Tào Mạt - người đàn ông kẻ Nủa

Thứ Hai, 03/11/2008, 17:11
Tôi nhớ, hôm ấy, đã lâu rồi, trong phút giải lao giữa cuộc trò chuyện với anh em văn nghệ Hà Sơn Bình, nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã cho chúng tôi biết cái thông tin sân khấu làm rúng động đời sống văn nghệ ở thành phố mang tên Bác lúc đó, đấy là hiện tượng vở chèo "Bài ca giữ nước" của nhà viết kịch Tào Mạt.

Ông đã mang chèo vào đất thánh của cải lương để biểu diễn và đã được các tín đồ của vọng cổ nhiệt liệt đón nhận. Cũng từ vở chèo này, sự nghiệp của Tào Mạt đã được khẳng định! Nhà viết chèo được bạn nghề trân trọng và quý phục. Tào Mạt đã mang lịch sử đối thoại với người đương thời qua nhãn quan của một nghệ sĩ nhân dân cách mạng.

Tôi là người cùng làng với nhà văn Tào Mạt. Làng tôi có tên chữ là Hữu Bằng, tên nôm là Nủa, kẻ Nủa, cụ thể hơn nữa là Nủa Chợ thuộc đất xứ Đoài cũ nay là Hà Nội. Với tôi, ông quen lắm, thân lắm ngay từ hồi tôi còn bé và tôi thường gọi ông với một tên gọi thân thuộc là anh Thục. Sợi dây tình cảm ấy có từ lúc quê hương còn tạm bị chiếm.

Lúc ấy anh Thục đang là cán bộ bí mật hoạt động ở làng. Mẹ tôi và một số người khác ở Nủa Chợ là gia đình cơ sở nuôi giấu các anh cán bộ Việt Minh về quê hoạt động. Mẹ tôi kể, có một đận giặc vây làng lúc ấy anh Thục đang trốn trong hầm bí mật dưới gậm đình Hàng Thịt.

Làng tôi có những hai đình. Ngoài đình chính dựng ở gần ao Sen ra, còn có ngôi đình nhỏ này nữa do những người mổ lợn chung tay dựng lên để thờ Tổ. Trong trận quây làng ấy, địch đã tìm ra căn hầm bí mật nơi anh Thục ẩn trốn. Rất may, chúng chỉ khui thấy hầm và bài thơ anh viết về chuyện mình bị rắn cắn mà không thấy người. Mẹ tôi bảo bọn giặc đọc bài thơ rắn cắn của anh chúng trầm trồ về khả năng văn chương của anh và nói ông này phải là người học rộng lắm.

Tôi sau này cũng từng được nghe một vài người làng nói là sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, anh Thục cũng từng khởi xướng ra tờ báo "Bố ổi" và có những bài thơ tình cảm về làng Nủa thân yêu của mình.

Nếu chuyện tờ báo kia (có thể là báo tường báo liếp?) là thật thì thêm phần khẳng định ngay từ những ngày mới chớm tuổi thanh niên ấy tính cách của Tào Mạt đã bộc lộ qua tên tờ báo là "Bố ổi". Với ổi, đây là loại quả ăn ngon khi đang còn ương ở quê tôi nhưng không dễ cắn. Dân gian thường bảo ương như ổi. Quả con đã vậy thì bố của quả còn ương và khó cắn đến nhường nào. Chuyện này tôi mới chỉ nghe và chưa được kiểm chứng.

Tôi đã chứng kiến một Tào Mạt nghệ sĩ là từ những ngày đầu sau hòa bình lập lại năm 1954. Tôi nhớ đã được theo mẹ ra cái quán ở chợ Nủa xem Việt Minh về tiếp quản làng. Anh cán bộ Việt Minh lần đầu tiên tôi nhìn thấy hôm ấy mặc bộ quần áo gụ, thắt lưng da, có khẩu súng lục đeo trễ bên trái. Trên thắt lưng da có gài mấy quả lựu đạn mắt na. Anh đứng trên thềm cao, tay phải cầm cờ, tay trái vung lên hạ xuống theo nhịp nói chuyện với dân làng.

