Thu Vân - niềm tự hào của võ thuật cổ truyền Việt Nam

Thứ Hai, 29/11/2004, 18:21

Cao 1,5m, ăn nói nhỏ nhẹ, dịu dàng, nếu ở lẫn trong đám đông, sẽ khó ai có thể nhận ra nữ võ sư Thu Vân - người từng đoạt nhiều huy chương trong các cuộc thi biểu diễn võ thuật toàn quốc, từng biểu diễn và giảng dạy cho môn sinh nhiều nước trên thế giới… và đã đạt tới đẳng cấp Bạch đai 18/18 năm chấm.

Võ sư Thu Vân sinh năm 1945 tại Hà Nội. Thủa nhỏ bà rất mê hát. Bà có thể hát được quan họ, chèo, cải lương, ca Huế. Thấy con có năng khiếu văn nghệ, cha mẹ của Thu Vân quyết định cho con gái theo học trường Ca kịch dân tộc Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, Thu Vân về phục vụ ở Đoàn cải lương Nam Bộ trên đất Bắc.

Năm 1959, bà được mời làm giảng viên trường Sân khấu Việt Nam. Mọi việc đang thuận buồm xuôi gió thì bà gặp tai nạn và từ đó bị mất giọng. Người nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu lại bị mất giọng thì còn gì tuyệt vọng cho bằng.

Vốn theo học môn võ từ năm 13 tuổi, Thu Vân liền chuyển hướng, "tầm sư học đạo". Bà gặp được võ sư NSND Tám Danh và may mắn được ông nhận làm môn đệ, truyền dạy cho môn võ cổ truyền dân tộc. Thu Vân nghĩ, từ trước tới nay, người xem thường không hào hứng với những pha múa võ trên sân khấu vì nó có vẻ không chuyên nghiệp, không hấp dẫn. Bà ước sao thành võ sư để đưa võ thuật vào sân khấu trình diễn.

Chính vì thế mà Thu Vân vượt qua một điều, vốn rất bị cấm kỵ trong nghề võ, là một lúc theo học nhiều môn phái khác nhau. Thấy cô gái Bắc kỳ ham mê học võ, các võ sư nổi tiếng của nhiều môn phái khác nhau như, võ sư Trương Thành Đăng, trưởng môn phái Bình Định, võ sư Mai Văn Phát, trưởng môn Đường Trung Sơn... đã không từ nan truyền nghề cho đồ đệ Thu Vân.

Đằng đẵng hơn 20 năm theo đuổi nghiệp võ, mồ hôi của bà Thu Vân đã đổ xuống các sàn tập, hun đúc cho bà một ý chí mạnh mẽ, mà ngay cả các đấng nam nhi cũng không phải dễ dàng có được. Năm 1989, bà Thu Vân được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam phong tặng danh hiệu cao nhất của ngành võ và trở thành trưởng môn võ nghệ thuật cổ truyền của Tp. Hồ Chí Minh.

Để có được một sự nghiệp mà rất hiếm người phụ nữ nào đủ can đảm theo đuổi suốt đời như vậy, võ sư Thu Vân luôn thầm cám ơn sự ủng hộ, động viên khích lệ của gia đình và người chồng thân yêu của mình. Vốn là con gái Hà Nội gốc, nhưng duyên phận lại cho bà gặp một người lính quê tận Mỏ Cày - Bến Tre. Người lính ấy bây giờ đã là môt Đại tá Quân đội.

Bà Thu Vân nhớ như in câu chuyện những ngày đầu tiên về nhà chồng. Xa nhà đi theo đoàn nghệ thuật từ năm 13 tuổi, nên Thu Vân chẳng biết nấu nướng món gì, lúc vào bếp với mẹ chồng cứ lóng ngóng mãi khiến cho cả nhà đều bật cười. Mẹ chồng, vốn tính hài hước, hỏi Thu Vân: "Ngoài nấu nướng ra con còn làm được việc gì nào?". Chỉ chờ có thế, Thu Vân cầm hai thanh củi, xin phép mẹ chồng, bước ra sân "bái Tổ" rồi nhanh nhẹn đi một đường quyền "song đao lưỡng long" như rồng bay phượng múa.

