Thăm thành nhà Hồ quê tôi

Chủ Nhật, 31/07/2011, 13:46
Ngày 276 tại Thủ đô Pari (Pháp), thành nhà Hồ chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Đây là tin vui, là niềm tự hào của mọi người khi nước ta có thêm một di sản văn hóa được công nhận ở tầm quốc tế. Với những người sinh ra, lớn lên ở vùng đất có ngôi thành đá hơn 600 năm thì tin vui này còn gợi nhớ những huyền tích dân gian đầy kỳ bí gắn với kiệt tác kiến trúc mà vương triều Hồ xây dựng.

Mới đây, tôi có chuyến công tác đi các huyện miền núi miền Tây Thanh Hóa. Chúng tôi đi trên quốc lộ 217 mà nếu theo lộ trình cũ thì sẽ đi qua cổng vòm bằng đá phía Nam của thành nhà Hồ rồi xuyên qua nội thành và chui qua cổng thành phía Bắc mới thẳng tiến lên huyện Cẩm Thủy, Bá Thước, Quan Hóa… Thế nhưng lần này, khi đến thị trấn Vĩnh Lộc (huyện Vĩnh Lộc), nơi chỉ cách thành nhà Hồ chưa đầy 1km thì cậu lái xe rẽ tay phải theo hướng lên thị trấn Kim Tân (huyện Thạch Thành). Thấy lạ, tôi hỏi lái xe sao lại thay đổi lộ trình thì cậu này cho biết, con đường 217 xuyên qua thành nhà Hồ hiện nay bị cấm để bảo tồn di tích.

Thành nhà Hồ được ông vua sáng lập vương triều Hồ - Hồ Quý Ly xây dựng từ năm 1397. Thành được xây dựng hoàn toàn bằng đá, những tảng đá to (có tảng cao 1m, dài 7m, nặng 16 tấn) xếp chồng lên nhau thành những bức tường vững chắc (chỗ cao nhất 8m).

Điều gì khiến những người thợ cách đây 6 thế kỷ xếp được những tảng đá khổng lồ để tạo thành bức tường thành bao quanh diện tích gần 1km2 là câu hỏi mà tôi tin rằng bất kỳ ai khi đứng chiêm ngưỡng nó cũng đặt ra. Cũng bởi kỳ tích khó lý giải và chắc chắn nhiều người thợ đã đổ máu mà hiện nay ở ngay phía Đông thành đang tồn tại một dấu tích cùng cả câu chuyện truyền khẩu liên quan đến việc xây thành.

Phối cảnh thành nhà Hồ.

Chúng tôi đã đứng rất lâu ngắm nhìn tảng đá trong bức tường thành in hình đôi bàn tay với những ngón tay lõm vào trong đá và dáng hình người đàn bà đầu tóc rũ rượi. Vết tích này gắn liền với câu chuyện về nàng Bình Khương, người đàn bà có chồng chết trong khi xây thành. Khi hay tin cái chết của chồng, nàng đã khóc than, đập đầu vào đá chết theo. Hiện tại ở phía Đông thành có đền thờ nàng Bình Khương và mỗi khi đến đây, khách tham quan lại được cụ từ kể cho nghe câu chuyện của nàng.

Quê ngoại tôi ở phía Nam thành nhà Hồ nên từ thuở ấu thơ tôi đã nghe nhiều câu chuyện về ngôi thành này, trong đó có cả chuyện khi chỗ nào đó trên bức tường thành lở ra, người ta còn thấy cả những đốt xương ngón tay người và cho rằng, đó là những đốt xương của người thợ đá bị tai nạn khi vần đá xây thành. Một trong những công cụ để vận chuyển những khối đá nặng cả chục tấn hiện vẫn còn lưu giữ - bi đá. Viên to thì bằng quả bóng đá, viên nhỏ thì bằng quả trứng. Hiện nay, các hiện vật này đang được trưng bày ngay tại nhà trưng bày nằm ngay cổng phía Nam thành.

Cũng tại đây còn có rất nhiều hiện vật được xác định có niên đại thời nhà Hồ như đất nung, đồng, vũ khí, công cụ lao động… Ngoài sưu tầm trong dân, những hiện vật này có được nhờ công rất lớn của các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước. Những đợt khảo cổ lớn vào các năm 2004, 2007… đã làm phát lộ nhiều công trình kiến trúc trong khu vực nội và ngoại thành, đáng chú ý là khu đàn tế Nam Giao. Khi đến đây, chúng tôi thấy những hiện vật lồ lộ như bức tường bằng gạch, giếng vua, nền móng… Đây là một trong những minh chứng thuyết phục, chứng minh sự giàu có về giá trị lịch sử, văn hóa của ngôi thành đá có một không hai ở Việt Nam và những hạng mục kiến trúc gắn với nó.

