Trần Nhân Tông - Ông vua hóa Phật

Thứ Sáu, 20/02/2015, 11:47
Là một trong ba ông vua đầu đời Trần, lại là một trong ba ông vua anh hùng bình Nguyên - ông và cha đã trực tiếp lãnh đạo và lên ngựa trong cuộc bình Nguyên lần thứ nhất (1258), còn mình thì lãnh đạo và “thân ra trận” trong hai cuộc bình Nguyên sau đó (1285 và 1288) - “hào khí Đông A” hẳn còn tràn ngập trong huyết quản Trần Nhân Tông.

Theo Nho học, lẽ ra Trần Nhân Tông chỉ “phải” làm vua. Mà làm vua lúc ấy chỉ có hai việc: ngoài thì phòng ngoại xâm - bang giao để tránh chiến tranh, nếu có giặc thì dẹp giặc; trong, thì vỗ về trăm họ, xây dựng xã tắc thái bình thịnh trị.

Nếu bảo cần lo cho "nước có đạo”, thì đạo đã có rồi - Đại thừa và Tiểu thừa đều có sẵn, có thể dùng để hướng thiện cho dân. Nho và Lão cũng không dở - mô hình xã hội, mối giường phong kiến vốn đã chặt chẽ. Chuyện thần tiên cũng chẳng thiếu gì.

Thế thì vì sao lại “nhiễu sự” ra thế, để bỏ cung vàng điện ngọc mà lên non xanh nước biếc, bỏ lụa là mà mang áo vải, bỏ hài gấm giày nhung mà chân trần dép cỏ, bỏ ngự yến mà hái măng rừng, bỏ mỹ nữ cung tần mà dấn thân cô độc, bỏ quyền hành mà trông vào ngộ ngữ, bỏ sắc tìm không???

Ta hãy bắt đầu từ Trần Thái Tông, ông nội của Nhân Tông.

Thái Tông Trần Cảnh, lúc 8 tuổi được Trần Thủ Độ (chú họ) bố trí hầu cận Lý Chiêu Hoàng, rồi thành chồng của nữ vương cuối triều Lý này. Ngày 10/1/1226, Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng- nhà Trần thay nhà Lý trị vì năm 1237.

Giá ai có tài để viết một vở bi kịch về một ông vua Việt, có lẽ Thái Tông là nhân vật rất thích hợp. Trong lời tựa “Thiền tông chỉ Nam”, Thái Tông cũng nói, ông thích nhất là kinh Kim cương - bộ kinh giúp người ta dẹp bỏ phiền não, nhanh chóng đến bờ chính giác. Thái Tông mất năm 1277 (thọ 59 tuổi), khi Nhân Tông 19 tuổi.

Ngoài ảnh hưởng của những trước tác mà Thái Tông để lại, chắc chắn Nhân Tông đã được ông nội mình dạy dỗ, tâm sự, bàn luận về thế thái nhân tình và Phật học rất nhiều.

Bây giờ, nói về “Tuệ Trung Thượng Sĩ” Trần Tung, một con người, một nhà Thiền học quan trọng đời Trần, đã có ảnh hưởng rất lớn tới tư tưởng của Nhân Tông.

Trần Tung (1230-1291) là con trai Trần Liễu, là anh ruột của Trần Hưng Đạo, cũng là anh ruột Hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm - vợ Trần Thánh Tông, mẹ của Nhân Tông.

Trong cả ba cuộc kháng Nguyên, Trần Tung đều tham gia cầm quân đánh giặc, được phong tước Hưng Ninh vương. Ít lâu sau ông lui về trang ấp của mình, dựng “Dưỡng chân trang”, tiếp tục ham thích cũ là tham cứu Thiền học, “không hề quan tâm tới công danh sự nghiệp”.

Ông để lại phần “Ngữ lục” và khoảng 50 bài thơ, in trong “Thượng Sĩ ngữ lục”. Trần Tung được Thánh Tông quý trọng, tôn là “sư huynh”, ban cho tên hiệu là “Tuệ Trung Thượng Sĩ” và sau này cũng được Nhân Tông yêu kính đến mức, nhà vua tự tay hiệu đính “Ngữ lục”, lại còn tự tay viết “Thượng Sĩ hành trạng” nữa.

Cũng trong tác phẩm “Thượng Sĩ ngữ lục”, Nhân Tông kể rằng, một lần Thái hậu (mẹ Nhân Tông) mời tiệc Tuệ Trung Thượng Sĩ. Thượng Sĩ ăn thịt bình thường, Thái hậu thấy lạ, bèn hỏi: “Anh tu Thiền mà ăn thịt, sao thành Phật được?.”

