Thiếu tướng, nhà văn - nhà báo Hữu Ước: Viết sự thật nhưng phải hướng thiện

Thứ Ba, 11/07/2006, 08:19

“Với một bài báo khi đã được tung ra, với chức năng hướng dẫn dư luận của nó, nếu thông tin và quan điểm không chuẩn thì có thể giết chết một vấn đề, một đơn vị, có thể giết chết cả một con người, bởi lẽ, tác dụng, ảnh hưởng xã hội của báo chí quá lớn”, Thiếu tướng, nhà văn - nhà báo Hữu Ước, Tổng Biên tập Báo CAND - Chuyên đề ANTG, nhận định.

Trong chuyên mục "Tôi và chúng ta" thuộc chương trình "Văn nghệ chủ nhật" phát trên VTV3 chiều 18/6 nhân kỷ niệm lần thứ 81 Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam  (21/6/1925 - 21/6/2006), chủ đề được chọn để thảo luận là "Sự thật trong báo chí". Trong số các khách mời tới trường quay  có Thiếu tướng - nhà  văn - nhà báo Hữu Ước, Tổng Biên tập Báo CAND và Chuyên đề ANTG. Nhận thấy nội dung chuyên mục có nhiều điều bổ ích rất đáng để tham khảo, chúng tôi xin lược ghi lại những ý kiến của Thiếu tướng Hữu Ước đã phát biểu trong chương trình.

Dẫn chương trình (DCT): Thưa Thiếu tướng Hữu Ước, theo ông, liệu chúng tôi có ngoa ngôn không khi đưa ra nhận định rằng, sự thật là "đạo" của người làm báo?

Thiếu tướng Hữu Ước: Vai trò của báo chí hiện nay cũng như bất cứ lúc nào, luôn là rất lớn và có tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, xã hội... Và cũng chính bởi vì thế nên sự thật càng gắn liền, chặt chẽ, với đạo đức của người làm báo. Nhà báo viết trên cơ sở sự thật, nhưng phải có định hướng. Theo tôi, có ba yếu tố rất quan trọng giúp nhà báo có thể hoàn thành tốt công việc của mình: Thứ nhất, đó là sự chân thực; thứ hai, phải có lòng dũng cảm. Và thứ ba, phải luôn có tính hướng thiện.

DCT: Vậy theo ông, sự thật có phải là điều kiện tiên quyết mỗi khi viết một bài báo hay mỗi khi cho xuất bản một ấn phẩm báo chí không?

Thiếu tướng Hữu Ước: Tôi nghĩ rằng, báo chí nào cũng có nhiệm vụ là phải phản ánh sự thật. Thế nhưng, sự thật hiện lên trên trang báo thế nào là còn do lăng kính của người làm báo nữa. Cho nên cùng một sự việc mà người này nhìn thế này, còn người kia lại nhìn thế khác. Tuy nhiên, về mặt bản chất, sự thật thì chỉ có một mà thôi. Tôi cho rằng, sự thật là cái cốt lõi, là tinh thần chính yếu của người làm báo. Tuy nhiên, việc diễn giải sự thật ấy trong bài báo được xã hội chấp nhận đến đâu thì điều này còn phải phụ thuộc vào nhãn quan và cái tâm của người làm báo.

DCT: Có ý kiến cho rằng, trong dòng chảy ào ạt của cơ chế thị trường hiện nay, các bài báo mà chúng ta đang đọc chỉ chứa đựng một tỉ lệ nhất định sự thật mà thôi, chứ không phải là sự thật 100%. Thiếu tướng Hữu Ước đánh giá thế nào về ý kiến này?

Thiếu tướng Hữu Ước: Trong hoàn cảnh đất nước liên tục đổi mới và cơ chế thị trường ngày càng được mở rộng, báo chí buộc phải bám theo tốc độ sống đa phương tiện, đa ngôn, đa sắc trong dư luận. Để củng cố và phát triển vai trò của mình, báo chí trước hết phải phản ánh được trung thực cuộc sống, phải bắt kịp cơ chế thị trường và phải tạo ra được những ấn phẩm báo chí ấn tượng, mỗi người mỗi kiểu.

