Tạo không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Thứ Sáu, 07/08/2009, 11:56
Festival Cồng chiêng Quốc tế lần thứ I- 2009 là dịp tôn vinh giá trị đặc sắc của không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên, một loại hình văn hoá nghệ thuật độc đáo của Việt Nam. Festival cồng chiêng quốc tế lần thứ I còn là ngày hội lớn của đồng bào các dân tộc anh em trong tỉnh, là sự kiện văn hoá quan trọng ở khu vực Tây Nguyên và cả nước.

Festival Cồng chiêng Quốc tế lần thứ I-2009 sẽ được tổ chức tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, dự kiến từ ngày 12 đến 15/11/2009, quy tụ nhiều đoàn cồng chiêng trong nước và các nước trong khu vực Đông Nam Á. Festival sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật phong phú, hấp dẫn. Trước thềm Festival Cồng chiêng Quốc tế, phóng viên Báo Công an nhân dân có cuộc phỏng vấn Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, công tác chuẩn bị cho Festival Cồng chiêng Quốc tế lần thứ nhất tổ chức tại Gia Lai đến nay như thế nào?

Chủ tịch Phạm Thế Dũng: Festival Cồng chiêng Quốc tế lần thứ I- 2009 được tổ chức tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai là một sự kiện quan trọng mang tầm quốc tế, có ý nghĩa chính trị - kinh tế, văn hóa - xã hội không chỉ cho Gia Lai mà của cả nước. Đây cũng là dịp nhằm tôn vinh giá trị đặc sắc của không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên, một loại hình văn hoá nghệ thuật độc đáo của Việt Nam đã được tổ chức Văn hóa - Khoa học - Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Vì thế, việc tổ chức Festival Cồng chiêng Quốc tế lần thứ I - năm 2009 không chỉ có tác dụng giáo dục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên mà còn khẳng định quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn  hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Festival cồng chiêng quốc tế lần thứ I còn là ngày hội lớn của đồng bào các dân tộc anh em trong tỉnh, là sự kiện văn hoá quan trọng ở khu vực Tây Nguyên và cả nước. Đến nay, việc chuẩn bị Festival Cồng chiêng Quốc tế lần thứ I-2009 cơ bản hoàn thành, Gia Lai đã sẵn sàng để tổ chức thành công lễ hội này.

Biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên.

PV: Được biết, trong đợt sưu tầm mới đây Gia Lai còn trên 5.600 bộ cồng chiêng các loại, trong đó có 932 bộ chiêng quý, sở hữu chủ yếu thuộc các tộc người Jơ Rai và Ba Na. Nếu đúng như vậy thì Gia Lai còn bảo tồn số lượng cồng chiêng lớn nhất Tây Nguyên, nhưng làm thế nào để bảo tồn và phát huy được giá trị đích thực của nó trong đời sống cộng đồng?

Chủ tịch Phạm Thế Dũng: Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên có truyền thống văn hoá, lịch sử lâu đời. Cồng chiêng được người dân tộc thiểu số Tây Nguyên quan niệm là ngôn ngữ giao tế hàng đầu của con người với thần thánh và thế giới siêu nhiên. Từ các lễ hội như mừng lúa mới, lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh, đến lễ bỏ mả, lễ đâm trâu…đều không thể thiếu tiếng cồng, tiếng chiêng.

Có thể nói, văn hóa cồng chiêng là lẽ sống của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên được gắn bó mật thiết từ khi con người cất tiếng khóc chào đời đến khi về với thế giới vĩnh hằng. Cồng chiêng còn là tài sản quí giá, biểu trưng cho sự giàu có của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Theo kết quả điều tra năm 2008, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 5.655 bộ cồng chiêng, là tỉnh còn giữ được nhiều cồng chiêng nhất trong các tỉnh Tây Nguyên.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta cũng như UBND tỉnh Gia Lai đã có nhiều văn bản quy định về việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá cồng chiêng trên địa bàn Gia Lai. Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai tổ chức các cuộc liên hoan cồng chiêng ở các cấp nhằm bảo tồn di sản văn hoá cồng chiêng như: tổ chức định kỳ 2 năm một lần ở cấp xã và huyện, 4 năm một lần ở cấp tỉnh nhằm duy trì việc giao lưu truyền dạy cồng chiêng tại cộng đồng và kích thích khả năng sáng tạo, học hỏi của nghệ nhân; khuyến khích các lễ hội có sử dụng cồng chiêng tại các buôn làng, tạo mọi điều kiện cho việc truyền dạy cồng chiêng tại cộng đồng, đưa việc truyền dạy cồng chiêng vào các trường dân tộc nội trú, trường có đông học sinh là người dân tộc thiểu số bản địa.

Tuy nhiên, bài toán bảo tồn không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên cực kỳ phức tạp, vất vả. Cần phải nhận thức rằng bảo tồn và phát huy giá trị đặc sắc của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là trách nhiệm của toàn xã hội và cũng là cam kết của chúng ta với cộng đồng thế giới.

PV: Lễ hội thường gắn với du lịch, phía địa phương đã và đang làm gì để kết hợp hiệu quả thế mạnh du lịch của mình nhân lễ hội Festival Cồng chiêng Quốc tế và sau Festival nhằm thu hút khách tham quan?

Chủ tịch Phạm Thế Dũng: Festival Cồng chiêng Quốc tế đầu tiên ở Gia Lai với qui mô lớn, diễn ra trong nhiều không gian khác nhau. Trước Festival nhiều hoạt động về thương mại, văn hóa sẽ diễn ra như khai trương Bảo tàng tỉnh, khai mạc triển lãm "Không gian văn hóa của các dân tộc có cồng chiêng ở Việt Nam", triển lãm mỹ thuật nhiếp ảnh "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" và "Tây Nguyên tự tình";  khai mạc Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao, triển lãm sinh vật cảnh…

Trong thời gian diễn ra lễ hội sẽ trình diễn cồng chiêng tại các điểm du lịch về nguồn, Công viên Văn hoá Đồng Xanh, Công viên Diên Hồng, Quảng trường 17/3, tái hiện lễ hội đâm trâu tại Khu du lịch Về Nguồn, lễ bỏ mả tại Công viên Đồng Xanh, thành phố Pleiku; tại Hội trường 2-9 sẽ diễn ra Hội nghị Xúc tiến Đầu tư để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào Gia Lai và kêu gọi ủng hộ quỹ "Vì người nghèo" của tỉnh…

Là một sáng tạo mang tầm kiệt tác của nhân loại, không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên có khả năng hấp dẫn, thu hút khách du lịch rất lớn. Đây cũng là cơ hội tốt để tuyên truyền, quảng bá về giá trị của di sản: tạo ra các tour du lịch, đưa khách du lịch đến xem, nghe trình diễn cồng chiêng tại cộng đồng, in ấn, xuất bản những sản phẩm như sách, băng đĩa, tờ rơi... để khai thác tiềm năng kinh tế của di sản, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

PV: Xin chân thành cảm ơn Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai!

Ngọc Như (thực hiện)
.
.
.