Thạch ảnh - một lối đi riêng

Thứ Năm, 29/11/2007, 13:59
Mỗi tác phẩm thạch ảnh là một khối hình được xử lý và thể hiện một cách khác biệt. Theo Lê Nguyên Vĩ, người chế tác thạch ảnh đầu tiên của Việt Nam, mỗi dáng đá đều có mỗi linh hồn và vẻ đẹp riêng, nên ông muốn làm sống dậy cái thần bí ẩn hiện trong từng khối đá sỏi ngàn năm.

Gặp ai, Lê Nguyên Vĩ,  cũng nửa đùa nửa thật: "Làm thạch ảnh chỉ để… kiếm cơm". Nên lắm người thắc mắc: "Nghệ sĩ mà cũng đặt nặng cơm áo?". Nhưng, nghệ sĩ thì cũng phải… sống, nhất là khi ông phải ôm món nợ 500 triệu đồng mới có được những bức thạch ảnh đẹp như hôm nay.

"Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài"

Hơn mười năm trở trăn, bán xe cộ, cầm nhà cửa… cuối cùng Lê Nguyên Vĩ, được bạn bè gọi vui là "dị nhân bán đảo Sơn Trà", mới hoàn thiện được kỹ thuật in, phóng ảnh màu trên đá bằng công nghệ kỹ thuật số.

Đâu phải hạng thường, mà là người đầu tiên ở Việt Nam tìm ra bí quyết này. Đá cỡ nào, hình dạng nào, bề mặt trơn nhẵn hay gồ ghề, ông cũng có thể dùng để phóng ảnh lên đó.

Mười mấy năm mày mò giúp cho Nguyên Vĩ  biết nhiều thứ: hoá học, quang học, điện, cơ… cái gì cũng phải tường tận mới có thể làm được một tác phẩm thạch ảnh. Vậy mà Nguyên Vỹ vẫn bảo là chưa đủ, vì điều chính yếu nhất vẫn là cái "tâm".

Phải có tâm hồn nhạy cảm để nhận ra vẻ đẹp và bắt được cái thần của nhân vật, cảnh vật… Nhiều ngày anh miệt mài bên máy tính, lọc cho được một hình ảnh, một phong cảnh, một nhân vật ưng ý để thể hiện trên đá.

Nào là cố thi sĩ Bùi Giáng chìm trong mông lung, xa vắng, là thiếu nữ mang yếm thắm thanh xuân; là Tôn Dật Tiên bên Vạn Lý Trường Thành, là những đứa trẻ lạc loài bơ vơ giữa rừng chiều… Ảnh hình, bố cục, sắc màu… đều được Nguyên Vĩ "chế" lại theo cảm nhận của riêng mình, và hầu hết được dàn ra trên phông màu đen huyền bí.

"Kiếm cơm" bằng sự phá cách

Người ta hỏi: "Sao không kiếm cơm bằng cách khác cho đỡ nhọc nhằn?", Nguyên Vĩ chỉ cười: "Phải chọn cách độc đáo thì may ra mới… kiếm cơm lâu dài được chớ!". Nói theo cách ấy, thì phải tạo ra những tác phẩm không giống nhau, trong khi người ta đang bị áp đặt bởi hàng hóa công nghiệp được sản xuất hàng loạt, giống nhau hàng loạt.

Mỗi tác phẩm thạch ảnh là một khối hình được xử lý và thể hiện một cách khác biệt. Theo ông, mỗi dáng đá đều có mỗi linh hồn và vẻ đẹp riêng, nên ông muốn làm sống dậy cái thần bí ẩn hiện trong từng khối đá sỏi ngàn năm.

Cực vậy, tỉ mỉ vậy, nhưng từ buổi khai trương showroom thạch ảnh ở Cổ viện Chàm từ đầu tháng 5/2007 tới giờ, Nguyên Vĩ vẫn chưa… kiếm đủ cơm. Sản phẩm chủ yếu bán ra cho khách Đông Á.

Người Thái, người Nhật… thấy đá thì mê, người Việt Nam cũng mê nhưng thấy giá khá đắt (luôn trên 100.000 đồng/sản phẩm) nên… lè lưỡi, riêng khách Tây thì vẫn khá hững hờ. Lê Nguyên Vĩ tặc lưỡi: "Mình phải quảng cáo, tiếp thị thiệt tốt mới lôi cuốn được dân Tây".

Hy vọng, rồi đây những bức thạch ảnh độc đáo sẽ kéo về cho anh một lượng khách đáng kể hơn, để anh… trả nợ đời

Trà Giang
.
.
.