Tháp Chăm Bình Định - Đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chămpa

Thứ Ba, 28/08/2007, 11:08
Những tháp Chăm ở Bình Định mang nhiều yếu tố đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chămpa. Nếu như ở các địa phương khác, dấu ấn Chămpa chỉ còn là phế tích thì việc rất nhiều tháp Chăm ở Bình Định vẫn còn gần như nguyên vẹn...

Đó chính là kho báu văn hoá vô giá mà lịch sử đã để lại cho mảnh đất này và cũng là cơ sở để Viện Khảo cổ học Việt Nam và UBND tỉnh Bình Định xúc tiến xin phép Chính phủ lập hồ sơ trình UNESCO công nhận hệ thống di tích tháp Chăm ở Bình Định trở thành di sản văn hóa nhân loại...

Khác với những tháp Chăm ở Mỹ Sơn nói riêng được xây dựng quần tụ trong một thung lũng lòng chảo, các ngọn tháp của tỉnh Quảng Nam nói chung được xây dựng ở những vùng đất bằng phẳng, thì hầu hết những tháp Chăm Bình Định đều xây dựng trên đỉnh những ngọn đồi đã khiến Văn Cao lần đầu tiên đến Bình Định có một liên tưởng thú vị: "Từ trời xanh/ Rơi/ Vài giọt tháp Chàm...". Vị trí này tạo nên vẻ đẹp tôn nghiêm, hùng vĩ cho những kiến trúc đã từng gắn với những lễ nghi tôn giáo của văn hóa Chămpa.

Hiện Bình Định còn 8 cụm di tích với 14 tháp Chăm gồm Bánh Ẹt, Dương Long, Hưng Thạnh, Cánh Tiên, Phú Lộc, Phú Thiện, Bình Lâm và Hòn Chuông nhưng tháp Hòn Chuông chỉ còn là chân đế. Ngoài ra, còn có bốn toà thành cổ gồm Thị Nại, Đồ Bàn, An Thành, Uất Trì và hàng ngàn tác phẩm điêu khắc, thể hiện sự bề thế một thời của kinh đô Đồ Bàn thuộc Vương quốc Vijaya thế kỷ XI - XV.

Quần thể tháp Chăm Bình Định còn khá nguyên vẹn, đa dạng và đạt nhiều kỷ lục trong khu vực Đông Nam Á: Tháp Dương Long, huyện Sơn Tây là tháp gạch cao nhất với tháp giữa cao 39m; tháp Hòn Chuông được xây ở vị trí cao nhất khu vực Đông Nam Á: 600m. Trong số hơn 60 công trình kiến trúc tháp còn trên dải đất miền Trung - Tây Nguyên, nếu không kể Mỹ Sơn thì Bình Định là nơi tập trung nhiều nhất số lượng và quy mô kiến trúc tháp.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định những cụm tháp Chăm ở Bình Định như một bảo tàng ngoài trời sống động, độc đáo. Hệ thống các công trình tôn giáo bằng gạch của nền văn hóa Chămpa hiếm hoi còn sót lại trên đất Bình Định gần như đầy đủ mọi loại hình trong các nhóm kiến trúc tháp Chăm hiện còn như nhóm kiến trúc một tháp, nhóm kiến trúc ba tháp xây thẳng hàng theo tín ngưỡng tam vị nhất thể.

Những tuyệt tác hiếm hoi còn sót lại của nghệ thuật điêu khắc Chămpa nằm rải rác ở các tháp Chăm và một số bảo tàng ở trong và ngoài nước là bộ sưu tập độc đáo của nghệ thuật châu Á mà không gì có thể thay thế được bởi nó cho chúng ta một cái nhìn tốt hơn về lịch sử nghệ thuật Việt Nam thời kỳ đầu.

Đằng sau các bức phù điêu, đài thờ, vật trang trí, tượng thần, tượng thờ... là cả một không gian đậm đặc chất huyền thoại với những kiến giải vừa ngây thơ, trừu tượng nhưng không kém phần lãng mạn của con người về những điều kỳ diệu của vũ trụ.

Đã có ý kiến cho rằng, cùng với thành Đồ Bàn, những tháp Chăm ở Bình Định, nếu được quan tâm và đầu tư đúng mức, sẽ là những di sản vượt tầm quốc gia bởi mỗi một cổ tháp là một kho sử liệu nghệ thuật, một viên ngọc của nghệ thuật Chăm.