Cùng thời điểm giải phóng ấy sau đó ít ngày, nhà tôi có người ở kháng chiến về, đến chơi. Người ấy là anh Thục, người cán bộ Việt Minh thứ hai mà tôi được gặp. Hôm ấy anh mặc quân phục, đầu đội mũ lưới có gài huy hiệu sao vàng. Anh đã trò chuyện với mẹ tôi những gì giờ tôi không còn nhớ nhưng lại nhớ như in cảnh anh múa trên nền đất nhà tôi. Anh vừa múa vừa hát như diễn viên văn công. Hình như anh múa điệu "Sinh tiền" rồi hát câu "Dân Liên Xô vui múa trên đồng hoa". Mẹ tôi bảo hình như anh đang là bộ đội ở văn công quân đội. Chữ "hình như" ấy sau này là đúng với anh khi ở đoàn văn công, anh viết kịch, viết chèo.

Đoàn chèo Cổ Phong của tỉnh Sơn Tây đã dàn dựng vở "Chị Tâm bến Cốc", "Câu chuyện bên đầm sen" của anh. Đoàn chèo Cổ Phong là đơn vị văn công chuyên nghiệp nổi tiếng xứ Đoài. Bây giờ vẫn còn trong tôi ấn tượng đẹp về người nữ diễn viên Diễm Lộc trong vai Súy Vân giả dại.

Tôi lớn lên xa làng đi dạy học ở tít mãi trên Lạng Sơn rồi vì yêu thích văn thơ mà chỉ sau khi làm thầy giáo được ba năm, tôi đã chuyển sang công tác ở Hội Văn nghệ của tỉnh. Lúc ấy là năm 1969.

Ngày ấy thỉnh thoảng về thăm mẹ, biết con mình yêu văn chương và đang tập viết, mẹ tôi thường bảo để lúc nào anh Thục về chơi mẹ sẽ bảo anh ấy giúp con. Đấy là nguyện vọng của mẹ tôi. Nhưng thực tế, tôi và anh Thục ít có thời gian gặp nhau. Mỗi lần gặp nhau thường là hỏi chuyện về làng và ít chuyện trò về văn chương.

Một lần ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội gặp anh, câu đầu tiên anh hỏi là bà có khỏe không, rồi nói tiếp thỉnh thoảng anh về làng có ra chợ chào bà. Chẳng là mẹ tôi suốt ngày ngồi ở chợ Nủa, cả chợ phiên chính lẫn chợ chiều, gắn liền với cái lều gianh chuyên bán cau, vỏ, trầu.

Bà Liên, con gái làng Nủa lấy chồng Hà Nội, một lần gặp tôi nói:

- Thỉnh thoảng cậu Thục đến chơi, tôi hỏi thích gì chị làm cho mà ăn. Cậu ấy bảo chỉ thích món bún riêu cua.

Riêu cua chan bún sợi là món ăn đồng áng của quê tôi đã có từ lâu lắm. Có cái lạ là những người quê tôi khi đi xa khó mà quên được cái món khoái khẩu giàu tình cảm này.

Tôi cũng vậy, xa quê hương cũng đã ngoài bốn chục năm nay rồi nhưng khi nhớ về quê ngoài những ấn tượng tình cảm ruột thịt là nhớ đến các món ăn quen thuộc của làng như thịt chó luộc của anh Vận, rau muống non của bà Xiêm, giò chả hàng ông Tám, bún riêu cua bà Chi.

Cho nên câu chuyện bà Liên kể cho tôi về Thục thèm ăn món quà quê ấy lại thêm một minh chứng gắn kết rất khó phai của những người xa quê về chất nguồn cội của mình.

Làng Nủa quê tôi giỏi chợ búa, khéo cửi canh và siêng năng việc đồng áng. Quê tôi từ xưa đã thịnh hành câu hát ví này:

Hỡi cô mà thắt bao xanh
Có về kẻ Nủa với anh thì về

Hình như câu hát ví này ở nhiều nơi cũng có. Biết vậy nhưng tôi vẫn nghĩ và cứ nghĩ câu hát ví ấy là của quê mình. Lứa các anh tôi, những người như anh Thục, có rất nhiều người giỏi đàn ca xướng họa. Các anh đã từng diễn chèo, diễn cải lương giành Huy chương vàng trong nhiều hội diễn. Văn nghệ Hữu Bằng cũng từng dựng những vở chèo của Tào Mạt. Quê Hữu Bằng được mọi người gọi vui là Hữu Lệch nhưng ngẫm ra lại tương đối toàn năng. Trội bật lên giữ cái nền văn hóa làng Nủa ấy có một số người trong đó có anh Nguyễn Đăng Thục - bút danh Tào Mạt.

