Nhà văn, nhà báo Trần Văn Tuấn:

Thông tin đa chiều nhưng nhà báo phải biết cốt lõi sự thật

Chủ Nhật, 19/06/2016, 08:49
30 năm làm báo, từng là lãnh đạo của một trong những tờ báo lớn của TP Hồ Chí Minh, nhà văn Trần Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh chào mừng 91 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam bằng cuốn tiểu thuyết viết về nghề báo “Thông tin đa chiều”.

Cuốn tiểu thuyết, như cách chia sẻ của tác giả, được ra đời bởi sự thôi thúc của chính bản thân ông, rằng “mình không thể không viết”.

Từng nhận giải thưởng ASEAN năm 2007, giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012, nhà văn, nhà báo Trần Văn Tuấn cũng là một trong số gương mặt gắn bó lâu năm nhất với Báo Sài Gòn Giải Phóng.

Ông có khá nhiều đầu sách đã xuất bản, ước chừng trên dưới 30 tựa. Nhưng, chỉ có “Thông tin đa chiều” là tiểu thuyết ông viết về nghề báo và những người liên quan đến nghề báo.

Nhà văn Trần Văn Tuấn.

Tiểu thuyết “Thông tin đa chiều” là câu chuyện về sự chuyển mình của một tòa soạn nhật báo ở thành phố lớn với bao nhiêu thay đổi, dằn vặt đấu tranh để chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường. Trong quá trình đó, bằng nhận thức, lý thuyết và thực tế sinh động của đời sống ở một thành phố năng động, đội ngũ người làm báo trong tòa soạn, vốn từ nhiều nguồn đào tạo khác nhau, kể cả những người làm báo “tay ngang” buộc phải thay đổi, “chuyển mình”.

Ở đó, những đòi hỏi cấp thiết của cuộc sống, của nghề báo đã tạo nên một không khí sinh động, quyết liệt và không kém phần thách thức. Tuy nhiên, theo nhà báo Trần Văn Tuấn, bối cảnh của tiểu thuyết này không chỉ diễn ra ở riêng một tòa soạn mà là báo chí của thành phố, của cả đất nước. Và báo chí ở đây là đời sống báo chí chung của Việt Nam. Sở dĩ nhà văn tự tin viết, kể như thế là bởi mấy chục năm gắn bó với nghề báo, ông tham gia và chứng kiến sự dịch chuyển rất lớn về vị trí của báo chí. Từ chỗ làm tuyên truyền là chính, đến nay, trách nhiệm của báo chí là đi tìm sự thật.

Đó cũng là diện mạo báo chí được “Thông tin đa chiều” vẽ nên từ thời bao cấp cho đến hôm nay.

Với cuốn tiểu thuyết mới này, nhà văn Trần Văn Tuấn còn mong muốn bạn đọc sẽ hiểu, cảm nhận nhiều hơn về những người làm báo. Họ đã dấn thân vào con đường làm báo nhưng người làm báo, trước tiên vẫn là con người bình thường, có hỉ nộ ái ố, có cả những sai lầm. Chỉ có điều, người làm báo phải có tố chất riêng. Đó là tư duy báo chí, là quá trình vận động từ nhận thức đến viết. 

Người bình thường có thể viết bằng cảm xúc nhưng nhà báo phải có nhìn nhận khác hơn, viết khác hơn. Báo chí cũng có điểm giống với văn chương là không thể chỉ dừng ở việc phản ánh sự thật mà là truy tìm sự thật và vạch rõ sự thật ấy ở góc nhìn này thì thế này, góc nhìn khác thì thế khác. 

Sự thật ấy ở mặt phải thì thế này, ở mặt trái thì thế khác. Giữa ngồn ngộn của thông tin đa chiều, của vô số nguồn tin nhanh chóng nhờ phát triển của công nghệ thông tin, của mạng xã hội, của đội ngũ những người làm báo không chính thức và chính thống, người làm báo thực sự phải tìm ra được cốt lõi của sự thật và phải biết cho được cốt lõi đó.

“Thông tin đa chiều” – cuốn tiểu thuyết mới nhất về nghề báo của nhà văn Trần Văn Tuấn.

Nhà văn Trần Văn Tuấn cho biết, trong “bức tranh” về diện mạo làng báo mà ông đã vẽ lên trong tiểu thuyết “Thông tin đa chiều” có đủ thành phần làm báo. Người tâm huyết có, người thành công nhờ may mắn do xã hội đem lại cũng có. Nhân vật nhà báo Vũ Trụ là điển hình của nhà báo được tôn vinh và thành công kiểu nhờ may mắn. Giống như Xuân Tóc Đỏ trong tiểu thuyết “Số đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng, “biểu tượng” của sự thành công lẽ ra không có nhưng lại có. Có khác chăng là Vũ Trụ có thực lực thật, có tài năng thật nhưng vẫn là dạng thành công được là nhờ may mắn do hoàn cảnh mang lại… Người làm báo và cả những người muốn tìm hiểu, kể cả “tò mò” về nghề báo, về báo chí có thể tìm hiểu được rất nhiều sự thật như thế trong tiểu thuyết này của ông…

N.Nguyễn
.
.
.