Có một thực tế là, trước một sự việc vừa xảy ra, nhiều hệ thống thông tin đại chúng, nhiều loại hình báo chí đưa ra những cách phản ánh khác nhau, lắm khi khiến người đọc phân vân. Vậy nên cũng có người cứ nghĩ rằng sự thật trên báo chí hiện nay đã bị cơ chế thị trường hoặc là lôi kéo, hoặc là bóp méo đi. Có thể cũng có một số tờ báo, một số người viết báo vì động cơ này hay động cơ khác, có thể vì tiền và cũng có thể là lụy tình, mà bóp méo sự thật, nhất là khi viết về những vụ việc phức tạp, tế nhị, làm giảm lòng tin yêu của độc giả...

Theo tôi, báo chí có hai chức năng, chức năng cảnh báo và chức năng dự báo. Nhưng cả khi xây và cả khi chống, báo chí đều phải mang tính tích cực. Chúng tôi trong xử lý công việc làm báo hàng ngày phải va đập với một thực tế là, có những khi bài viết của phóng viên cũng có, của cộng tác viên cũng có, vì động cơ này hay động cơ khác, lại dựng lên một sự thật này khác với sự thật mà chúng tôi nhận thấy. Người chủ bút không tỉnh táo là dễ bị "mắc" ngay!

DCT: Thưa Thiếu tướng, nếu sự thật được coi là "đạo" của người làm báo thì đã có lần nào ông phải "tử vì đạo" chưa?

Thiếu tướng Hữu Ước: Về khái niệm "tử vì đạo" thì chúng ta phải hiểu theo nghĩa rộng. Làm báo là một nghề mang tính chuyên nghiệp rất cao và đòi hỏi một chuẩn mực đạo đức cũng rất cao. Lý do là bởi vì thế này: với một công việc khác, nếu lỡ có chuyện gì thì có khi cũng chỉ ảnh hưởng tai hại đến một vài người. Nhưng với một bài báo khi đã được tung ra, với chức năng hướng dẫn dư luận của nó, nếu thông tin và quan điểm không chuẩn thì có thể giết chết một vấn đề, một đơn vị, có thể giết chết cả một con người, bởi lẽ, tác dụng, ảnh hưởng xã hội của báo chí quá lớn.--PageBreak--

Chính bởi vì thế nên đối với các nhà báo, vấn đề trách nhiệm và đạo đức phải được đặt lên hàng đầu. Người làm báo phải tâm huyết với nghề và "tử vì đạo" theo cái nghĩa là phải sống hết mình, làm việc hết mình vì sự thật, vì công lý, vì danh dự, vì uy tín, vì lẽ phải và vì sự công bằng. Tôi  nghĩ, cần phải hiểu sự "tử vì đạo" theo cái nghĩa đó, chứ không phải cứ "đánh" để mà "chết" mới là "tử vì đạo"...

Lời bình phóng sự: Ngày nay, báo chí đã trở thành một món ăn không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mỗi người dân. Mỗi tờ báo có đối tượng độc giả của riêng mình, nó đòi hỏi những cách đi, cách nghĩ, cách làm khác nhau, nhưng dù mang tính giải trí hay định hướng thì độc giả bao giờ cũng quan tâm đến tính chân thực của mỗi dòng sự kiện, thông tin. Tuy nhiên, có không ít nhà báo vì những lý do khác nhau đã quên đi đạo lý cốt tử của người cầm bút và khi ấy sự thật bị che khuất.

Cơ bản báo chí là phản ánh sự thật, nhưng không tránh khỏi những lúc vì những động cơ khác nhau, người cầm bút hoặc tờ báo nào đó dưới góc độ nào đó, vì động cơ riêng nào đó đã có phần phản ánh sự thật theo nhận định riêng của họ và vì thế khó thể tránh khỏi cái phiến diện, khó tránh khỏi thiên lệch, khó tránh khỏi vì động cơ khác. Theo chúng tôi biết, chúng ta đã có những tấm gương về những sự phản ánh sự thật một cách méo mó và đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, chỗ này xét về phương diện nghề nghiệp mà nói thì những nhà báo trót sa vào những phút như thế thì họ đã có những cái phản ánh không đúng sự thật, tức là sự thật diễn ra không giống như quan niệm của chúng ta, giống như quan niệm của số đông và họ quan niệm theo cách của họ và như thế dễ trở thành khác và xét về phương diện lịch sử thì họ đã bị lạc hậu...

