Thầy giáo người lái đò

Thứ Ba, 20/11/2007, 09:51
"Tôn sư trọng đạo" là truyền thống tốt đẹp, lâu đời của nhân dân ta. Dạy một chữ cũng là thầy, dạy nửa chữ cũng là thầy (nhất tự vi sư, bán tự vi sư).

Tôi được mẹ cha cho ăn học từ bé đến khi là "Anh bộ đội Cụ Hồ". Hơn 10 năm đèn sách, tôi được học nhiều trường, nhiều thầy. Cho đến nay, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh hai thầy đầu tiên trong đời: Thầy Nguyễn Văn Viện ở Mè và thầy Vũ Mâu ở Chương.

Năm 10 tuổi, tôi tốt nghiệp Sơ học - Yếu lược (tương đương tiểu học ngày nay) do thầy Viện dạy dỗ. Thầy Viện "lái" tôi đến trường huyện. Tôi chắp tay tạ thầy, tôi đi đến bờ bến mới. Các em tôi lại ngồi vào cái ghế trước chúng tôi đã ngồi ở trường thầy Viện.

Học trò trường thầy Vũ Mâu đông tới vài trăm. Trường có sân đá bóng và tập thể dục thể thao.

Hết cấp học, thầy Vũ Mâu "lái" tôi đến trường tỉnh Hải Dương. Tôi chắp tay tạ thầy, tôi đi...!

Trong đám học trò nghịch ngợm của hai thầy dần trưởng thành theo năm tháng, có anh chị hiện là Giáo sư, là Tiến sĩ khoa học, nhà báo... Có anh chị là cán bộ cao cấp trong Quân đội nhân dân hoặc cơ quan Nhà nước.

Năm nay, chúng tôi đã trên 70 tuổi. Mỗi khi có dịp gặp nhau, chúng tôi lại nhớ đến mái Trường Mè, Trường Chương, nhớ hai thầy Viện, thầy Mâu với tấm lòng biết ơn. Hai thầy đã gieo vào tâm hồn non trẻ chúng tôi tình yêu đất nước; "Dân Vi Quý, Xã Tắc Thứ Chi, Quan Vi Khinh", dạy chúng tôi viết hoa hai chữ Con Người.

Các thầy là kỹ sư tâm hồn!

Các thầy đã "lái" chúng tôi vào dòng sông kiến thức bao la bởi "con đò" của thầy. Nhưng "con đò" của các thầy quyết không phải là con đò của các ông lái, cô lái ở một bến sông ngang có tên và không tên.

Ở đó, thay vì một cây cầu là những con đò bằng gỗ, bằng tre. Con đò ấy là công cụ sinh nhai của người lái đò. Nghề của họ là nghề lao động đơn giản. Không có họ ta không thể sang sông. Họ chở đò để kiếm tiền nuôi thân. Chẳng may gặp ngày mưa dập gió vùi, bến sông vắng khách, họ không có tiền, họ buồn:

Bến Mi Lăng nằm không - thuyền đợi khách
Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu

(thơ Yến Lan)

Người lái đò chẳng bao giờ nhớ khách đi đò. Cũng vậy, khách chẳng bao giờ nhớ đến lái đò. Ngoại trừ, khách là một chàng si tình:

Vắng bóng cô em từ dạo ấy
Để buồn cho những khách qua sông

(thơ Nguyễn Bính)

Mi Lăng là bến nào? Cô em bỏ thuyền, bỏ lái, bỏ dòng sông đi lấy chồng để khách tình họ Nguyễn ngẩn ngơ là ai?

Là... thơ đấy thôi!

Là thơ nên thi nhân đã hóa thân thành người lái đò bất đắc dĩ để chở thơ đi.

Riêng ông lão say Trăng đầu gối sách
Để thuyền hồn bơi khỏi bến Mi Lăng
Tiếng gọi đò... gọi đò như oán trách
Gọi đò thôi run rẩy cả ngàn Trăng

(Bến Mi Lăng - Yến Lan)

Con sông bến nước luôn luôn là đề tài gợi cảm cho Người Thơ. Cụ Tú Xương xót xa:

Sông xưa giờ đã nên đồng

Nên đêm đêm cụ:

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò

Ấy là cụ nhớ tiếc bến nước Vị Hoàng, quê cụ, đã bị bồi đắp!

Bây giờ ở nước ta không còn nhiều bến nước ngang sông nữa. Đò Thưa quê tôi nay là một cây cầu hai làn xe ôtô qua lại. Cầu Quan (TP Nam Định) đã thay Đò Quan. Bến Mỹ Thuận có một cây cầu đồ sộ nhất Đông Nam Á. Không rõ các cô lái đò, ông lái đò bến Thưa, Đò Quan, Bắc Mỹ Thuận giờ này ở đâu? Có ai cần con đò, cần họ nữa không?

Con đò và người lái đò có thể thay bằng cây cầu vĩnh cửu. Nhưng thầy giáo và cô giáo thì người lái đò không thể thay thế được.

Tự bao giờ dân ta ví thầy, cô giáo là người lái đò mà lại không ví ông lái đò bến Mi Lăng hoặc cô em của Nguyễn Bính là thầy, cô giáo:

- Thầy, cô giáo đò ơi! Cho tôi sang sông với, tôi trả đủ tiền...!

Ông nội tôi (thầy đồ Phạm Công Tự Hữu - Trung) - nghe có người gọi mình như vậy chắc ông nội giận lắm.

Thầy Đồ Chiểu (Nguyễn Đình Chiểu) ở Ba Tri, tỉnh Bến Tre, tự ví:

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà

Thầy Đồ Chiểu "chở" thuyền đạo. Thầy tế "Nghĩa sĩ Cần Giuộc", thầy căm giận bọn tay sai ôm chân giặc Tây Dương (chỉ giặc Pháp xâm lược nước ta lần thứ nhất).

Thầy không phải là người lái đò kiếm tiền. Thầy "chở" học trò của thầy. "Chở" học trò và "chở" khách đồng âm mà khác nghĩa

Phạm Quý Thích
.
.
.