“Thạch ảnh” của Lê Nguyên Vĩ

Chủ Nhật, 11/06/2006, 08:00

Suốt ngày, anh Vĩ lang thang lên các con suối, quán nhậu bán đồ biển để nhặt từng viên sỏi, vỏ sò, vỏ ốc. Nhờ chúng anh tạo nên một nghệ thuật “thạch ảnh” có một không hai ở Việt Nam.

Hiện anh Vĩ đang ở nhà con trai  tại tổ 29, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Quả thật, tôi rất bất ngờ, hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi anh dẫn chúng về nhà chơi. Tôi với anh đã lâu rồi không gặp. Với cái tính tôi hay "tò mò" xem cuộc sống anh dạo này ra sao. "Sao dạo này anh "xuống cấp" vậy? Anh có sa vào "đỏ đen" không? Nhà và xe máy của anh đâu? Sao anh lại sang nhà con trai ở?...

Trầm ngâm một lúc sau, anh chỉ tay vào những tác phẩm "thạch ảnh" bằng màu trên các viên sỏi, vỏ ốc, vỏ con sò do anh làm ra, tâm sự: "Nhà, xe máy của mình đây! Chứ "ông" bảo tôi tiêu gì đâu! Cờ bạc thì tôi lại càng không biết! Mình đâu có muốn sang nhà con "ăn nhờ, ở đợ" như vậy...

Sau ngày giải phóng 1975, tôi xin nghỉ nghề "gõ đầu trẻ", bắt đầu bước vào lĩnh vực nghệ thuật bằng việc trang trí nội thất. Sau đó, tôi chuyển sang làm nghề mỹ thuật, từ đó tôi mày mò thử nghiệm việc đưa ảnh chụp của mình lên đá, nhưng chỉ thành công ở mức độ vừa phải với loại ảnh đen trắng...

Vấn đề thời gian, với suy nghĩ của mình, cuối cùng anh đã mò mẫm và thành công với tấm ảnh màu đầu tiên chụp con gái đầu lòng của mình. Cái khó nhất của mình là phải tìm cho ra những hòn đá thật hợp lý với bức ảnh mình chọn, khi bức ảnh toát lên được "cái hồn" thì chỉ cần một thớ gân chạy ngang qua mặt đá cũng đủ để bức ảnh toát lên cái "thần", "huyền ảo" mà không một loại nghệ thuật nào diễn tả được...

Sau mấy tháng thử nghiệm, có thể nói bước đầu thành công của anh vào tháng 2 năm 2006. Giờ đây, anh Nguyên Vĩ không đi mày mò tìm đá cuội ở các con suối, các quán bán đồ nhậu như trước nữa. "Điểm nổi bật của những hòn đá cuội nhặt từ các khe suối và đồi trọc của vùng núi Hòa Bắc (Hòa Vang) là có những thớ gân cách điệu, độc đáo. Loại đá này hợp với thể loại tranh phong cảnh cũng như các tác phẩm tranh, ảnh cổ điển. Ngoài ra, các loại đá trắng muối ở Thanh Hóa, đá trắng sứ ở Yên Bái hay đá sa thạch ở Quảng Nam cũng rất hợp với nghệ thuật "thạch ảnh" này", anh nhỏ nhẻ như nói với chính mình.

Một tác phẩm ra đời từ lúc lựa chọn đá (đá phải có sẵn ở Việt Nam), chụp ảnh đến khâu xử lý đưa ảnh lên đá mất khoảng từ 3-5 tiếng đồng hồ; tuỳ theo kích cỡ lớn, nhỏ của đá theo một kỹ thuật tự nghiên cứu. Tác phẩm "thạch ảnh" sau khi hoàn tất sẽ được tráng lên một lớp men bảo vệ nhằm chống sự bong tróc.

Tôi hỏi tiếp: "Thế giá thành sản phẩm thì anh tính như thế nào?". Anh Vĩ: "Giá thành sản phẩm đến người tiêu dùng được tính theo diện tích hình ảnh 1cm2 là 3.500 đồng (riêng đá không tính tiền). Hóa ra tôi đã trách nhầm anh, cũng vì yêu mến "nghệ thuật" mà anh đã theo đuổi hơn 20 năm nay, anh đã nhiều đêm "lao công khổ cực", cũng vì "thạch ảnh" này mà anh đã bán cả nhà lẫn xe máy mới có được thành công như ngày hôm nay.

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng đến thăm, hỗ trợ kinh phí ban đầu giúp anh mua sắm một ít máy móc làm nghề. Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đã sang tận "phòng thí nghiệm" của nhà anh và định hướng cho anh "sáng tạo" thêm các mẫu mã mới phù hợp với tâm lý người tiêu thụ và thưởng lãm.

Vừa rồi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh cũng đã sang thăm cơ sở sản xuất tại nhà của anh và đặt một số hàng lưu niệm để tặng cho quan khách nước ngoài. Nhiều cá nhân, tổ chức ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang, Bình Thuận... cũng tìm đến đặt hàng.

Mới đây anh nhận còn nhận được bức thư của Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam mời anh viết về việc hỗ trợ biên soạn những kỷ lục Việt Nam (về thạch ảnh của anh)...

Nguyễn Văn Thăng
.
.
.