Tào Mạt sinh năm 1930. Năm nay nếu còn ông đã chuẩn bị ra lão tám mươi theo lệ làng. Ông lớn lên đi kháng chiến rồi tiếp đó là xa làng mải miết với công việc nơi thiên hạ. Tuổi thơ của ông, nhà nghèo, không được ăn học chính thức nhiều. Sau hòa bình, ông ở miết trong quân đội. Ông viết kịch nói và chèo. Nổi bật trong các tác phẩm của ông là chèo mà đỉnh cao của nó là bộ ba "Bài ca giữ nước". Nổi bật của Bài ca giữ nước là nhân vật ông Hề Hoạn.

Với nhân vật hề do Tào Mạt sáng tạo ra này có cái gì đó của hề Mồi, hề Gậy, hề áo ngắn, hề áo dài lại có gì đó của rất riêng Tào Mạt. Một vai hề không chỉ góp vui mà có số phận. Lần đầu tiên nhân vật hề chèo của Tào Mạt vào vai chính của vở diễn. Tào Mạt đã tiếp thu tinh hoa của tổ tiên và sáng tạo ra vai hề mới của mình. Nhà viết chèo Tào Mạt đã góp vào danh mục hề trong các tiết mục sân khấu truyền thống của ông bà một vai hề mới do mình sinh ra.

Tào Mạt là người có năng khiếu văn nghệ bẩm sinh. Không gian văn hóa kẻ Nủa phải chăng là cái nôi đầu tiên nâng đỡ các bước tiến sau này của ông. Tôi nghĩ trong những làn điệu chèo ông Thục viết ra có giai điệu ví da diết của dân kẻ Nủa, có điệu sa mạc, cò lả của Xứ Đoài, có các làn điệu dân ca nơi quê vợ ông. Tào Mạt là người chính học ít nhưng tự học thì nhiều. Ông đã tự vượt lên trên hoàn cảnh, lên chính mình để trở thành người thâm hậu. Ngay cả tài làm thơ chữ Hán và viết chữ Hán của ông cũng do tự học mà ra. Được biết, về âm nhạc ông không giỏi "son phe" nên khi hướng dẫn diễn viên ông lấy thị phạm là chính. Thầy hát trò hát theo.

Tào Mạt lại là người có giọng chèo ngọt đậm, da diết theo thanh âm Xứ Đoài rất quyến rũ lòng người. Trong nhiều làn điệu chèo cổ của cha ông, Tào Mạt đã tiếp thu, nâng cao và sáng tạo. Có những làn điệu chèo hình như do Tào Mạt tạo ra và chỉ ông mới có. Ông quan niệm đạo diễn là người bày trò, sắp trò và diễn viên là người diễn trò.

Trong bộ ba chèo "Bài ca giữ nước" ông công phu rất nhiều cho vai cung nữ và vai Hề Hoạn. Nữ nghệ sĩ Ngọc Viễn đã được người xem nhớ nhiều về vai này trong cuộc đời diễn chèo của chị.

Người đàn ông kẻ Nủa lâu rồi đã về nằm giữa cánh đồng làng Nủa như nguyện ước của ông khi lâm bệnh hiểm nghèo. Văn nghệ Xứ Đoài sau việc đúc tượng nhà thơ Quang Dũng đã đúc tượng ông. Đây là hai người con ưu tú hiện đại của đất Xứ Đoài, nay đã trở thành danh nhân của cả nước. Hai ông đã mất nhưng thời gian như ngọc mài, càng về sau càng sáng.

Tào Mạt người đàn ông có cặp lông mày rậm và dựng lên với khuôn mặt đau đáu bao nỗi niềm trong thái độ sống ít chịu thỏa hiệp với những điều không phải, thật xứng là bậc trai tráng của đất kẻ Nủa quê tôi trước khi là người hùng của văn nghệ cả nước

Phan Quế
.
.
.