Thành Long: Làm phim theo cách của mình

Chủ Nhật, 04/12/2005, 07:48

"Người châu Á cần liên kết cùng nhau để chống lại Hollywood, vì những bộ phim Hollywood phá hoại nền văn hóa của các nước Á châu. Việc gì chúng ta phải bắt chước theo kiểu cách văn minh Mỹ? Không có gì xấu trong việc học tập công nghệ, nhưng không phải bằng cái giá đánh mất bản sắc dân tộc của mình", ngôi sao điện ảnh Thành Long đã thắng thắn trả lời phỏng vấn tờ "The Times of India".

Trong số những ngôi sao điện ảnh Trung Hoa thành danh nhất tại Hollywood, Thành Long giữ một trong những vị trí đầu tiên. Anh cũng đã kiếm được hàng chục triệu USD khi tham gia vào các xuất phẩm của "kinh đô điện ảnh Mỹ" như "Giờ cao điểm", "Giờ cao điểm 2" hay "80 ngày vòng quanh thế giới"... Sắp tới, anh sẽ bắt tay vào làm bộ phim "Giờ cao điểm 3", cũng tại Hollywood...

Nếu bảo rằng một người lăn lộn và gắn bó như thế với công nghiệp phim Mỹ đã hiểu Hollywood tới chân tơ kẽ tóc thì cũng không có gì là quá lời. Nhưng nếu bảo Thành Long coi Hollywood là kiểu mẫu làm phim thì có lẽ anh sẽ phản đối ngay. Bằng chứng là mới đây thôi, theo hãng tin AP ngày 28/11, khi trả lời phỏng vấn tờ "The Times of India", Thành Long đã công khai tuyên bố: "Người châu Á cần liên kết lại cùng nhau để chống lại Hollywood, vì những bộ phim Hollywood phá hoại nền văn hóa của các nước Á châu. Việc gì chúng ta phải bắt chước theo kiểu cách văn minh Mỹ? Không có gì xấu trong việc học tập công nghệ, nhưng không phải bằng cái giá đánh mất bản sắc dân tộc của mình".

Không ai phủ nhận rằng Hollywood đang giữ thế thượng phong trong các rạp chiếu bóng trên quy mô toàn cầu. Nhờ công nghệ quảng cáo và tiếp thị tinh xảo, những xuất phẩm ăn khách nhất của Mỹ thường được tung ra chiếu gần như cùng một lúc ở vô số nước, khắp năm châu, tạo nên những làn sóng mến mộ tuy nhân tạo nhưng không phải vì thế mà kém phần cuồng nhiệt. Xu thế này xem ra khó có thể đảo ngược được, nhất là trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay.

Công bằng mà nói, có không ít những bộ phim hay trong làn sóng tràn ngập khắp thế giới từ Hollywood. Tính hấp dẫn cao nhờ trình độ công nghệ tiên tiến và tài năng của các nghệ sĩ "xịn" của nhiều bộ phim Mỹ là điều không ai phủ nhận. Đó là những thế mạnh của Hollywood xứng đáng được học tập. Tuy nhiên, bất cứ tấm huy chương nào cũng có mặt sau. Không ít những bộ phim Mỹ đang thịnh hành trong các rạp chiếu bóng, cùng nhiều văn hóa phẩm khác made in USA, thực sự là những "viên đạn bọc đường", có thể tàn phá tâm hồn nói riêng và thế giới tinh thần nói chung của khán giả. Điều này từng được chính những người Mỹ thừa nhận.

Theo số liệu điều tra xã hội do Trung tâm Nghiên cứu The Pew Research Center for the People and the Press, hiện có  tới 34% số dân Mỹ cho rằng thủ phạm của việc bạo lực và tệ nạn tình dục lan rộng là những nhà sản xuất ra các loại văn hóa phẩm như trên. Một nửa số người Mỹ cho rằng, những ai lỡ "tiêu thụ" các văn hóa phẩm trên cũng có thể trở nên "tội đồ" trong việc bạo lực và tệ nạn tình dục lan rộng...

Theo một số liệu thống kê khác, thu được trong cuộc điều tra xã hội do hãng truyền hình CBS và báo New York Times tiến hành, có tới 72% số người Mỹ cho rằng các ngôi sao Hollywood là những tấm gương xấu về nếp sống và tư duy đối với công chúng... Cuộc điều tra xã hội mới đây do hãng truyền hình Fox tiến hành cho thấy, có tới 70% số người Mỹ cho rằng, Hollywood đang phản lại những tiêu chí chung của xã hội... Thiết nghĩ chẳng cần phải bình luận thêm điều gì vào những con số thống kê như thế. Nền văn minh Mỹ, nền điện ảnh Mỹ ngay trong con mắt người Mỹ cũng không phải là một cái gì hoàn hảo để ai đó có thể nhắm mắt mà bắt chước.

Cũng cần phải lưu ý rằng, ngay cả nếu như nền văn minh Mỹ, nền điện ảnh Mỹ rất hay ho đi chăng nữa thì điều đó không có nghĩa đó là mô hình duy nhất đúng cần phổ cập trên phạm vi toàn cầu. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, quốc gia nào cũng phải chú trọng việc gìn giữ bản sắc văn hóa của mình. Thế giới càng phát triển theo hướng toàn cầu hóa, nhiệm vụ bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của từng quốc gia, từng dân tộc càng trở nên cấp bách.

Ngôi sao điện ảnh Thành Long đã nói đúng, để phát triển theo hướng hiện đại và tiên tiến, không nhất thiết và không thể trả bằng cái giá đánh mất tinh hoa truyền thống. Làm nghệ thuật đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhưng phải theo cách và cốt cách của mình. Không chỉ các quốc gia châu Á mới cần nghĩ thế, mà tất cả các nước trên thế giới đều phải đi theo lối tư duy này. Hội nhập chứ không phải hòa tan, đó là cách hành xử duy nhất đúng trong thời đại hiện nay của tất cả các dân tộc trên trường quốc tế, trong mọi lĩnh vực chứ không chỉ riêng trong điện ảnh

Vũ Anh
.
.
.