Gia đình nhà chồng vui mừng, biết rằng đã chọn được con dâu đúng ý, vì mẹ chồng và chị chồng của Thu Vân đều là những cao thủ võ nghệ ở Mỏ Cày - Bến Tre. Sau vài chiêu thử thách khác, Thu Vân được mẹ chồng tin tưởng tuyệt đối. Gia đình truyền dạy thêm cho con dâu những bí quyết trong nghề võ.

Lấy chồng bao nhiêu năm thì bấy nhiêu năm Thu Vân rong ruổi trên đường đi tìm những tinh hoa của võ thuật cổ truyền để áp dụng cho sân khấu trình diễn. Thứ võ nghệ mà Thu Vân theo đuổi luôn được gắn với nghệ thuật. Vì mục đích của bà là mang cái đẹp của võ thuật vào nghệ thuật. Võ sư Thu Vân mê mải với những giờ dạy về múa, về tạo hình cho các đoàn nghệ thuật, các trường sân khấu điện ảnh trong cả nước, khiến đức lang quân của bà cũng nhiều khi chán nản vì vợ cứ đi triền miên từ sáng đến tối mịt, ngày này sang ngày khác. Nhờ có mẹ chồng, người rất tâm lý và thương yêu con dâu, hiểu được những nhọc nhằn của một phụ nữ theo đuổi nghiệp võ, mà những phen tưởng chừng như sóng gió trong gia đình võ sư Thu Vân đã qua đi như gió thoảng.

Năm 1992, võ sư Thu Vân được Liên đoàn Võ thuật Pháp mời tham dự liên hoan võ thuật cổ truyền. Có một kỷ niệm mà mỗi lần kể lại cho ai đó nghe, bà Thu Vân lại không nín được cười. Đó là khi bà tới võ đường dạy võ cho các môn sinh, học trò nhìn bà lạ lẫm và nghi ngờ. Vì võ sư của chúng ta quá bé nhỏ về vóc dáng, lại đã có tuổi, đứng lọt thỏm trong đám đông toàn những người nước ngoài cao lớn. Vừa di chuyển một đoạn đường dài, lại bị say xe, nên võ sư mệt mỏi "như một tàu lá héo" (theo cách nói của bà). Hết thảy mọi người đều tò mò đợi xem một bà già Việt Nam sẽ làm được gì.--PageBreak--

Nhưng khi Thu Vân mặc võ phục, oai nghiêm bước ra với một sức mạnh tinh thần phi thường thể hiện trong từng ánh mắt, cử chỉ, động tác biểu diễn điêu luyện, những đòn độc chiêu... thì những nghi ngờ lúc trước đã bay biến mất, chỉ còn lại là lòng ngưỡng mộ của các môn sinh, bạn bè, với những tràng pháo tay không ngớt. Ai cũng khâm phục tài năng, ý chí, sức mạnh của một người phụ nữ Việt Nam bé nhỏ. Nhờ sự ngưỡng mộ ấy, võ sư Thu Vân có thêm nhiều môn sinh ở các nước: Anh, Pháp, Mỹ, Thụy Sĩ... Đã có nhiều bài báo nước ngoài ca ngợi võ sư Thu Vân như một người phụ nữ làm rạng danh võ thuật cổ truyền Việt Nam trên võ đài quốc tế.

Ngoài việc truyền dạy võ cho các môn sinh, học trò nghệ sĩ, võ sư Thu Vân còn là nữ cascadeur Việt Nam đầu tiên. Khán giả điện ảnh hẳn còn rất nhớ cảm giác ngạc nhiên, thích thú khi chứng kiến những kỹ thuật chiến đấu rất duyên dáng với độ chính xác hoàn hảo, nhà nghề của diễn viên Việt Trinh trong phim Ngọc Trân thần công, trầm trồ những thế võ, đường quyền đẹp mắt của Hương Giang trong Tây Sơn hiệp khách, ngưỡng mộ những đường kiếm ngoạn mục của nghệ sĩ Lệ Thủy trong phim Cát bụi hồng trần... Và rất nhiều cảnh "đứng tim" trong các bộ phim khác như: Kỳ tích núi Bà Đen, Người Mỹ trầm lặng... Tất cả đều do võ sư, nghệ sĩ Thu Vân đóng thế.

