Thông điệp từ những kỷ vật Công an nhân dân

Thứ Hai, 31/08/2015, 09:50
...Mỗi kỷ vật đều mang trong mình một câu chuyện xúc động về cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh, trật tự vì cuộc sống bình yên của nhân dân. Cuộc vận động “Sưu tầm và tuyên truyền kỷ vật lịch sử CAND” đã nhận được sự hưởng ứng trong toàn lực lượng, được thế hệ CAND hôm nay nâng niu, gìn giữ.

Chuyện từ chiếc huy hiệu và đôi bông tai mạ vàng

Chiếc huy hiệu Công an sáng lấp lánh với hình ảnh bông lúa, ở giữa là hai chữ “CA”, bên dưới có hai chữ chiến công –  là phần thưởng dành tôn vinh những chiến công “xuất quỷ nhập thần” của một người anh hùng. Đó là đồng chí Bửu Đóa, Đội Công an xung phong Ty Công an Khánh Hòa. Chiếc huy hiệu đang được Bảo tàng CAND giữ gìn trân trọng.

Huy hiệu bằng vàng Nha Công an Trung ương tặng đồng chí Bửu Đóa.

Sinh ra và lớn lên ở Thừa Thiên-Huế, Bửu Đóa đã dành trọn tuổi thanh xuân, cùng hàng vạn thanh niên Việt Nam quyết tử vì nền độc lập của nước nhà. Người dân Nam Bộ tự hào khi nhắc đến tên anh. Tháng 9/1945, Pháp tái chiếm Nam Bộ, thẳng tay đàn áp đồng bào, truy lùng cán bộ cách mạng gắt gao. Ty Công an Khánh Hòa quyết định thành lập Ban ám sát, sau đổi tên thành Đội Công an xung phong với nhiệm vụ luồn sâu vào lòng địch nắm tình hình, chiến đấu tiêu hao sinh lực quân Pháp, tiêu diệt tay sai ác ôn, mật thám, Việt gian bán nước, bảo vệ cơ sở cách mạng và phong trào quần chúng. Bửu Đóa làm Đội phó rồi Đội trưởng Công an xung phong Ty Công an Khánh Hòa. Chỉ trong 3 năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, anh cùng đồng đội lập nhiều chiến công được ghi vào trang vàng lịch sử CAND. Ngày 1/5/1946, Bửu Đóa bị lính Pháp bắt do Việt gian chỉ điểm. Nhưng, nhờ sự mưu trí, dũng cảm, không những anh thoát khỏi tay giặc mà còn tiêu diệt một tên lính Pháp, rút về cứ an toàn.

Người dân Nam Bộ gọi tên những trận đánh của anh là “xuất quỷ, nhập thần”. Trong tổng số 22 trận đánh phối hợp cùng đồng đội và độc lập chiến đấu, anh đã tiêu diệt 11 tên Pháp, 9 tên Việt gian và ngụy binh, thuyết phục 10 ngụy binh trở về với cách mạng, phá hủy nhiều phương tiện, thiết bị hoạt động của quân Pháp tại Nha Trang… Tiếc thay, người chiến sỹ dũng cảm ấy đã anh dũng hy sinh trong một trận đánh năm 1948.

Cuốn Nội san Rèn luyện của Nha Công an Trung ương ngày 21/7/1949 đã đăng chùm chiến công của chiến sỹ Bửu Đóa, nêu gương trong toàn lực lượng tại Bảng vàng Công an số 17-18. Nha Công an Trung ương tặng thưởng anh tấm Huy hiệu Công an bằng vàng. Ngày 25/4/1949, anh được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba. Năm 1995, Đảng, Nhà nước truy tặng đồng chí Bửu Đóa danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đôi bông tai ông Nam Thắng dùng để hóa trang giả gái.

Trong số các kỷ vật mà Bảo tàng CAND tiếp nhận gần đây, có một đôi bông tai mạ vàng sáng lấp lánh. Ít ai ngờ, đôi bông tai ấy lại do một người đàn ông sử dụng trong thời gian dài. Đó là người điệp báo an ninh của tỉnh Bến Tre (thời kỳ 1971-1975) có tên Nam Thắng. Đôi bông tai ấy là thứ nữ trang giúp ông giả gái để hoạt động bí mật trong lòng địch. Khi biết tin Bộ Công an tổ chức cuộc vận động sưu tầm và tuyên truyền kỷ vật, ông đã trao tặng Bảo tàng CAND kỷ vật đã cùng ông trong những năm tháng chiến đấu trong lòng địch trong đó có tấm ảnh chụp ông Nam Thắng khi còn là… “con gái” với đôi bông tai và mái tóc dài đen nhánh. Giờ đây, câu chuyện sống và chiến đấu trong lòng địch của ông đã được đưa về Bảo tàng CAND, được lưu truyền cho các thế hệ Công an  để chính những hiện vật ấy lên tiếng, kể về những điệp báo viên mưu trí, dũng cảm trong thời kỳ đất nước gian nan.

