Thao thức cùng "Đêm xuân" của nhà thơ Vương Trọng

Thứ Hai, 07/02/2011, 09:22
Có thể nói, "Đêm xuân" là một bài thơ rất ít hình ảnh, chủ yếu là trạng huống tình cảm. Chi tiết nổi bật chỉ có mưa, có lá (và thực ra cũng chỉ có mưa có lá), thêm nữa, nhịp cầu - nhưng lại với nghĩa biểu tượng, thế thôi. Bài thơ như một bức tranh, chủ yếu là màu nền, rất ít đường nét.

Đêm xuân không dễ ngồi nhà 
Anh đi thơ thẩn chỉ là để đi  
Đến đâu và sẽ làm gì 
Xin đừng rành mạch những khi xuân về  

Tưởng mình hát chỉ mình nghe 
Ngờ đâu trời đất đệm bè thiên nhiên
Lá như môi, lá như tim
Trong đêm rạo rực trong đêm thì thầm  

Cứ đi trên cỏ chân trần
Mơn man cây lá thấm dần thịt da
Lặng thầm đón hạt mưa sa
Mưa xuân thương mến cài hoa mái đầu

Tình yêu sánh bước cùng nhau
Con đường như thể nhịp cầu lứa đôi
Một mình chẳng chịu lẻ loi
Cứ đi rồi sẽ gặp người mình mong
 

Mùa xuân là mùa mở đầu một năm, cũng như với phần đông con người, tuổi xuân là tuổi mở đầu cho cuộc sống - tình yêu và sự nghiệp. Mùa xuân -  tuổi trẻ - tình yêu là những mệnh đề quen thuộc. Không dưng mỗi lần xuân đến lại làm cho những trái tim trai trẻ bồi hồi xao xuyến: 

Đêm xuân không dễ ngồi nhà 

Con người thốt ra câu này có lẽ là con người mà ban ngày đã được chứng kiến cảnh thiên hạ du xuân với một khát khao như Huy Cận năm nào:

Ồ những người ta đi hóng xuân  
Cho tôi theo với, kéo tôi gần! 

Trải qua một ngày vui vẻ (và nhọc mệt) không khí hội hè, trong đêm xuân thao thức, bất chợt trong anh trỗi dậy những đam mê kỳ lạ. Anh chợt thấy mình cô đơn, trống vắng. Tưởng như tất cả xóm giềng xung quanh đã bỏ ra với trời với đất. Anh nhấp nhổm đứng ngồi, đi ra đi vô và sau đó, anh nhận ra cái động tác của mình thật lạ lùng: "Anh đi thơ thẩn chỉ là để đi". Chắc chắn, nếu cứ đà này, "đi" thế này, thì đến hết đêm anh cũng chỉ quanh quẩn ra đến… đầu ngõ mà thôi. Ấy là chưa kể cách đặt vấn đề: "Đến đâu và sẽ làm gì" - biết trả lời sao đây?

May thay, chàng trai đã ý thức được một điều, như câu chuyện ngụ ngôn cổ về chú sâu cuốn chiếu: "Sâu cuốn chiếu có lần đăm chiêu nghĩ ngợi xem trình tự nhấc mỗi chân trong số 40 chiếc chân của mình thế nào, chú không thể giải đáp nổi mà kết quả là quên mất cả cách đi". Bài học rút ra cho những trường hợp tương tự - chàng trai đã tìm được câu trả lời cho chính bản thân mình:

Xin đừng rành mạch những khi xuân về 

Sự thực ở đời, con người vẫn luôn hành động theo tiếng gọi của trái tim. Và tiếng gọi ấy nhiều khi linh thiêng đến mức họ sẵn sàng bất chấp ngay cả sự ngăn trở của lý trí. Vả lại, thiên nhiên vốn đầy rẫy những ma lực cám dỗ. Cuộc đời đầy những bí ẩn kỳ diệu. Và thiết nghĩ, có thế mới làm nên cái bất ngờ kỳ diệu của cuộc đời này. 

Cái bất ngờ đầu tiên mà chàng trai nhận được khi hòa nhập với đất trời, là lúc anh cất lên tiếng ca khe khẽ, có được sự hưởng ứng:

Tưởng mình hát chỉ mình nghe
Ngờ đâu trời đất đệm bè thiên nhiên 
Mà, trời đất đệm bè ra sao? 
Lá như môi, lá như tim
Trong đêm rạo rực trong đêm thì thầm
 

Đúng là, đêm đến, nói theo cách của Tô Hoài "hình như mọi việc mới bắt đầu". Từ trong thăm thẳm đêm đen, sự sống trở nên huyền ảo lạ. Đêm rạo rực với lá như tim. Đêm thì thầm bằng lá như môi (đây là hai câu thơ có chữ dùng nói được đúng tâm tình và cảnh huống). Là môi đấy mà là tim đấy, là bề nổi mà cũng là bề sâu. Lại nữa, đêm thì thầm vì lá "như môi" nên chúng ta mới nghe ra được sự dịu dàng, mềm mại thế kia. 

Nhưng tất cả đấy mới chỉ cho thấy thiên nhiên đồng điệu với con người, đến khổ thơ tiếp sau, thiên nhiên thực sự ban tặng cho con người:

Cứ đi trên cỏ chân trần
Mơn man cây lá thấm dần thịt da
Lặng thầm đón hạt mưa sa
Mưa xuân thương mến cài hoa mái đầu

Đây là những câu thơ xúc cảm "chân trần" mà âm điệu thì "mơn man cây lá". Khổ thơ thật gợi không khí. Đúng là cỏ xuân, mưa xuân chứ không phải một thứ cỏ, thứ mưa nào khác.  

Có thể nói, "Đêm xuân" là một bài thơ rất ít hình ảnh, chủ yếu là trạng huống tình cảm. Chi tiết nổi bật chỉ có mưa, có lá (và thực ra cũng chỉ có mưa có lá), thêm nữa, nhịp cầu - nhưng lại với nghĩa biểu tượng, thế thôi. Bài thơ như một bức tranh, chủ yếu là màu nền, rất ít đường nét. Tuy nhiên, chỉ với một chút ít chất liệu như thế, nó đã "khua dậy" trong ta những xúc cảm. "Đêm xuân không dễ ngồi nhà" - đọc bài thơ, tôi bỗng nhớ tới câu thơ của ai đó: "Một mình tôi lại đi ra đất trời"…

Phạm Khải (chọn và bình)
.
.
.