Thượng Sĩ cười đáp: “Phật là Phật, anh là anh, anh chẳng cầu làm Phật, Phật chẳng cầu làm anh”. Chính ông cũng nói với Thái Tông: “Đạo Phật cấm sát sinh, song giết giặc cứu dân không có gì là trái đạo... ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối. Ở đâu tu cũng được, tu thì lâu, cạo đầu mấy chốc? Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”. Ông còn viết: “Trì giới và nhẫn nhục - Thêm tội chẳng thêm phúc - Muốn không tội, được phúc- Đừng trì giới nhẫn nhục” v.v...

Có thể nói, không ai phóng khoáng, ít bị câu nệ vào Phật pháp như Trần Tung trong việc tham Thiền.

Trong các bài thơ “Thị chúng” (Gợi bảo mọi người), “Thị học” (Gợi bảo người học đạo) và “Ngẫu tác” (Chợt hứng viết ra), Tuệ Trung Thượng Sĩ đều có cách nhìn như vậy. Với ông, “Tâm Phật” quan trọng hơn là niệm Phật với ngồi Thiển... Nhân Tông cũng tự viết rằng, ông “bừng tỉnh, tự xốc áo tôn” Thượng Sĩ làm thày, đã “chịu ơn dạy dỗ” nhiều của Thượng Sĩ.

Trở lại với Trần Nhân Tông. Là một ông vua anh hùng, lại sùng bái Thiền học, sự mâu thuẫn, day dứt giữa "xuất” và “xử” là tất yếu. Rất giống với Thái Tông, bị chia xẻ trách nhiệm với dòng họ, với sơn hà xã tắc, với vinh quang có sẵn ba đời, với giáo lý Nho học, và những ảnh hưởng của thời đại Phật học bắt đầu mạnh từ thời Lý cùng những trải nghiệm cá nhân, Nhân Tông đã chọn tất cả: Hiếu tử - Minh vương - Nghiêm phụ - Thi sĩ - Thiền gia -Thiền sư - Giáo chủ, và... “hiển Phật” như dân gian truyền kể. Nhưng hướng Phật, có lẽ là tâm niệm suốt đời của ông.

Sử kể rằng, năm 1279, đang là Thái tử đương triều, khi theo cha (Thánh Tông) về thăm Yên Tử, ông đã xin được ở lại đây tu hành. Thánh Tông nổi giận mắng rằng: “Chí làm trai tựa chim hồng chim hộc, sơn hà xã tắc đè nặng hai vai, đâu để học đòi Thái tử Tất Đạt Ma lên non xanh cắt tóc”.

Và khi trở về kinh, Thánh Tông vội cử lễ truyền ngôi cho ông. Không muốn, nhưng nhận trọng trách, tạm gác chí riêng, vâng lời cha. Thế là Hiếu tử.

Lên ngôi, ông củng cố sức mạnh quốc gia, dùng hiền tài, đánh thắng quân Nguyên hai lần - tức là hai lần đánh thắng một đế quốc mạnh loại nhất thế giới lúc bấy giờ. Thế là Minh quân.

Năm 1301, ở Chiêm Thành về, nghe tin Anh Tông lơ là triều chính, ông đột ngột về kinh, với tư cách của một Thái Thượng hoàng, ông triệu “vua con” đến quở trách, định truất ngôi. Nhờ triều thần can gián và Anh Tông biết lỗi, ông tha cho nhưng răn rằng: “Đạo làm vua, hãy biết xem đất nước là của công chứ không phải của riêng mình. Hãy biết xem thiên hạ là nhà của chính mình”.

Xem sổ, thấy Anh Tông ban thưởng quá nhiều, ông hỏi: “Có một nước chỉ nhỏ bằng bàn tay mà sao lại ban chầu nhiều thế?”. Ông khuyên Anh Tông hãy tu dưỡng tâm tính, kiềm chế lòng dục, xa rời tửu sắc, giữ vững chân tâm, thực hành 10 điều thiện để mài giũa đức hạnh. Thế là Nghiêm phụ.