Hơn 4.000 tài liệu, hiện vật quý

Mỗi kỷ vật của những người lính là một câu chuyện về cuộc chiến đấu. Trong những cuộc chiến đấu ấy, có người chiến sỹ đã anh dũng hy sinh, kỷ vật của họ được gia đình, đồng đội gìn giữ, nay chuyển lại cho Bảo tàng. Với các đồng đội, gia đình, việc làm ấy sẽ mãi mãi được nhân dân và cán bộ, chiến sỹ trong toàn lực lượng biết và nhớ về. Có cuộc chiến đấu thầm lặng mà cho đến bây giờ, thế hệ sau, thậm chí nhiều đồng đội năm xưa giờ mới biết đến và được dành vị trí trang trọng trong không gian Bảo tàng CAND.

Bảo tàng Công an nhân dân trao kỷ niệm chương cho các cán bộ đã hiến tặng kỷ vật.  Ảnh: Thiện Hoàng.

Cuộc vận động “Sưu tầm và tuyên truyền kỷ vật lịch sử Công an nhân dân” được Bộ Công an phát động vào dịp 67 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1954 – 19/8/2013) hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam, 10 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 -19/8/2015). Phạm vi cuộc vận động mở rộng đến khắp các tỉnh thành trong cả nước. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, cuộc vận động không chỉ tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp xã hội về mục đích ý nghĩa cuộc vận động mà còn tôn vinh, tri ân cán bộ, chiến sỹ Công an, quần chúng nhân dân có công với dân, với nước, có ý thức bảo vệ và phát huy giá trị những di sản văn hóa dân tộc.

Mục tiêu của cuộc vận động là sau 3 năm sẽ sưu tầm thu thập khoảng 5.000 tài liệu hiện vật là những kỷ vật lịch sử Công an, gồm: hình ảnh, hiện vật gốc thể khối, gốc chữ viết, gốc các tác phẩm nghệ thuật tạo hình, phim tư liệu liên quan đến những chiến công tiêu biểu của lực lượng Công an và quần chúng nhân dân trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, và trong cuộc đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.

Ngay từ khi cuộc vận động ra đời, Bảo tàng Công an nhân dân đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, thông qua cuộc truyền hình trực tiếp trên VTV, nhiều kế hoạch sưu tầm tại các tỉnh Tây Bắc, miền trung du Bắc Bộ, các tỉnh miền Trung và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ; gặp gỡ trên 300 nhân chứng lịch sử, tuyên truyền vận động đến tất cả các tỉnh, thành phố và sưu tầm tại hầu hết Công an các tỉnh, các Câu lạc bộ sỹ quan hưu trí Công an... Đến nay Bảo tàng đã sưu tầm, thu thập được gần 4.000 tài liệu hiện vật quý gắn với cuộc đời và sự nghiệp của các nhân chứng lịch sử. Mỗi kỷ vật là một câu chuyện. Mỗi kỷ vật gắn liền với một sự kiện của nhân chứng mà khi tiếp xúc, gặp gỡ và trao đổi, những cán bộ Bảo tàng Công an không khỏi cảm phục, trân trọng.

Tại buổi lễ tiếp nhận kỷ vật tổ chức tại tỉnh Sơn La, khi xem triển lãm những kỷ vật lịch sử do Bảo tàng Công an nhân dân trưng bày, có đồng chí nhân chứng đã tháo luôn 1 trong số 5 tấm Huy hiệu Chiến sỹ thi đua đang đeo trên ngực áo tặng lại Bảo tàng.. Và còn nhiều lắm những câu chuyện về các nhân chứng lịch sử lặn lội từ Hưng Yên, Thanh Hóa… đem kỷ vật đến Bảo tàng trao tặng. Tất cả những việc làm ấy là những nghĩa cử cao đẹp của những chiến sỹ Công an mong muốn đóng góp một phần vào cuộc vận động, và họ đều mong muốn những kỷ vật ấy sẽ được lưu giữ bảo quản tốt nhất.

Những hiện vật sống động được đưa về Bảo tàng CAND là một kỷ vật đi theo người người chiến sỹ trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Đó là minh chứng cho tinh thần mưu trí, dũng cảm, sự xả thân vì nghĩa lớn của những chiến sỹ Công an. Tinh thần ấy sẽ được lưu giữ, truyền lại cho thế hệ sau.

Anh Tuấn – Minh Phương
.
.
.