Thi ca và những ngả rẽ

Chủ Nhật, 08/02/2009, 12:15
Đến hẹn lại lên, đến ngày rằm Nguyên Tiêu những người yêu thơ lại được sum họp tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Năm nay Ngày Thơ đã bước vào năm thứ VII, những bỡ ngỡ về một ngày dành cho thơ ban đầu đã đi qua và nó đã trở thành thông lệ dành cho những người yêu thơ đến sum họp. Thơ chẳng thể nuôi sống ai bằng giá trị vật chất ở thời bây giờ, song thơ dường như cũng là tất cả để cứu rỗi những tâm hồn cô đơn, sự cô đơn cố hữu mà bất cứ người nghệ sỹ nào cũng có.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện thơ với những cây bút thơ trẻ nhân Ngày Thơ Việt Nam.

- Chẳng ai sống bằng thơ, nhưng đối với những người làm thơ thì thơ không thể thiếu trong đời sống cho dù có nhiều lúc chúng ta đã tạm gác nó sang một bên để bươn chải cùng cuộc sống vô chừng tất bật. Nếu tự thú một cách thật lòng, đã bao giờ các anh, chị thấy thơ không còn đủ sức hấp dẫn đối với mình?

- Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: Nếu vì một lý do nào đó khiến thơ không còn đủ sức hấp dẫn tôi thì đó chỉ là những lúc nao lòng, tôi chợt nhận ra bây giờ ít người còn muốn đọc thơ quá. Những người khác có thể bận bịu áo cơm, nhưng những nhà thơ còn không đọc thơ của nhau nữa thì không còn gì đáng chán nản bằng.

- Nhà thơ Hữu Việt: Nhiều lúc tôi đã cảm thấy thơ không đủ sức hấp dẫn mình. Đó là khi cảm xúc trở nên chai cứng, xơ mòn, khô khan, bất lực trước trang giấy, và thấy nàng thơ sắp nói lời tạm biệt.

- Nhà thơ Phan Huyền Thư: Tôi chưa bao giờ ngừng viết mà chỉ tự ý thức việc ngừng in thơ cấp tập thôi. Tôi thấy mình chưa đủ mới, chưa hài lòng với những tìm tòi chữ nghĩa của mình nên trật tự lao động thôi. Lúc nào đủ tự tin, tôi lại sẵn sàng dâng tặng những độc giả yêu quý của mình những xuất hiện mới. Thơ là hơi thở, ngừng làm thơ là tự cáo phó với chính mình đấy! Tôi sẽ cố gắng dành dụm những gì tốt đẹp nhất để dâng tặng cuộc đời, dâng tặng những người yêu thơ. Tôi không thể ngừng thơ được đâu.

- Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh: Quả đúng như chị nói, hiện nay tôi không còn thì giờ để làm thơ, quan tâm đến lãnh địa của thơ. Ngược lại quan niệm của rất nhiều người, với tôi, làm thơ là một công việc tốn nhiều thời gian nhất.

Thơ là cá tính, là bản sắc và tâm hồn của một dân tộc. Đọc, so sánh, dịch thuật, nghiên cứu văn bản, đập vỡ công thức, thể nghiệm nhánh, theo dõi sự chuyển dịch của các trào lưu, các dòng văn học, các cuộc tranh luận thi ca Việt và thế giới… nói chung, như chị thấy, là sự vận động vạm vỡ, đầy nội lực của cả một quá trình và lòng đam mê. Có thể đó chỉ là những đòi hỏi xung đột cần phải có cho một cuộc chơi lớn của riêng mình.

Nhưng hiện nay, công việc Thư ký tòa soạn một tờ báo làm tôi không thể cắt mình ra được. Đặc biệt của tờ báo tôi làm lại là Điện tử Công nghệ Thông tin. Tôi không làm thơ nhưng đang đọc và quan sát thơ ở góc độ khác, thơ dưới tầng ngầm của báo chí. Sự im lặng, cố thủ để tích lũy. Có thể nói, với thơ, thực tại tôi đang "luyện ngục" thử mở cho mình một "giác quan" khác. 

- Tuy nhiên, có một thực tế, thơ vẫn luôn là cứu rỗi những lúc cô đơn, đau khổ… như là một trạng thái để những thi sỹ cân bằng lại mình?

- Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: Đúng, có những điều không thể chia sẻ với ai và cũng không thể… viết báo, thì tôi đành phải làm thơ để tâm trạng thanh thản hơn. Thật sự, ngay cả lúc muốn ném hết những bài thơ đã viết của mình vào sọt rác, tôi cũng thấy cần cảm ơn cuộc đời còn một thứ gọi là thơ.

Bởi lẽ, nhờ thơ mà tôi gặp được vài người đồng điệu, nhờ thơ mà tôi ở Sài Gòn vẫn có người quen ở Hà Nội, Cà Mau hay Hà Giang. Và nhất là, nhờ thơ tôi biết rằng tôi vẫn rung động trước cuộc sống này từng ngày từng giờ, để không vô cảm trước nỗi đau của người khác, để không vô cảm trước được mất của cộng đồng.

