến 10 cành đào, bởi theo như cụ nói “nghề của tôi chỉ có cắm đào, cắm hết vụ mùa thì thôi”.

Thuận mua vừa bán, giá phải chăng

Theo nhiều người dân trồng đào thì năm nay thời tiết không thuận lợi nên không được mùa đào, dịp Tết trời lạnh kéo dài nên hoa không nở, và cây nào nở thì hoa cũng không được thắm như mọi năm. Nhưng không vì thế mà giá đào đắt hơn. Chú Hưng ở Gia Lâm mua 1 cành đào bích chiều 2/2 (12 Tết) chỉ 130 nghìn đồng, theo chú là “rẻ hơn nhiều so với dịp Tết mà vẫn đẹp”.

Còn 14 cành đào của chú Đỗ Văn Sơn giá trung bình chỉ 100.000 đồng/cành. “Nghề trồng đào cũng cực, cả năm chờ đợi, đổ bao nhiêu công sức tiền của vào đấy, nào tiền thuốc, tiền phân tro, tiền công, đòi hỏi nhiều kỹ thuật. Xong gần đến ngày thì phải trông vào thời tiết nữa”.

Đào Nhật Tân được bày bán cho dịp rằm trên phố Hàng Lược.
Người dân tấp nập mua đào trên phố Hàng Rươi sáng 3/2.
15.000 đồng cho 1 cành đào con cắm lọ trên bàn thờ.
Cụ Tạ Quang Hòa (76 tuổi) ở Trần Nhật Duật đang chọn mua đào cho rằng:“Rằm tháng giêng có 2 lọ hoa đào đặt trên bàn thờ thì cảm thấy không khí đầm ấm của mùa xuân”.

Có rất nhiều giống đào như đào bích, đào phai, phai hồng, phai lòng chai, đào 5 cánh, đào hạt… và mỗi loại lại đòi hỏi kỹ thuật vun trồng, chăm bón riêng. Chẳng hạn bích đào màu đỏ đậm đẹp nhưng khó trồng, khó giữ, trời mà rét quá tuốt 75 ngày mới nở, nhưng lúc tuốt rồi chỉ 3 ngày là tàn.

Năm nay lượng người chơi đào dịp rằm cũng ít hơn, lượng bán ra chậm. Một phần là do trời rét nhiều, người dân mua 1 cành đào để được cả tháng, chứ không như mọi năm nhiều người vụ đào cắm được hàng chục lần vì nắng nóng, đào để trong nhà được 3 – 4 hôm hoa nở bung lại phải thay. Sau Tết đào chỉ bán từ mồng 4 đến rằm, nhà nào còn thì cũng chỉ rải rác đến 20 là cùng, chứ nếu cắt muộn quá cây nhỏ không nuôi được, lại chậm mất vụ đào năm sau. “Thế nhưng hết Tết rồi nên để rẻ, thuận mua vừa bán, người bán thoải mái mà người mua cũng vừa ý…”. Chú Sơn cho biết thêm.

Còn cô Hồng chủ sở hữu của hàng nghìn gốc đào Nhật Tân tiết lộ: “Năm ngoái người ta còn chơi hết tháng 2, chơi đào cúng rằm rẻ và bền. Dịp rằm này mua 1 cành đào bích cắm lọ 100 nghìn còn kinh tế hơn, chứ hồng đỏ bây giờ 70 nghìn đồng/chục, hoa ly cũng phải 80 nghìn đồng/cành…”

Chị Hồ Mỹ Lệ (Phú Thượng, Tây Hồ) người chuyên bán đào loại cành bé để cắm bàn thờ cho biết, giá trung bình mỗi cành là 15 nghìn đồng, cành nào có tứ quý (có cả hoa, nụ, lộc, quả) thì đắt hơn 1 chút. Riêng sáng 3/2 trong vòng 4 tiếng đồng hồ chị Lệ bán được 150 cành, nhưng theo chị là chậm hơn so với năm ngoái, vì năm ngoái chừng ấy đào chị chỉ đứng khoảng 1 tiếng là hết. “Đào con này đắt hàng lắm vì để lên bàn thờ gọn và tiện. Năm nay đào xấu nên bọn chị cũng bán rẻ hơn cho người dân dễ mua chứ ngoái toàn bán 30.000 đồng/cành đấy”.

Rời chợ hoa Hàng Lược rồi nhưng dư âm của Tết, của hoa đào vẫn làm nao nức trong lòng người. Hiểu được sâu xa cái thú chơi đào rằm của người Hà Thành cũng thú vị như người miền Trung thích đào phai, người miền Nam thích mai vàng ngày Tết vậy. Hoa đào thắm dịp rằm tháng giêng làm ấm đi khí trời lạnh buốt, có cảm giác hương vị Tết còn đọng lại trên từng cánh hoa đào, lan tỏa vào mỗi nếp nhà, tạo nên dư vị đặt biệt cho người dân Thủ đô…

Quỳnh Vinh
.
.
.