Tây Nguyên: Ngân vang giọng chiêng nữ của người Êđê

Thứ Tư, 02/01/2008, 08:30

Người Êđê Bih ở buôn Trấp (huyện Krông Ana - Đắk Lắk) vẫn thường tự hào rằng: Dù khi nghèo khổ hay lúc giàu sang thịnh vượng thì giữa buôn làng của họ vẫn không khi nào ngớt tiếng cồng chiêng. Đặc biệt, đội chiêng nữ của buôn làng từng nổi tiếng khắp gần xa, giọng chiêng nữ của người Êđê Bih theo bước chân của các nghệ nhân hòa nhịp khắp năm châu.

Tôi đã gặp 3 chị em ruột cùng là thành viên của đội chiêng khi họ về tham dự Festival văn hóa cồng chiêng tại TP Buôn Ma Thuột. Họ là con đẻ của cố nghệ nhân Aduôn Rai - người đội trưởng đội chiêng suốt 60 năm!

Nghệ nhân H'Le kể: Tui là con gái đầu của mẹ, tui được mẹ dạy cho cách đánh chiêng từ khi biết vịn bậc cầu thang để bước lên nhà! Những người em tiếp theo, H'Đưm, H'Vin cũng lớn lên trong không gian đầy ắp âm thanh của núi rừng. Với họ, tiếng cồng chiêng của dân làng, của mẹ quen thuộc như cơm ăn nước uống mỗi ngày.

Với người Êđê Bih ở buôn Trấp, con gái được dạy cách đánh chiêng từ nhỏ. Bà dạy cho cháu, mẹ dạy cho con gái biết làm rượu cần, biết dệt vải, đánh cồng chiêng. Bởi vì, theo chế độ mẫu hệ, chỉ có con gái mới được thừa kế tài sản, thừa kế ché tuk, ché tang, chiêng núm, chiêng bằng. Người phụ nữ cũng phải biết đánh chiêng để giữ gìn của cải cho dòng tộc.

Nghệ nhân H'Vin bồi hồi nhớ lại: Ngày xưa, sinh được ba chị em thì ba mất, mẹ vừa nuôi con vừa đi quyên góp gạo tiền để nuôi bộ đội. Ngày ấy, tiếng chiêng không được vang xa như bây giờ… Những bộ chiêng quý của ông bà để lại thì may mắn vẫn còn lưu giữ được.

Tại Festival văn hóa cồng chiêng vừa rồi, du khách gần xa lại được thưởng thức giọng chiêng nữ có một không hai của đội chiêng buôn Trấp. Nét độc đáo không chỉ ở người đánh chiêng là nữ mà còn ở lối đánh, bài bản khi hòa tấu, nó không thôi thúc, giục giã, cuồng nhiệt như chiêng arap của người Êđê Mthur, hay chiêng kbuan của người Êđê Đrao mà sâu lắng, thâm trầm hơn. Dàn chiêng của người Êđê Bih thường có 6 chiếc và 1 chiếc trống, trống có vai trò giữ nhịp cho toàn bộ dàn chiêng theo bài bản. Chỉ những bàn tay mềm mại của phụ nữ nắm lại rồi gõ lên những chiếc chiêng núm mà tạo ra những âm thanh trầm bổng, xao xuyến đến nao lòng...

Dàn chiêng Jhô của các nghệ nhân nữ ở buôn Trấp từ lâu đã không thể thiếu trong các liên hoan, hội diễn, hội thao ở địa phương cũng như biểu diễn tại các thành phố lớn. Nghệ nhân H'Tim tụ hào: "Đội chiêng từng được mời sang Bỉ, Italia biểu diễn, giao lưu văn hóa. Đến đâu, đội chiêng cũng làm cho khán giả ngỡ ngàng, ngưỡng mộ!".

Còn già làng Aduôn Noi thì khẳng định: Nhờ có Đảng, có Nhà nước mà tiếng cồng chiêng của buôn làng mình được vang xa. Mình đã nhiều lần căn dặn dân làng mình rằng: Cố mà giữ lấy cái chiêng, giữ lấy các bài chiêng, đừng để mất mát, thất truyền, để đến đời con đời cháu, tiếng cồng chiêng vẫn còn mãi ngân vang!

Tuấn Thiện
.
.
.