Tạo dựng thế giới đẹp và trong trẻo qua từng trang sách

Thứ Tư, 26/06/2013, 09:13
Nguyễn Nhật Ánh là người viết cho thiếu nhi, anh tự nhận mình giống như người trồng hoa hồng nên khi viết, đều lựa chọn cái đẹp, cái trong sáng. Bởi theo anh, viết về cái đẹp, hài hước, trong trẻo, tự nhiên là “cái tạng của mình”.

Ngày 25/6, tác phẩm mới nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh – truyện dài “Ngồi khóc trên cây” chính thức ra mắt bạn đọc nhưng độ “hot” từ tên tuổi của nhà văn đã khiến tác phẩm được tiêu thụ hết ngay từ khi chưa kịp “ra lò”.

Thông tin từ Nhà xuất bản Trẻ, đơn vị giữ bản quyền có thời hạn “Ngồi khóc trên cây” cho biết, 22.000 bản in bìa mềm và 3.000 cuốn bìa cứng trong đợt thứ nhất đã được các đại lý đặt hết. Để đáp ứng nhu cầu bạn đọc, cũng ngay trước thời điểm công bố phát hành,“Ngồi khóc trên cây” đã được Nhà xuất bản Trẻ tái bản lần thứ nhất. Đây là một hiện tượng rất hiếm hoi trong lĩnh vực xuất bản nhiều năm trở lại đây.

Trao đổi về tác phẩm “Ngồi khóc trên cây”, Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ rất thật rằng mặc dù là viết cho tuổi mới lớn với những cảm xúc trong trẻo của tình yêu, câu chuyện có nhiều éo le hơn, trong các trang văn được anh ưu ái nhiều hơn cho thiên nhiên, nhân vật ít lời thoại hơn, được mô tả đời sống nội tâm nhiều hơn, nhưng “Ngồi khóc trên cây” cũng giống như rất nhiều tác phẩm trước đó, anh chỉ chọn và cố gắng xây dựng một thế giới đẹp, trong sáng, lãng mạn, nhiều mộng mơ như một cách bù đắp cho các em trong xã hội xô bồ hiện nay.

Nguyễn Nhật Ánh quan niệm, nhà văn giống như người làm vườn. Tùy theo “cái tạng của mình” mà có người chọn trồng hoa hồng, có người chọn nhổ cỏ dại, có người chọn bắt sâu, trong đó, nhà văn viết về những mặt trái của xã hội giống như người bắt sâu, nhổ cỏ dại.

Nguyễn Nhật Ánh là người viết cho thiếu nhi, anh tự nhận mình giống như người trồng hoa hồng nên khi viết, đều lựa chọn cái đẹp, cái trong sáng. Bởi theo anh, viết về cái đẹp, hài hước, trong trẻo, tự nhiên là “cái tạng của mình”.

Viết về cái ác, mô tả những cảnh bạo liệt, Nguyễn Nhật Ánh có thể viết được nhưng anh không thích. Trong thực tế, ngay xem phim ma, những phim có cảnh máu me, chém giết, Nguyễn Nhật Ánh cũng không xem được. Đã có lần, nghe lời rủ rê, anh liều xem thử một bộ phim ma. Kết quả là tối hôm đó anh toàn gặp ác mộng, la hét ầm ĩ khiến người thân cũng... mất ngủ theo.

Nhưng, cũng còn một lý do khác nữa mà có lẽ với Nguyễn Nhật Ánh, đó là một trong những lý do quan trọng nhất mỗi khi anh chọn đề tài để viết là các phương tiện thông tin đại chúng ngày nay có quá nhiều mặt tối của xã hội khiến con người luôn nơm nớp lo sợ, thiếu tự tin vào cuộc sống, nhìn đâu cũng thấy cái xấu xa.

Nguyễn Nhật Ánh muốn dùng những trang văn của mình như món quà tặng tinh thần giúp các bạn trẻ, các em thiếu nhi có nhiều niềm tin hơn vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Và thực tế đã chứng minh sự lựa chọn của anh là đúng. Nguyễn Nhật Ánh nhớ lại, từ năm 1995, anh bắt đầu viết “Kính vạn hoa”. Sách được đông đảo bạn nhỏ yêu thích. Từ năm 2007, báo Thanh Niên đặt hàng anh viết tiếp, đăng “trường kỳ”. Để cập nhật kịp với thời cuộc, các nhân vật bắt đầu lên cấp 3, làm quen với các phương tiện hiện đại như trò chơi điện tử, Iphone, biết nghe nhạc ngoài giờ bên hành lang, trong lớp...

Bạn đọc “Kính vạn hoa” các tập tiếp theo này vẫn hưởng ứng, nhưng trong rất nhiều lá thư phản hồi, nhiều độc giả trung thành, đặc biệt là độc giả nhỏ tuổi bày tỏ rằng các em không thích bằng thế giới tuổi thơ của thiếu nhi mà anh đưa vào trang sách của nhiều năm trước đó.

Không chỉ có sách cho thiếu nhi, sách cho lứa tuổi mới lớn cũng tương tự. Rất nhiều tác phẩm như “Mắt biếc”, “Đi qua hoa cúc”..., Nguyễn Nhật Ánh viết về tuổi học trò nhiều mộng mơ, lãng mạn của những năm 80, thậm chí xa hơn nữa nhưng đến nay, rất nhiều bạn đọc vẫn thích. Anh nhận ra rằng thanh thiếu nhi ngày nay có được cuộc sống đầy đủ vật chất hơn, cuộc sống hiện đại hơn nhưng sự lãng mạn, mơ mộng vẫn là khoảng trống lớn cần được khỏa lấp. Nguyễn Nhật Ánh cố gắng lấp đầy khoảng trống ấy.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Sách bán chạy chỉ đơn giản là vì các em tìm được những điều mình thiếu, mình cần trong các tác phẩm của anh. Và rằng, với Nguyễn Nhật Ánh, mỗi tác phẩm đều luôn là một công trình mà anh dồn tất cả tâm huyết để thực hiện, đều là những công trình quan trọng nhất khi đặt bút viết.

Nguyễn Nhật Ánh cũng tin rằng, văn chương có rất nhiều con đường. Xã hội có mặt trái, mặt tốt. Mỗi nhà văn có cách lựa chọn, góc nhìn, cách tiếp cận khác nhau. Nhưng dù bằng con đường nào, hình thức nào thì cái đích cuối cùng và trung tâm của tác phẩm vẫn là con người, vì con người, hướng con người đến với cái chân, thiện, mỹ.

Trao đổi về tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, ông Nguyễn Minh Nhựt chia sẻ rằng: các tác phẩm của anh có được mẫu số chung cho rất nhiều độc giả mà bất kỳ nhà văn nào cũng đều ao ước.

Hiện nay, không chỉ thanh thiếu niên Việt Nam mới thích đọc tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. Nhiều đơn vị làm sách các nước Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan đã ký kết bản quyền, chuyển ngữ để đáp ứng nhu cầu người đọc... Hiện tượng đó nói lên nhiều điều mà chỉ có tác phẩm và các độc giả trung thành của anh mới có thể lý giải hết được

Hoa Nguyễn
.
.
.