Tháo gỡ khó khăn cho làng đá mỹ nghệ sau chủ trương không dùng linh vật ngoại lai

Thứ Ba, 04/11/2014, 14:40
Ngay sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) có công văn về việc “không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong, mỹ tục người Việt Nam”, về cơ bản, người dân đồng thuận với chủ trương bảo vệ văn hóa truyền thống nên các di tích, cơ sở tôn giáo, cơ quan, nơi công cộng đều đã thực hiện tốt chủ trương này. Tuy nhiên, việc triển khai ngay qui định trên cũng khiến các làng nghề đá mỹ nghệ đang sản xuất linh vật ngoại lai lâm vào tình trạng khó khăn, do sản xuất bị đình trệ, các sản phẩm bị ứ đọng vì không tiêu thụ được.

Việc khảo sát cho thấy, tại các di tích, cơ sở tôn giáo, nơi công cộng đã không còn trưng bày, nhận cung tiến biểu tượng, linh vật và các vật phẩm ngoại lai. Việc sử dụng tượng sư tử đá ngoại lai tập trung chủ yếu ở các khách sạn, trung tâm thương mại, nhà hàng… Vì thế, việc mua – bán các hiện vật, linh vật ngoại lai không nhiều như trước, kéo theo việc sản xuất, kinh doanh ở các làng nghề đá mỹ nghệ gặp khó khăn do chưa kịp chuyển đổi.

Trong số các làng nghề đá mỹ nghệ, chịu ảnh hưởng nhất là làng đá mỹ nghệ Non Nước (TP Đà Nẵng), nơi chuyên sản xuất, kinh doanh sản phẩm tượng đá mỹ nghệ, đặc biệt là chế tác các linh vật.

Theo thống kê của Ban quản lý làng đá mỹ nghệ Non Nước, hiện có khoảng 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh đá mỹ nghệ với hơn 3.000 lao động. Trong đó, gần 1.000 thợ chuyên nghề tạc tượng lân, sư, nhưng lại chiếm tới 2/3 thị phần và doanh thu hằng năm của làng nghề. Qui định không sử dụng hiện vật, linh vật ngoại lai khiến cho mặt hàng sư tử đá bị tồn kho, nhiều khách hàng đòi trả lại sản phẩm đã mua, nên đời sống những người sản xuất đá mỹ nghệ hết sức khó khăn.

Từ tháng 8/2014 đến nay, đã có 400/900 hộ sản xuất, kinh doanh phải ngừng hoạt động do mặt hàng chính là tượng lân, sư tử không tiêu thụ được. Thời gian tới, thị phần về tượng lân, sư tử đá sẽ thấp, chắc chắn ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh của làng nghề.

Sư tử đá ngoại lai của làng nghề Ninh Vân (Ninh Bình) và tượng chó đá của Việt Nam từ thời Lê.

Khảo sát bước đầu của Bộ VH,TT&DL cho thấy, làng đá Ninh Vân (Ninh Bình) vẫn duy trì hoạt động sản xuất, bởi làng nghề chỉ sản xuất tượng linh vật theo đơn đặt hàng. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở VHTT&DL Ninh Bình, qui định của Bộ VH,TT&DL cũng khiến các làng đá mỹ nghệ ở địa phương bị ảnh hưởng. Song theo ông Tuấn Anh, Chánh Văn phòng Sở VHTT&DL Ninh Bình thì hiện vẫn chưa có con số thống kê về số cơ sở sản xuất, kinh doanh chuyên sản xuất linh vật, cũng chưa làm việc cụ thể với các doanh nghiệp để biết mức độ ảnh hưởng từ qui định của Bộ VH,TT&DL đến đâu.

 Qui định của Bộ VH,TT&DL được triển khai trong khi cơ quan quản lý Nhà nước ở các địa phương có các làng nghề đá mỹ nghệ lại chưa kịp định hướng cho các cơ sở sản xuất nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm thay thế, hoặc tuyên truyền cho người dân biết nên mua, trưng bày sản phẩm gì.

Theo ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Đà Nẵng, để giải quyết khó khăn cho các làng nghề, Sở VHTT&DL Đà Nẵng đã tổ chức đối thoại với các hộ chuyên sản xuất, kinh doanh linh vật đá. Các hộ đều ủng hộ chủ trương của Bộ VH,TT&DL, song cho rằng, việc thực hiện cần có thời gian, lộ trình, cũng như cần có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí xác định tượng linh vật thế nào là vi phạm thuần phong mỹ tục và không được phép sử dụng, để làng nghề có định hướng cho việc sản xuất kinh doanh.

Ông Huỳnh Đức Thơ, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, không cần bàn cãi về chủ trương đúng đắn của Bộ VH,TT&DL trong góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của Việt Nam, nhưng để qui định có hiệu quả, Bộ VH,TT&DL cần sớm tổ chức các diễn đàn đối thoại với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, văn hóa để tuyên truyền cho người dân hiểu đúng và đầy đủ hơn. Cũng cần tổ chức nhiều buổi đối thoại với các cơ sở sản xuất làng đá mỹ nghệ Non Nước để tìm giải pháp tốt nhất.

Trước những khó khăn của các làng đá mỹ nghệ nói chung và của làng đá Non Nước nói riêng, lãnh đạo Bộ VH,TT&DL cũng đã trực tiếp vào Đà Nẵng làm việc để tìm hướng giải quyết. Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Đặng Thị Bích Liên cho rằng, trước mắt, địa phương cần xem xét hỗ trợ một phần cho làng nghề và về lâu dài phải tìm hướng thay thế sản phẩm phù hợp. Bộ cũng sẽ cùng vào cuộc xem xét tháo gỡ khó khăn này, cũng như sẽ tổ chức hội thảo giới thiệu các linh vật của Việt Nam để các làng nghề tiếp cận sản xuất thay thế.

Họa sĩ Đoàn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, cho biết thêm: Tới đây, Cục cùng các chuyên gia sẽ chọn lựa, giới thiệu các mẫu linh vật, vật phẩm truyền thống của Việt Nam, để mọi người tham khảo, lựa chọn sử dụng phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ thuần Việt. Đặc biệt, Bộ VH,TT&DL không áp đặt mà chủ trương khuyến khích các nghệ nhân sáng tạo, dựa trên sản phẩm truyền thống thay vì sao chép các tác phẩm ngoại lai. Còn ở các di tích, căn cứ theo Luật Di sản văn hóa, để bỏ, hay dần thay thế những linh vật không phù hợp.

Một trong những biện pháp mà Bộ VH,TT&DL đang tiến hành để giải quyết dần khó khăn cho các địa phương là chỉ đạo Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cùng Bảo tàng Nam Định triển lãm chuyên đề "Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam" với gần 60 hiện vật, từ thời Lý, Trần, Hậu Lê đến Nguyễn và bằng nhiều chất liệu đá, gốm, sành, gỗ, đồng v.v… từ 7/11, đồng thời, tổ chức Hội thảo “Mỹ thuật ứng dụng hiện nay và vấn đề biểu tượng trang trí trong quá trình hội nhập ở Việt Nam” cuối tháng 11/2014, với gần 30 tham luận của nhà nghiên cứu. Đây là cơ sở để các làng nghề tham khảo khi định hướng sản xuất trong giai đoạn tới

Thanh Hằng
.
.
.