Cảnh đóng thế nguy hiểm nhất là cảnh đốt cháy người. Khán giả truyền hình cũng từng được thưởng thức cảnh một phụ nữ chìm ngập trong đám cháy dữ dội, do Thu Vân thực hiện. Trước khi thực hiện cảnh này, ai cũng lo lắng cho võ sư Thu Vân, vì từ trước tới nay, để thực hiện cảnh này, người ta chỉ dám cho lửa cháy chút đỉnh ở phía lưng, khá lắm là để lửa mon men gần tới cổ (vì sợ cháy tóc). Đó là chưa kể kem chống cháy chúng ta không có nên cascadeur Việt Nam chỉ được sử dụng mặt nạ chống cháy. Võ sư Thu Vân cho rằng, những cảnh cháy nhẹ nhàng như vậy chưa đạt hiệu quả cao, và bà là người đầu tiên thực hiện cảnh đốt cháy toàn thân.

Sau cảnh quay rất đạt, rất bắt mắt ấy, võ sư Thu Vân cũng bị thiệt hại đôi chút, vì khi bộ đồ chống cháy bốc lửa, y phục của bà cũng bị cháy lỗ chỗ, mái tóc giả cháy hết cũng xém vào tóc thật... Nhưng võ sư rất vui và tin rằng, cascadeur Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được tốt những cảnh quay mạo hiểm.

Trong phim Người Mỹ trầm lặng, một bộ phim nổi tiếng của đạo diễn người Australia Philippe Noyce với sự tham gia của các diễn viên gạo cội như Michael Caine, Bredan Fraser... với hầu hết các cảnh quay được thực hiện tại Việt Nam, Thu Vân đã được mời đảm nhiệm 4 vai, đứng ở 4 góc diễn các kiểu té ngã do tiếng nổ. Đó là cảnh một bà già than khóc đứa con vừa mới chết, cách chiếc xe vừa bị nổ cháy 10m, cảnh té ngã khi chiếc xe nổ, cảnh một người qua đường dắt hai cháu bé chạy thục mạng, khi chiếc xe thứ 2 bị nổ, cảnh một bà già bị thương nhưng cố sức kéo một người lính bị thương nặng ra khỏi đám cháy... Các cảnh diễn của võ sư Thu Vân đều được đạo diễn Philippe Noyce hết lời ca ngợi, cảm phục về khả năng sáng tạo và tinh thần dũng cảm.

Giờ đây, võ sư Thu Vân đã ở tuổi ngoài 60, nhưng bà vẫn không ngừng rèn luyện mỗi ngày. Cách đây 2 năm, võ sư nhập viện và hay tin mình bị ung thư. Trong lúc các bác sĩ quyết định cắt bỏ một bên ngực của bà, còn tử cung thì nghi ngờ đang bị di căn và có triệu chứng xơ... thì thật may có người chỉ cho bà một bài thuốc dân gian của bác sĩ Tâm, Giám đốc Bệnh viện An Giang, cứ ba ngày, uống máu, ăn mật một con rắn hổ đất.

Và thật diệu kỳ, võ sư Thu Vân đã hồi phục. Không ai có thể ngờ rằng người phụ nữ nhỏ nhắn, có lúc chỉ còn 37kg trọng lượng lại có được một nội lực sống tuyệt vời đến như vậy. Tiếp tục lao vào công việc, bà hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu, như đưa võ cổ truyền vào trường học, vào du lịch để giới thiệu với khách tham quan, sưu tầm các tài liệu (chủ yếu là băng hình) về những nghệ nhân, nghệ sĩ, võ sĩ, mà cuộc đời và sự nghiệp của họ là tài sản lớn để lại cho hậu thế, làm cơ sở để giảng dạy cho học sinh, môn sinh các trường võ thuật và sân khấu điện ảnh.

Vượt ra khỏi những suy nghĩ thông thường của nhiều người về vai trò của phụ nữ, võ sĩ Thu Vân là một tấm gương lớn về ý chí kiên cường, về lòng say mê cống hiến cho sự nghiệp mà ý nghĩa của nó không chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm vinh quang cho cá nhân mình, mà còn là niềm vinh quang chung, tự hào chung của đất nước

.
.
.