Với tư cách một Thi sĩ, Nhân Tông vừa hùng tráng vừa sâu sắc, tầm cỡ lớn hơn nhiều Trần Quang Khải và Phạm Ngũ Lão: “Cối kê cựu sự quân tu ký - Hoan Diễn do tồn thập vạn binh”, “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã - Sơn hà thiên cổ điện kim âu”, “Người lính già đầu bạc - Kể mãi chuyện Nguyên Phong”..., lại vừa uyển nhã, thâm thuý: “Rừng vườn vắng vẻ không người quản - Mận trắng đào hồng riêng tự hoa”, “Đợi triều bên bể trăng gần mọc - Nghe sáo thuyền câu khách nhớ nhà”, “Cò trắng dưới đồng, nghìn điểm tuyết - Oanh vàng trong khóm, một nhành hoa”..., nghe đều phảng phất cái tinh thần, cái tài hoa của Vương Duy, Đào Uyên Minh. Ông là Thi sĩ sánh ngang Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Với tư cách một Thiền gia, ông để lại nhiều kệ, thơ Thiền, ngữ lục. Ông viết: “Bụt ở trong nhà - chẳng phải tìm xa”, “Sống giữa phàm trần, hãy tuỳ duyên mà vui với đạo - Đói thì ăn, mệt thì ngủ -Trong nhà sẵn của báu thì đừng tìm đâu khác - Đối diện với cảnh (sắc tướng) mà vô tâm, thì không phải hỏi Thiền nữa”. Khi Bảo Sái hỏi ông: “Như thế nào là Phật?”, ông nói: “Như cám dưới cối”.

Là một Thiền sư, Nhân Tông đã thu phục được giới tu hành, tập trung được họ dưới ngọn cờ của dòng Thiền Trúc Lâm mà ông là Tổ thứ nhất. Ông đào tạo nhiều môn đồ giỏi, lại chọn được những người giỏi nhất để truyền y bát, khiến dòng Thiền này phát triển dài lâu, rực rỡ.

Chính ông đã sáng lập ra giáo hội Phật giáo Trúc Lâm mà ông là giáo chủ, một giáo hội nội địa, thống nhất, thuần khiết, tránh được mọi sự phân liệt gây tổn hại cho cả đạo lẫn đời.

Công sáng tạo, sáng lập ấy là vô cùng lớn đối với thời đại và dân tộc. Việc ông ”hiển Phật”, dù chỉ là huyền thoại, thì cũng cho thấy sự ngưỡng vọng của chúng tăng ni và Phật tử cả nước, của toàn dân nữa, đối với ông.

Đến đây, ta hãy trở lại vấn đề bỏ sắc tìm không của Nhân Tông.

Bị ràng buộc, bị chia sẻ tâm trí như vậy, nếu không phải là một trí thức lớn, có nghị lực, có ý chí lớn, có khát vọng lớn, có tài lớn, có tâm niệm bền bỉ, có tâm hồn mềm mại và tính cách khoan hoà, thì không thể nào làm được ngần ấy việc. Ông giống ông nội Thái Tông ở chỗ, có thể “Trút bỏ ngôi báu như trút đôi dép rách”, nhưng ông đi xa hơn Thái Tông ở chỗ, ông bỏ ngôi thật để tìm kiếm cái khát vọng thời trai trẻ - đi tìm kiếm câu trả lời cho mọi kiếp nhân sinh.

Ông đã sáng lập cho quốc gia một tông phái Thiền dân tộc, đẩy đời sống tinh thần, đẩy sự cố kết trăm họ - chúng sinh, lên vượt bậc, bằng sự điều hoà các Phật phái ngoại lai, bổ sung cho nó cái chất tự nhiên, thực tiễn, giản dị mà sâu sắc kiểu Việt Nam, để Phật giáo ta “không Hoa, không Ấn” mà vẫn có thể rất có ích cho chúng sinh - dân tộc.

Từ đời Trần, từ ông, văn hoá, kiến trúc, triết học... tức là cái “thượng tầng” của người Việt, trở nên rực rỡ, đường bệ hơn nhiều.

Có lẽ ông là nhà vua đầu tiên hiểu rằng, một dân tộc chưa có triết học - tôn giáo - tư tưởng của riêng mình, là một dân tộc chưa trưởng thành, thiếu tự tin, “chưa tiến hoá hết”.

Và vì thế, ông đã bỏ ngôi lên núi, để nhận lấy cái trách nhiệm của một nhà hiền triết - thông thái - học giả bậc thầy trong lĩnh vực này. Không những thế, ông còn trở thành lãnh tụ - giáo chủ của Thiền phái Trúc Lâm, Phái Thiền thuần Việt duy nhất đáng kể cho đến tận ngày nay.

Chính vì những lẽ đó, mà Trần Nhân Tông phải được coi là nhân vật kiệt xuất nhất trong lịch trình phong kiến Việt Nam và cũng là nhân vật kiệt xuất nhất trong sơ đồ Phật giáo Việt Nam, một trong những niềm tự hào lớn lao nhất của dân ta.

Đỗ Trung Lai
.
.
.