DCT: Thiếu tướng Hữu Ước nghĩ như thế nào về ý kiến vừa rồi?

Thiếu tướng Hữu Ước: Tôi rất mong là khán giả và bạn đọc cũng thông cảm cho hiện trạng là có những người không phải vì đồng tiền, không phải vì tình, mà nhiều khi vì tính cách hoặc do trình độ hiểu biết có hạn nên có thể đã phản ánh sự thật chưa khách quan hoặc để sự thật bị bóp méo đi trong bài viết của mình. Tuy nhiên, tôi cũng phải nói rằng, khi sự thật bị bóp méo trong các bài báo thì nguyên nhân chính là do động cơ của người làm báo không trong sáng.

Trong công việc của mình, tôi thường xuyên phải va đập với một thực tế là khi xuất hiện những hiện tượng tiêu cực và những bài báo "đánh" tiêu cực thì cũng lập tức nảy sinh ra cái chuyện gọi là "chạy" báo chí, chạy bằng tiền hẳn hoi, thậm chí rất nhiều tiền. Làm báo nếu mà có tính tham tiền thì chẳng thiếu gì cơ hội để "ăn tiền". Ngày nào cũng có cơ hội. Tức là thế nào? "Đánh" thì có tiền, "đỡ" cũng có tiền, thậm chí im lặng cũng có tiền! Chính vì thế nên trong tình hình hiện nay, vấn đề đạo đức của người làm báo có lẽ hơn lúc nào hết cần được đặt lên hàng đầu.

Xin nói thêm là tôi cũng đang rất là băn khoăn trước một số ý kiến cho rằng báo chí ta đang bị mắc cái bệnh cửa quyền, khiến người dân rất bức xúc. Tức là một số cơ quan báo chí khi trót đăng thông tin sai lại không dám đứng ra nhận cái sai của mình, không đính chính mà lại chỉ đưa thông tin cải chính trong mục "Nói lại cho rõ". Thế nào là nói lại cho rõ khi trước đó anh đã đăng thông tin sai mười mươi rồi?! Đó cũng là biểu hiện của bệnh cửa quyền!

DCT: Rõ ràng là chúng ta phải thẳng thắn công nhận với nhau rằng, trong làng báo chí thời gian qua đã xảy ra khá nhiều chuyện tiêu cực. Thưa Thiếu tướng Hữu Ước, với tư cách là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, ông có cho là Hội Nhà báo nên có những động thái giáo dục thêm về đạo đức những người làm báo?

Thiếu tướng Hữu Ước: Phải nói thẳng rằng, thời gian qua cũng đã có những chuyện tiêu cực xảy ra trong làng báo chí, thậm chí có cả cán bộ kể cả cỡ to, cỡ lớn cũng đã sai phạm về tư cách về đạo đức nghề nghiệp, dẫn tới hậu quả nghiêm trọng và họ đã bị xử lý thích đáng. Nói tới vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam trong chuyện này cũng rất khó, bởi lẽ, thực ra thì Hội Nhà báo là một tổ chức chủ yếu mang tính chất nghề nghiệp, còn cái sự tu thân và trau dồi nghề nghiệp là do nỗ lực và sự tự vận động của từng cá nhân là chính.

Trong cơ chế thị trường hiện nay, các "ông chủ báo", các Tổng biên tập khi nhận người về làm cho mình chủ yếu phải nhìn vào bản chất vốn có, còn về năng lực nghiệp vụ nếu có yếu một chút thì ta sẽ rèn luyện thêm. Những ai vốn có sẵn tính tư lợi cá nhân thì sớm hay muộn cũng sẽ bóp méo sự thật trong các bài báo... Việc chính của Hội Nhà báo là góp phần tạo ra bầu không khí làm báo luôn luôn trong sạch, trọng sự thật...

DCT: Xin cảm ơn Thiếu tướng Hữu Ước!
.
.
.