- Nhà thơ Hữu Việt: Tôi không thích chữ "cứu rỗi" - nó to tát quá. Có điều thế này, với tôi thơ là một người bạn chung tình, rộng lượng, không vụ lợi luôn sẵn lòng cưu mang nỗi cô đơn, sự thất vọng cũng như chia sẻ với ta niềm sung sướng và những cơ may. Khi bạn không còn ai cả, có thể bạn vẫn còn có thơ.

- Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh: Giải trình thơ chỉ có thể bằng trải nghiệm, thăng hoa cá nhân cộng với trí tuệ, tư duy hiểu biết sâu sắc về ngôn ngữ, triết học, logich, cấu trúc... của chính anh ta. Vì thế, tôi nghĩ, thơ không có kinh nghiệm tập thể. Với tôi, thơ không giải cứu. Thơ là đời sống tôi.   

- Nhà thơ Phan Huyền Thư: Đúng vậy, nhưng tôi không dám coi thơ là một nghề. Tôi coi thơ là cuộc đời mà đã là cuộc đời thì chỉ có thể sống và cố sống cho thật hay, thật đẹp. Cứu rỗi cho mình đôi khi còn là sự tuyệt vọng, đau khổ và cô đơn nữa. Nhiều khi, tôi sợ cuộc sống của mình tẻ nhạt, đơn điệu và no đủ đến nỗi có cảm giác thiếu cả cô đơn cho riêng mình, không bao giờ đủ cô đơn cho sáng tạo.

- Dù muốn hay không thì đời sống đương đại đã tạo nên nhiều phong cách, cá tính thơ khác nhau. Anh, chị nghĩ thế nào về những ngả rẽ trong thơ ngày nay?

- Nhà thơ Hữu Việt: Tôi không phải là người nghiên cứu lý luận, nói e phiến diện. Thế giới đang thay đổi rất nhanh, theo đó nhiều giá trị cũng như quan niệm truyền thống về thi ca, về chân - thiện - mỹ cũng bị biến đổi. Xuất hiện nhiều cách tiếp cận, hình thức, cách thể hiện mới, đôi khi làm ta rối trí.

Nhưng nghĩ cho cùng, biết đâu nó lại trở thành động lực cho sự sáng tạo, để thơ ca vượt qua những lối mòn tẻ nhạt, tạo  tiền đề cho sự xuất hiện những tài năng mới, thật sự chinh phục được bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc trẻ. Tôi nghĩ chúng ta cần kiên nhẫn và có thái độ dung nhận những cái "khác" để tìm được cái "đẹp" đích thực.

- Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: Thơ đương đại đang đứng trước nhiều thử thách nghiệt ngã. Có thể dễ dàng nhận ra các nhà thơ đang bấn loạn khuynh hướng, không biết cách tân và làm mới bằng cách nào. Tuy nhiên, tôi cho rằng, cái cần khắc phục là mỗi nhà thơ phải tự tìm ra một hệ thống lý luận thi ca để dẫn đường cho riêng mình, chứ không phải nghe nói "hậu hiện đại" thì cũng hô "hậu hiện đại" cho ra vẻ thức thời!

- Thật hạnh phúc vì bảy năm nay đã có một ngày dành riêng cho thơ. Vai trò của nó cũng đã bắt đầu ghi được dấu ấn trong đời sống. Anh, chị có cảm xúc gì khi đến với Ngày Thơ Việt Nam?

- Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: Đơn giản lắm, đó là ngày cho tôi hiểu sâu sắc rằng: dân tộc Việt vốn đề cao cái đẹp hòa hợp và nhân ái!

- Nhà thơ Hữu Việt: Tôi thấy vui, mệt. Nhưng không có nó thì đời sống văn học và người yêu thơ sẽ khá buồn đấy!

- Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh: Tôi không còn trẻ để háo hức. Nhưng Ngày Thơ Việt Nam đánh thức trong tôi vẻ đẹp và sự linh thiêng. Cảm ơn đời có một ngày như thế! Tại sao? Thực tại cuộc sống còn quá nhiều bề bộn, khó khăn. Nên không nhiều người đủ bình tĩnh để nhận thấy rằng thơ quan trọng thế nào cho tâm hồn một dân tộc?

Điều gì minh định bản sắc của mỗi một dân tộc, mỗi một quốc gia khi thế giới có xu hướng toàn cầu hóa như hiện nay? Đó là ngôn ngữ, là chiều sâu linh ẩn của văn hóa gốc theo cấu trúc đa chiều phơi phóng theo tiết điệu hiện đại. Và thơ, chính là đỉnh cao nhất của cấu trúc đó. Thơ là bậc cấp cao nhất của ngôn từ.  

- Vâng, xin cảm ơn các anh, chị!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.
.