Thổ địa, tiểu thuyết có hơi thở cuộc sống

Thứ Tư, 08/11/2006, 09:15

Đúng như tên gọi, "Thổ địa" của tác giả Dương Kỳ Anh viết về một vấn đề xã hội đang sôi động, đó là vấn đề đất đai, và quan hệ của con người với đất. Cũng chính trong mối quan hệ này, từng con người, thuộc nhiều tầng lớp khác nhau đã bộc lộ bản thân và sự biến dạng nhân cách của mình.

Văn học mấy năm gần đây hình như đã khắc phục được căn bệnh kinh niên là xa rời đời sống hôm nay bằng sự ra đời của một số lượng kha khá các tác phẩm dựa trên những sự kiện, tình huống, nhân vật có thật, vì lý do nào đó mà được dư luận xã hội chú ý, như "Vết sẹo và cái đầu hói" (Võ Văn Trực), "Tiểu Long nữ" (Nguyễn Huy Thiệp), "Phá sản" (Nguyễn Nhuận Hồng Phương)... ở đây, hình như sự sinh động của chính hiện thực đời sống đã cung cấp cho các tác giả một cốt truyện, một vấn đề kinh tế - xã hội nổi bật, và những mẫu nhân vật mà người bình thường khó có thể tưởng tượng ra.

Tất nhiên sự kiện thì nhiều người đã biết. Nhưng chỉ có nhà văn mới có khả năng "đan dệt" những linh kiện ngổn ngang, bề bộn của đời sống vào trong một mạng, một mạch nguồn thông suốt để chuyển tải những thông điệp họ muốn gửi gắm tới bạn đọc. Đường nét của đời sống sắc hay mờ, sâu hay nông, đậm hay nhạt, rộng hay hẹp, sáng hay tối, nóng hay lạnh... đều phụ thuộc vào tài năng từng tác giả. Nếu sức mạnh của báo chí nằm ở việc miêu tả sự kiện, thì sức mạnh của văn học nằm ở chỗ nó khám phá, phát hiện và thể hiện thế giới nội tâm nhân vật, số phận, tính cách nhân vật với hành động, cá tính riêng biệt.

Trong mảng sách ta vừa đề cập, riêng ở tác giả Dương Kỳ Anh, người lâu nay được biết đến như một nhà thơ, dù ông cũng đã có mấy tập văn xuôi gồm truyện ngắn và tiểu thuyết, ngoài ra còn là một nhà quản lý báo chí, đã gây cho bạn đọc nhiều ngạc nhiên, qua tiểu thuyết "Xuyên Cẩm" và mới đây nhất là "Thổ địa".

Đúng như tên gọi, "Thổ địa" viết về một vấn đề xã hội đang sôi động, đó là vấn đề đất đai, và quan hệ của con người với đất. Cũng chính trong mối quan hệ này, từng con người, thuộc nhiều tầng lớp khác nhau đã bộc lộ bản thân và sự biến dạng nhân cách của mình.

Theo một số người hiểu biết tác giả thì "Thổ địa" mang nhiều yếu tố tự truyện (cũng giống như tiểu thuyết "Xuyên cẩm" Dương Kỳ Anh viết trước đó). Dường như trong trường hợp này, thực tế đời sống mà tác giả từng can dự vào đã cung cấp đầy đủ chất liệu cho tác phẩm, không cần phải hư cấu nhiều.

Những năm gần đây, nhờ chính sách đổi mới kinh tế của Nhà nước, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Một bộ phận cán bộ, viên chức khá giả, muốn tránh sự ồn ào, bụi bặm, ô nhiễm của phố phường đã tìm ra ngoại ô mua đất làm nhà để nghỉ ngơi cuối tuần hoặc lập trang trại. Trong khu đất rừng nơi nhà báo Hoàng Dương ở, rất tình cờ lại tập trung đủ loại cán bộ, quan chức. Thấp thoáng hình bóng mấy vị bộ trưởng, thứ trưởng về hưu, một giáo sư - tiến sĩ, viện trưởng phất lên không phải vì các công trình nghiên cứu mà nhờ khả năng "chạy" các dự án.

Rồi một ông tiến sĩ, hiệu trưởng một trường đại học, tự dưng thấy mình quá nhiều tiền, đi tìm mua thêm đất đai để mở trang trại. Hình ảnh một anh nghệ sĩ làm đạo diễn điện ảnh, kiếm bộn tiền từ "không những chỉ các bộ phim đặt hàng chiếu xong một lần rồi cất vào kho mà còn là từ các dự án liên doanh, liên kết với nước ngoài cũng nặng túi lắm..." mua đất làm chốn riêng tư với cô vợ hai là một ca sĩ trẻ khá bắt mắt và đa tình (để rồi kết thúc cô ca sĩ trẻ này phải tự tử vì bi kịch của sự đa tình đó...). Và còn rất nhiều hình ảnh các giám đốc sở nọ, ngành kia, đơn vị làm ăn kinh tế khác...

Để mua được nhà, để có giấy tờ hợp thức, và quan trọng là để yên ổn dựng nhà, lập trang trại, có đường đi lối lại, các quan chức về hưu cũng như đương chức, các "đại trí thức", "đại nghệ sĩ" ấy phải qụy lụy, chiều chuộng, nịnh bợ để nhờ cậy một cán bộ sở tại vốn xuất thân là một anh có mấy đời làm nghề hoạn lợn, mổ lợn. Vùng quê bán sơn địa vốn nghèo nàn, heo hút, bình yên bỗng sôi lên trong cơn sốt đất bởi đô thị hoá. Tham vọng đổi đời được đánh thức ở một loạt người bao năm chịu cảnh cơ hàn. Thế là họ tự nguyện làm môi giới, làm cò đất. Mà muốn làm phải "xí" chút chức quyền mới có điều kiện. Bằng cái nhìn hài hước, giọng văn nhẹ nhàng, có phần thông tục một cách cố ý, Dương Kỳ Anh chủ động chọn phương án viết nhanh, dễ đọc, như thể ông sợ mình không đuổi kịp sự biến động nhanh chóng của đời sống.

Trong tiểu thuyết này, "con người nhà thơ" trong Dương Kỳ Anh đã quyết định "đi vắng". Ông không ngại sử dụng ngôn ngữ dân dã, trần trụi để nhấn mạnh hoàn cảnh sống làm suy thoái một số thân phận, số phận, để họ "bộc lộ không kiềm chế" phần bản năng không chỉ trong tính toán mưu lợi riêng, mà cả trong đời sống tình cảm và tình dục của những chủ đất mới.

Quan sát và thể hiện sự biến thái các tính cách trong quan hệ với đất đai, ngòi bút Dương Kỳ Anh tỏ ra rất thú vị khi xây dựng tính cách những nhân vật lạ mà quen, mới mà cũ, đó là anh Chí Phèo thời nay có tên là Thạch Văn Lài. Bởi có nhiều người tới tìm mua đất mà anh ta phát hiện ra tài năng môi giới của mình. Thế là tha hồ kiếm tiền, xây nhà lầu, sắm ôtô, tự ý thức về quyền lực của mình để buộc các "tể tướng về hưu" (và cả đương chức) phải "bái huyện quan" (thực ra chỉ là anh quan trong thôn mà thôi).

Khoanh vào một không gian địa lý hẹp, trong một thời gian dài, bằng vốn sống và cái nhìn của một nhà báo, Dương Kỳ Anh đã phác họa được chân dung hàng chục nhân vật, là những mẫu rất quen thuộc trong đời sống hôm nay

Bình Nguyên Trang
.
.
.