Văn học cho người trẻ:

Tạo bứt phá, cần thoát khỏi cái tôi hạn hẹp

Chủ Nhật, 30/03/2014, 15:14
Trong khuôn khổ hội sách TP Hồ Chí Minh, ngày 29/3, một buổi tọa đàm, trao đổi khá thẳng thắn giữa các cây bút sáng tác văn học cho người trẻ, đặc biệt là tuổi 20 và các độc giả thuộc lứa tuổi này đã diễn ra đặc biệt sôi nổi với sự chủ trì của nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn và Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, Nguyễn Minh Nhựt. Xoay quanh các vấn đề: Tuổi 20 viết gì, tuổi 20 hiện nay thích đọc sách gì, khát vọng của các cây viết trẻ..., tọa đàm “Văn học tuổi 20: Tuổi 20 nghĩ và viết” phần nào lý giải sự thiếu bứt phá của các cây bút trẻ nói riêng, nhiều cây bút viết cho người trẻ nói chung trong thời gian gần đây.

Trong khi một số tác giả đã có tên tuổi dù ít dù nhiều và khá nhiều độc giả loanh quanh chuyện viết, tìm đọc những cuốn sách nhẹ nhàng, dễ hiểu nhưng kèm thông điệp rõ ràng hay những cuốn sách khó đọc, kén người đọc và cần đọc đi đọc lại nhiều lần nếu muốn hiểu hết điều tác giả chuyển tải thì câu hỏi của nhà thơ trẻ Hồ Huy Sơn khiến không ít người giật mình rồi hưởng ứng bởi Sơn diễn đạt được những điều họ băn khoăn mà chưa biết hỏi ai, dẫu rằng vấn đề đặt ra không hề mới. Hồ Huy Sơn khẳng định, sự loanh quanh, luẩn quẩn của người viết, người đọc thể hiện ngay trong chính hành động đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi như tuổi 20 nghĩ gì, viết gì, người đọc tuổi 20 nghĩ gì, thích đọc gì.

Là người yêu sách, mê đọc sách và có tham gia sáng tác, Sơn thực sự băn khoăn bởi các nhà phê bình ở đâu khi mỗi cuốn sách ra đời mà cứ để tình trạng mạnh ai nấy nói và nói không cần cơ sở, chuyên môn, không cần biết có thuyết phục hay không thuyết phục.

Các bạn trẻ chiếm một phần lớn lượng khách mua sách tại hội sách.

Câu hỏi của Hồ Huy Sơn cũng là thắc mắc của không dưới 3 bạn trẻ tại buổi tọa đàm mà chúng tôi ghi nhận được. Một bạn trẻ cho biết, sách ra ngày một nhiều, cũng không hẳn phải cần đến các “kênh” thông tin chính thống. Có khi chỉ vài phút sau, tác phẩm có thể “nằm chình ình” trên một diễn đàn, một trang cá nhân nào đó để mọi người mặc sức “bình loạn”. Ngay các kênh thông tin chính thống, những bài phê bình khiến người đọc tâm phục khẩu phục thiếu vắng. Không có định hướng trong biển sách mênh mông, bạn trẻ mua sách vì sự tò mò, bị lôi kéo vào kiểu đọc phong trào lúc nào không hay là chuyện thường.

Người đọc thì như thế, còn người viết? Đa phần đều chia sẻ rằng viết, trước tiên là nhu cầu giải tỏa bức xúc của chính cá nhân người cầm bút. Nhưng viết gì cho tuổi 20? Cây bút trẻ Võ Diệu Thanh chia sẻ, mỗi người có một sở thích riêng, tùy theo quan niệm của từng người mà có  cách nhìn, cách phản ánh khác nhau trong tác phẩm của mình. Nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình thì khẳng định chắc nịch: Dù viết gì đi chăng nữa thì vẫn là viết về thân phận người...

Thực tế, nói như cách của nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn thì các ý kiến đều không sai nhưng ý kiến nào cũng có điểm cần bàn. Viết về thân phận con người nhưng cùng một thân phận, tùy theo người viết có quan điểm, góc nhìn khác nhau mà có cách phản ánh khác mà có những tác phẩm khác nhau, kéo theo sự tích cực hay không tích cực. Nguyễn Thanh Sơn cũng thừa nhận, đã có một thời gian chính bản thân anh còn lơ là với công việc của nhà phê bình – chuyên môn chính của anh. Thời gian gần đây, anh đã tích cực gắn bó nhiều hơn với công việc này nhưng Nguyễn Thanh Sơn chắc chắn một điều rằng ngay nhà phê bình cũng không thể định hướng, hướng dẫn các bạn trẻ đọc tác phẩm gì mà chỉ là chia sẻ và hy vọng có được nhiều người đồng cảm với những chia sẻ ấy. Tất nhiên, khi viết phê bình, người viết phải có lý lẽ thuyết phục người đọc, cách dẫn dắt hấp dẫn mới mong quan điểm của mình có sức ảnh hưởng đến bạn đọc. Nhà phê bình giỏi không phải là người chỉ có trình độ cao mà còn cần có cách viết hay. Nhà phê bình cũng giống như nhà văn, đều rất cần giỏi trong kỹ thuật viết, biết học hỏi và vận dụng những kỹ thuật viết mới, phù hợp hơn với bạn trẻ. Riêng với những người cầm bút nói chung, người viết cho tuổi 20 nói riêng, nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn thẳng thắn phê phán: Nếu vẫn chỉ loay hoay trong cái tôi hạn hẹp, nhiều khi là nông cạn thì không thể tạo ra sự bứt phá cho tác phẩm.

Các đại biểu dự buổi tọa đàm “Văn học tuổi 20: Tuổi 20 nghĩ và viết”.

Mỗi cá nhân có thể hiểu rất sâu sắc, rành rẽ mọi ngõ ngách trong thế giới riêng của cá nhân mình nhưng điều cần hơn nữa là sự rành rẽ, hiểu và cảm thông với thế giới của rất nhiều người xung quanh mình, của cộng đồng mình, tìm được sự hòa hợp với những tâm hồn ấy, thế giới ấy, “nói” ra được những điều suy nghĩ của nhiều thành viên trong cộng đồng ấy thì mới mong đứa con tinh thần của mình được nhiều người đón nhận. Kinh nghiệm cũng cho thấy, hầu hết các cây bút người Việt khẳng định được tên tuổi trên khu vực và thế giới đều giỏi kỹ thuật viết nhưng cũng rất am hiểu Việt Nam.

Nhiều cây bút người nước ngoài gốc Việt thành danh đều rất thành công trong việc sử dụng kỹ thuật mới để chuyển tải những giá trị riêng, bản sắc riêng của Việt Nam, dùng các phương tiện đã nắm bắt được từ bên ngoài để soi chiếu vào các giá trị Việt. Độ soi chiếu càng rộng, càng sâu sắc thì càng dễ thành công. Bởi lẽ, văn học nghệ thuật thế giới giống như bức tranh rực rỡ, được dệt nên từ vô vàn những sợi chỉ đặc trưng của các dân tộc.

Điều mà thế giới cần ngắm, cần biết chính là sợi chỉ của dân tộc mình đẹp, độc đáo như thế nào. Nếu không am hiểu sâu sắc về cộng đồng mình đang sống, không có kỹ thuật viết tốt, không mở lòng và có sự thấu hiểu, hòa hợp thế giới của riêng bản thân người viết với các cá nhân trong cộng đồng sẽ khó có tác phẩm thuyết phục được người đọc để tạo ra sự bứt phá cho văn học Việt nói chung, văn học tuổi 20 nói riêng

Hoa Nguyễn
.
.
.