Thêm một công trình tri ân liệt sĩ

Chủ Nhật, 26/07/2009, 16:31
Sáng 25/7, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã tổ chức lễ cắt băng khánh thành Nhà truyền thống khu di tích lịch sử đồn Ca Vịnh. Đông đảo cán bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái và huyện Trấn Yên đã đến dâng hương tưởng niệm, thể hiện sự tri ân đối với các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Trận đánh bi hùng hơn nửa thế kỷ trước

Nửa cuối năm 1948, phong trào du kích ở huyện Trấn Yên nói chung, xã Hồng Ca nói riêng phát triển mạnh mẽ. Để ngăn chặn quân chủ lực của ta tiến lên Tây Bắc, tháng 10/1948, quân Pháp nhẩy dù xuống chiếm đóng Hồng Ca. Tại đây, chúng xây dựng một sân bay dã chiến, một hệ thống đồn bốt kiên cố, trong đó có đồn Ca Vịnh - một công trình phòng thủ liên hoàn, bao gồm nhiều lô cốt kiên cố. Nơi đây luôn có hai đại đội quân viễn chinh Pháp (trong đó có một đại đội commando), cùng lực lượng lính khố đỏ, lính dõng người Việt, được trang bị vũ khí mạnh đồn trú. Từ đồn Ca Vịnh, quân Pháp thường xuyên tổ chức các cuộc càn quét bắn giết nhân dân, phục kích bộ đội và du kích…

Để mở cánh cửa cho chiến dịch Tây Bắc (1952), bộ đội ta quyết định tấn công tiêu diệt đồn Ca Vịnh. Nhiệm vụ quan trọng này được giao cho Tiểu đoàn 115, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Từ Hạ Hoà (Phú Thọ), Tiểu đoàn 115, gồm 3 đại đội, cơ động chiếm lĩnh trận địa đêm 29/9/1951. Giờ nổ súng được quy định lúc 3h sáng 1/10/1951.

Do đơn vị hoả lực bị lạc đường, nên đến giờ G, tuy không có sự yểm trợ của pháo binh, nhưng theo đúng kế hoạch, các đại đội xung kích vẫn nổ súng tấn công. Địch lợi dụng công sự, lô cốt và các ụ súng điên cuồng chống trả, ta và địch giành giật nhau từng công sự, lô cốt, từng mét hào.

Trận đánh ác liệt đã diễn ra nhiều giờ đồng hồ, đến gần 9h sáng, bộ đội ta mới chiếm được 3/4 quả đồi, đạn dược cạn, bộ đội ta bị thương vong nhiều, nên các đơn vị được lệnh lui quân tránh địch phản kích bằng không quân và pháo binh. Tuy nhiên, qua đợt tiến công đầu tiên, bộ đội ta tiêu diệt và bắt sống 86 tên địch, trong đó có tên quan hai LaJoix chỉ huy đại đội, thu nhiều vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng khác. Trong trận đánh bi hùng rạng sáng hôm đó, 18 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 115 đã anh dũng hy sinh, không tìm thấy thi hài.

Trọn nghĩa vẹn tình

Hết chiến tranh, cuộc sống thanh bình, đầm ấm vẫn không làm những CCB, trong đó có ông Hà Văn Lạc (79 tuổi), nguyên Tiểu đội trưởng tham gia trận đánh đồn Ca Vịnh hơn nửa thế kỷ trước, hết nguôi ngoai về hình ảnh những đồng đội của mình đã ngã xuống mà chưa tìm thấy hài cốt.

Ông cùng một số CCB đã âm thầm lặng lẽ tổ chức các đợt tìm kiếm, xác định địa điểm mà quân Pháp đã chôn các liệt sĩ trong một nấm mồ tập thể khu vực đồn Ca Vịnh. Cuộc tìm kiếm kéo dài gần 2 năm có những lúc tưởng như vô vọng, nhưng sau này, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái, cuối năm 2006, vị trí hố chôn tập thể bộ đội ta đã được xác định. Việc khai quật được tiến hành, tại đây, đội công tác đã tìm kiếm, phát hiện được 11 bộ hài cốt liệt sĩ…

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/2007), hài cốt các liệt sĩ hy sinh được đưa về an táng tại khu tưởng niệm vừa được xây dựng, đúng tại di tích đồn Ca Vịnh trước đây.

Năm 2008, trong chuyến công tác xã hội từ thiện giúp đồng bào nghèo huyện Trấn Yên, xúc động trước tấm gương dũng cảm, chiến đấu hy sinh của các liệt sĩ; cảm thông với những vất vả, khó khăn của địa phương, cũng như ước vọng của nhân dân các dân tộc xã Hồng Ca, Thiếu tướng, Nhà văn Nguyễn Hữu Ước, Tổng Biên tập Báo CAND đã quyết định trích từ quĩ từ thiện của Báo, ủng hộ 100 triệu đồng giúp xã xây dựng Nhà truyền thống.

Sau hơn 4 tháng khẩn trương thi công, Nhà truyền thống tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh trong trận đánh đồn Ca Vịnh đã được khánh thành trong niềm hân hoan của bà con 3 dân tộc Kinh, Tày, Mông của xã Hồng Ca.

Nhà truyền thống xây dựng bằng gỗ tốt, có diện tích hơn 60m2, được thiết kế và xây dựng theo mẫu nhà sàn dân tộc Tày huyện Trấn Yên. Nhà truyền thống trưng bày các hình ảnh, hiện vật tái hiện quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hồng Ca; về trận đánh bi hùng đồn Ca Vịnh…

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thị Huấn, Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên một lần nữa bày tỏ sự xúc động, cảm ơn sự giúp đỡ đầy ân tình của Ban biên tập, cán bộ, chiến sĩ Báo CAND; bạn đọc và các nhà hảo tâm đã ủng hộ về vật chất, tinh thần giúp địa phương xây dựng Khu tưởng niệm và Nhà truyền thống xã Hồng Ca.

Đồng chí thay mặt nhân dân địa phương hứa sẽ bảo quản, khai thác có hiệu quả công trình có ý nghĩa này, để khu di tích, đài tưởng niệm và Nhà truyền thống thực sự là một địa chỉ đỏ, là nơi giáo dục truyền thống, thể hiện sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với những cống hiến và hy sinh trong cuộc vệ quốc vĩ đại của dân tộc

Vũ Mạnh Hà
.
.
.