Câu chuyện ngày Chủ Nhật:

Thèm một bản lĩnh như Kiatisak

Chủ Nhật, 29/12/2013, 09:27
Kiatisak vừa chính thức được bổ nhiệm làm HLV trưởng ĐT Thái Lan, và nhận nhiệm vụ phải giúp ĐTQG Thái Lan vô địch AFF Suzuki Cup 2014 - đấy là một câu chuyện khiến không ít cựu cầu thủ Việt Nam phải đặt tay lên trán mà suy nghĩ.

Ai cũng biết, "Sắc" vừa dẫn dắt ĐT U.23 Thái vô địch bóng đá SEA Games 27 một cách ấn tượng. Nhưng không phải là ai cũng biết là trước và sau chức vô địch này, "Sắc" đã phải đứng giữa rất nhiều làn đạn. Trước thềm SEA Games 27, Liên đoàn bóng đá Thái đã bị báo chí nước này phê phán dữ dội quanh chuyện bầu cử nhiệm kỳ mới. Ông Chủ tịch LĐBĐ Thái Worawi thậm chí đã trở thành đối tượng công kích của đông đảo các CLB nước này. Và trong thành phần ĐT U.23 Thái tham dự SEA Games 27 vừa qua, có những người đến từ những CLB thân thiết với Worawi, lại có những người đến từ những CLB chống đối Worawi ra mặt. Thế mới có chuyện, trước thềm SEA Games, báo chí Thái từng nhận định việc "qui phục lòng người" trong ĐT U.23 mà HLV Kiatisak đảm nhiệm là một việc quá đỗi khó khăn. Và ngay sau khi SEA Games hạ màn, khi U.23 Thái đã chính thức đăng quang ngôi vô địch thì vẫn có những tranh cãi nảy lửa quanh việc thành tích ấy có hay không có công lao của ông chủ tịch Liên đoàn.

Bên cạnh những vấn đề phức tạp ở "cung đình bóng đá" nước nhà, Kiatisak cũng phải đối diện với sự xuống cấp trông thấy về chất lượng nền bóng đá. Hai kỳ SEA Games 25, 26, ĐT U.23 Thái thậm chí không qua nổi vòng đấu bảng, khiến hai thầy ngoại tiếng tăm,  giàu kinh nghiệm là Steve Darby và Bryan Robson đã phải ra đi không kèn không trống. Thế nhưng bất chấp những khó khăn, phức tạp ấy, Kiatisak vẫn dũng cảm nhận nhiệm vụ, và cứ nhìn hình ảnh "Sắc" mạnh mẽ uý lạo tinh thần các học trò trước các trận đấu tại SEA Games 27 vừa rồi là đủ hiểu anh đã hoàn thành nhiệm vụ của mình xuất sắc tới đâu.

Dĩ nhiên, trong bóng đá chẳng ai có thể mạnh miệng nói trước điều gì. Ngay ngày mai, "Sắc" có thể thất bại, và có thể cũng phải âm thầm ra đi như những người tiền nhiệm của mình trước đây. Nhưng rõ ràng là cái cách một cựu cầu thủ như Kiatisak lao vào lửa khiến người ta không khỏi ngả mũ thán phục.

HLV Lê Huỳnh Đức từng được VFF nhiệt tình mời làm HLV trưởng ĐTVN, nhưng... Ảnh: H.M.

Từ những gì "Sắc" đã làm được với bóng đá Thái Lan, không thể không nhớ lại rằng vào những năm 90 của thế kỷ trước, mỗi khi ĐTQG Thái do "Sắc" dẫn đầu thi đấu với ĐTVN của những Hồng Sơn, Công Minh, Huỳnh Đức... thì người Thái đều thắng một cách dễ dàng. Với những cầu thủ thuộc "thế hệ vàng" của bóng đá Việt Nam ngày ấy, việc gặp Thái thậm chí đã trở thành một nỗi ám ảnh, và chuyện có thể thắng Thái từng trở thành nhiệm vụ bất khả thi. Sau này, khi sang Việt Nam khoác áo CLB Hoàng Anh Gia Lai, chính Kiatisak từng nhiều lần đề cập và lý giải về tình trạng này. Và theo những lý giải của "Sắc" thì có những thời điểm chất lượng chuyên môn của hai ĐTQG là ngang nhau, nhưng các cầu thủ Việt Nam thua vì yếu tâm lý. Cái thua mà nói như các chuyên gia bóng đá nhà ta hồi ấy thì "chưa ra trận, cầu thủ Việt Nam đã cóng người".