Chuyên gia Nhật Bản, các nhà khảo cổ học và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tại đàn tế Nam Giao.

Nhắc đến vương triều Hồ không thể không nhắc đến biểu tượng rồng - một biểu tượng quan trọng của các triều đại phong kiến. Đôi rồng đá vẫn còn nhưng tiếc rằng đã mất đầu. Trước đây, khi quốc lộ 217 vẫn chạy xuyên qua thành nhà Hồ, người đi qua đều thấy đôi rồng đặt hai bên đường. Tại sao rồng của một vương triều ngắn ngủi nhất trong lịch sử Việt Nam lại mất đầu? Có rất nhiều cách lý giải, trong đó có cả giả thiết là giặc Minh sau khi phá xong thành, bắt cha con Hồ Quý Ly đã chặt luôn đầu rồng; lại có giả thiết là do giặc Pháp chặt… Tuy nhiên, trong dân gian lại lưu truyền câu chuyện, do nhà của người dân sống ở làng Xuân (làng nằm giáp cổng Nam) hay bị cháy và họ cho rằng chính đôi rồng quay đầu về phía làng phun lửa gây ra nên mới chặt đầu để trừ nạn hỏa tặc. Do chưa có căn cứ khẳng định lý do đôi rồng đá mất đầu nên những giả thiết, những câu chuyện dân gian đi theo nó càng huyễn hoặc.

Cách thành nhà Hồ chỉ chừng 1km có đình Tam tổng thờ vị tướng tài ba Trần Khát Chân. Liên quan đến vị danh tướng nhà Trần này, bà giáo Nguyễn Thị Ân ở thôn Thổ Phụ, xã Vĩnh Tiến kể rằng, vì can Hồ Quý Ly quay lại phụng sự nhà Trần nên ông bị chém đứt đầu. Mặc dù bị chém nhưng Trần Khát Chân vẫn cưỡi ngựa chạy tiếp, trên đường đi gặp bà bán nước, ông hỏi: "Người bị chém có sống được không?". Bà bán nước quả quyết rằng, "không sống được".

Sau này, người dân đã lập đền thờ Trần Khát Chân ở nơi thân mình ông ngã xuống là núi Đún (cách thành nhà Hồ khoảng 3-4km). Còn ở đình Tam tổng là nơi đầu ông rơi nên người dân cũng lập để thờ. Con ngựa chết, xác được đưa về chôn ở gò Ngựa, hiện nay thuộc khu vực cánh đồng của xã Vĩnh Tiến. Người già ở vùng này còn kể rằng, trước đây ai chùm khăn đỏ, đội mũ đỏ đi qua đình Tam tổng sẽ bị đau ốm, muốn khỏi bệnh phải mang lễ vật lên xin Ngài.

Những huyền tích, các địa điểm tín ngưỡng, văn hóa xung quanh khu vực thành nhà Hồ càng làm cho ngôi thành cổ vừa được công nhận là Di sản văn hóa thế giới trở thành địa điểm dẫn dụ du khách đến thăm. Cùng với nó, chính quyền địa phương cần có sự bảo tồn, quảng bá và chiến lược thu hút du khách phù hợp.

Sau khi thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, lượng khách tham quan tăng đột biến. Theo ông Nguyễn Bá Linh, Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Ban quản lý Di tích thành nhà Hồ, chỉ trong nửa tháng qua đã có gần 2.000 khách trong nước và gần chục đoàn khách quốc tế đến thăm. Cùng với việc tổ chức các hoạt động như hướng dẫn du khách tham quan, bán quà lưu niệm..., đơn vị này có kết hợp với người dân trong vùng giới thiệu các sản vật của địa phương như chè lam phủ Quảng, bánh răng bừa. Đây là những hoạt động nhằm phối hợp với người dân trong vùng di tích cùng tham gia bảo tồn, làm du lịch.

Thành nhà Hồ có hình gần vuông, kích thước của thành được các sách mô tả khác nhau. Sách "Đại Nam nhất thống chí" thì cho rằng, "mỗi mặt 120 trượng (480m). L. Berzacier, một học giả người Pháp khảo sát thành vào đầu thế kỷ XX thì mô tả “thành xây hình vuông, mỗi cạnh 500m”. Năm 2005, các chuyên gia Nhật Bản áp dụng kỹ thuật đo hiện đại xác định, chiều dài của các cạnh giữa các điểm cao nhất mặt ngoài tường thành: cạnh phía Nam dài 877,1m; cạnh phía Bắc: 877m; cạnh Đông dài 879,3m; cạnh Tây dài: 880m. Diện tích bên trong vòng thành nội (hoàng thành) là 77ha. Thành có 4 cổng: Nam, Bắc, Tây, Đông, hình vòm cuốn bằng đá xanh.

.
.
.