Bình Định ngày nay vốn là vùng định đô khá dài của vương quốc cổ Chămpa ở giai đoạn phát triển rực rỡ nhất. Trên vùng đất này, văn hóa Chămpa để lại di tích khá đậm đặc với nhiều loại hình và số lượng khá phong phú. Tiêu biểu trong số này là hệ thống các tháp Chăm.

Nếu những tháp Chăm ở Mỹ Sơn là những công trình tôn giáo - tín ngưỡng gắn với Ấn Độ giáo thì tháp Chăm ở Bình Định lại tiêu biểu cho sự hỗn dung tín ngưỡng giữa Ấn Độ giáo, Phật giáo và tín ngưỡng bản địa. Những đền tháp này lại được đặt trong sự gắn kết với đời sống của cộng đồng cư dân, thể hiện bằng một trung tâm về chính trị, kinh tế, quân sự và tôn giáo (thành Đồ Bàn), với hoạt động kinh tế (đồ gốm Gò Sành) và trung tâm thương mại (cảng Thị Nại, thành Thị Nại).

Chính vì những giá trị nổi bật, độc đáo, cùng với Viện Khảo cổ, Bình Định đang xúc tiến xây dựng hồ sơ, khuyến nghị Chính phủ đề nghị UNESCO công nhận hệ thống các di tích tháp Chăm Bình Định là di sản văn hóa thế giới. Tuy nhiên, lộ trình từ "di tích đến di sản", Bình Định còn rất nhiều việc cần phải làm.

Hơn 10 năm qua, với kinh phí được cấp từ các chương trình mục tiêu của Trung ương, Bình Định đã tiến hành gia cố, chống xuống cấp cho hầu hết các di tích Chăm, trong đó, đã trùng tu hoàn tất tháp Bánh Ít và tháp Đôi; tháp Dương Long và tháp Cánh Tiên đang trong quá trình tôn tạo. Thế nhưng, vẫn còn nhiều điều tranh cãi xung quanh quan điểm chống sập hay "hoàn nguyên" trong trùng tu, tu bổ các tháp Chăm.

Cho đến nay, Bình Định vẫn chưa có một đầu mối tập trung để quản lý, bảo tồn và phát huy di tích. Trong 7/8 cụm tháp cổ Chămpa là di tích được công nhận xếp hạng cấp quốc gia của Bình Định, hiện chỉ có 2 cụm tháp có hợp đồng bảo vệ, mỗi tháp một người, là tháp Bánh Ít và tháp Dương Long.

Và cho đến nay, Bình Định vẫn chưa có một bảo tàng văn hoá Chăm nên mặc dù đã lưu giữ một số lượng khá lớn các tác phẩm điêu khắc Chăm độc đáo nhưng vẫn chưa tạo được điểm nhấn trong lòng du khách về "tia nắng rực rỡ loé lên trong buổi chiều tà của nền nghệ thuật Chămpa" do hiện vật vẫn nằm tản mát ở nhiều địa điểm.

Theo Tiến sĩ Hà Văn Phùng - Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam thì trước tiên, Bình Định phải tập hợp được các nhà văn tự học, nhà nghiên cứu Chăm, khảo cổ học, sử học để tổ chức những hội nghị mang tầm quốc gia nhằm đánh giá về những giá trị riêng biệt của các tháp Chăm Bình Định. Đồng thời, phải tiến đến những hội nghị mang tính quốc tế, mời các nhà nghiên cứu tháp Chăm ở khu vực Đông Nam Á, Ấn Độ để cùng đánh giá về giá trị các cụm di tích tháp Chăm ở Bình Định.

Từ đó, chúng ta mới có một bộ hồ sơ hoàn chỉnh để trình UNESCO, trong đó, gồm đầy đủ chứng cứ khoa học về giá trị lịch sử, niên đại, nghệ thuật và những mối giao lưu ảnh hưởng của các nền nghệ thuật khác đến nghệ thuật Chăm trong một giai đoạn của văn hóa Chăm.

Cũng theo Tiến sĩ Phùng thì: "Nếu nhìn một cách tổng thể những giá trị lịch sử và văn hóa của tháp Chăm Bình Định đối với một giai đoạn phát triển của văn hóa Chămpa, thì việc đề cử UNESCO công nhận tháp Chăm Bình Định là Di sản Văn hóa thế giới rất có tính khả thi"

Lê Thanh
.
.
.