Nhưng xem ra thì chuyện "cóng người" không chỉ diễn ra trên phương diện các cầu thủ xỏ giày ra sân đá bóng hồi nào, mà còn tiếp tục được thể hiện khi hai thế hệ cầu thủ của hai nền bóng đá chuyển qua làm công tác HLV. Bằng chứng là ở Thái Lan, trong khi "Sắc" không ngại gian khó để ngồi lên ghế thuyền trưởng ĐT U.23 QG và ĐTQG Thái thì ở Việt Nam, những HLV đình đám cùng thế hệ với "Sắc" lại từ chối ĐTQG và ĐT U.23 QG đây đẩy. Trong cuộc họp thường trực VFF mới đây, quyền Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng từng kể lại câu chuyện ông đã mời một cựu cầu thủ thuộc "thế hệ vàng" cầm quân ĐT, nhưng đã nhận lại câu trả lời chát chúa: "Cháu chẳng dại gì làm HLV ĐT đâu. Nếu không thành công thì đi đâu cũng bị ăn chửi à...".

Ngày xưa, bóng đá Việt Nam từng thèm có được một bản lĩnh Kiatisak trên sân cỏ, còn bây giờ chúng ta lại thèm một bản lĩnh Kiatisak trên cương vị làm thầy.

Vâng, ước gì nền bóng đá này có một ông thầy dũng cảm như thầy "Sắc"! 

Công Vinh không sang Nhật thi đấu

Trưa qua, sau buổi làm việc với lãnh đạo CLB Sông Lam Nghệ An, tiền đạo Lê Công Vinh đã quyết định ở lại đội nhà, thay vì tiếp tục sang CLB Sapporo thi đấu tại giải hạng 2 Nhật Bản. Thời gian vừa qua, CLB Sapporo đã quyết định trả giá 5 tỷ đồng, thậm chí có thể trả cao hơn nữa để mua lại 1 năm hợp đồng còn lại giữa Công Vinh và Sông Lam Nghệ An, và đã có những thông tin cho hay chắc chắn Công Vinh sẽ tiếp tục gắn bó với màu áo Sapporo. Nhưng hôm qua, Công Vinh cho biết dù rất muốn sang Nhật trui rèn, nâng cao trình độ nhưng anh quyết định đóng góp cho đội bóng quê hương ít nhất 1 năm nữa.

Trước thềm V.League 2013, khi đội bóng của mình là CLB Bóng Đá Hà Nội bị giải thể, Công Vinh đã gặp khó trong việc tìm CLB đầu quân. Sát sạt thời điểm mùa giải bắt đầu anh thậm chí đã phải chuẩn bị tư tưởng... thất nghiệp, nhưng rất may là đội bóng quê hương đã dang tay cứu giúp. Thế nên bây giờ việc Công Vinh quyết định gắn bó với Sông Lam để "trả ơn" là điều dễ
hiểu.

Ngọc Anh

Cháy vé xem U.19

Ngay từ 8h sáng qua, nhiều người hâm mộ đã ồ ạt xuất hiện tại SVĐ Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) để mua vé xem hai trận khai mạc giải U.19 quốc tế, cúp Nitufood vào ngày 6/1, mặc dù BTC thông báo phải đến 9 giờ mới chính thức bán vé. Do phải dành phần lớn lượng vé cho nhà tài trợ và các đơn vị mua theo diện cơ quan, tổ chức nên lượng vé ở khán đài B sân Thống Nhất được bán ra hôm qua chỉ vào khoảng 300 chiếc. Chính vì thế nhiều CĐV đã phải quay sang mua vé ở các khán đài C, D. Rất lâu rồi tình trạng người hâm mộ ồ ạt xếp hàng mua vé mới lại diễn ra ở sân Thống Nhất. 

Lệ Đài 

Phan Đăng
.
.
.