Tăng giá tác quyền âm nhạc: Quyền lựa chọn là của tác giả

Thứ Tư, 13/07/2011, 10:06
Hiệp hội Công nghiệp ghi âm (RIAV) và Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) hiện vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về việc VCPMC đột ngột tăng giá tác quyền âm nhạc đã khiến RIAV phản ứng gay gắt, dọa "đình công" ngưng mọi kế hoạch sản xuất mới. Cho dù RIAV có làm căng đến đâu, VCPMC vẫn quyết định giữ nguyên mức giá đã đưa ra.

Không tìm được tiếng nói chung

Mặc cho RIAV phản ứng, gửi đơn cầu cứu, nhưng VCPMC vẫn quyết định giữ nguyên mức giá đã quyết. Theo VCPMC, từ năm 1995 đến nay trải qua bao nhiêu biến động của tình hình kinh tế thị trường, giá cả lạm phát tăng cao mà VCPMC đến giờ mới tăng giá tác quyền âm nhạc là quá trễ. Và với mức tăng từ 500 ngàn đồng/bài lên 1 triệu đồng/bài hát như thế cũng là quá thấp so với giá tác quyền âm nhạc trên thế giới.

Từ lâu vấn đề bản quyền trong sản phẩm trí tuệ, hay sản phẩm âm nhạc ở Việt Nam ít được coi trọng và tác giả là người chịu nhiều thiệt thòi nhất khi phải sống chật vật bằng đồng nhuận bút "thỏa thuận" không theo một parem cố định nào cả và họ phải căng mắt, căng tai theo dõi "đứa con tinh thần" của mình đang được "đưa" tới đâu, nên khi có đơn vị đứng ra bảo hộ quyền tác giả, nhiều nhạc sỹ đã thật sự an tâm giao phó hoàn toàn "đứa con" của mình và chú tâm vào công việc sáng tác.

Việc VCPMC là đơn vị đầu tiên đứng ra bảo hộ quyền lợi cho tác giả là một điều rất đáng ghi nhận và được đa số nhạc sỹ tin tưởng giao phó những "đứa con tinh thần" của mình cho họ quản lý. Tất nhiên, để làm tốt trách nhiệm quản lý của mình thì đòi hỏi VCPMC phải đầu tư cả về mặt con người, máy móc hiện đại để "theo dõi" và làm thay đổi thói quen "xài chùa" của một số cá nhân, đơn vị.

Theo phản ánh của bà Trương Thị Thu Dung - Giám đốc Trung tâm Băng đĩa nhạc Rạng Đông thì, mức giá VCPMC đưa ra là hoàn toàn không hợp lý và đẩy các nhà sản xuất vào thế bị động. Bởi, trước tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay và thị trường băng đĩa nhạc còn phải "đối đầu" với nạn băng đĩa lậu tràn lan, VCPMC đột ngột tăng giá không qua thương lượng cho thấy họ chỉ nghĩ đến quyền lợi của tác giả mà không xem xét những khó khăn của các đơn vị sản xuất.

RIAV tổ chức họp báo để phản đối việc tăng tác quyền âm nhạc.

Một số nhà sản xuất đã đưa ra hàng loạt lý do để "kì kèo" giá cả với VCPMC. Họ cho rằng, để có được một sản phẩm âm nhạc (bản ghi âm, ghi hình) đến với công chúng, các đơn vị sản xuất đã phải đầu tư nhiều thời gian, kinh phí với nhiều khoản chi như tiền tác quyền, biên tập, hòa âm phối khí, thù lao ca sĩ…, còn phía VCPMC không chỉ nhận tiền thù lao nhuận bút việc khai thác kinh doanh băng đĩa từ bản ghi âm trên các đơn vị sản xuất mà VCPMC còn nhận thêm các khoản nhuận bút thù lao trong các lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, karaoke… Hơn nữa, các nhạc sĩ nghiễm nhiên mất từ 25-30% chưa tính thuế VAT cho VCPMC. Đây là cách tính thiếu công bằng đối với các nhà sản xuất...

Ý kiến nhạc sĩ

Và để "đối đầu" với VCPMC, nhiều hãng băng đĩa đã chọn giải pháp tự liên hệ, thương thuyết trực tiếp với các nhạc sĩ ủy quyền mà không phải thông qua VCPMC. Tuy nhiên đã là thương thuyết thì giá cả không ổn định và họ chi trả theo kiểu "nhìn mặt đặt tên". Nhạc sỹ Nguyễn Ngọc Thiện nhận định: "Việc nhạc sỹ chọn đối tác nào để giao phó "đứa con tinh thần" là quyền lựa chọn của họ".

Nhạc sỹ trẻ Nguyễn Văn Chung - tác giả của những bài nhạc "hot" đang thịnh hành trong giới trẻ hiện nay, là một trong số 10 nhạc sỹ được VCPMC thu và chi trả tiền tác quyền gần 200 triệu đồng trong năm qua… đã bộc bạch: "Thà mất phí 25% cho VCPMC còn hơn không thu lại được đồng nào từ tiền tác phẩm của mình. VCPMC dù sao cũng là trung tâm của Hội Âm nhạc Việt Nam, họ có đủ tư cách pháp nhân và lợi thế để bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho nhạc sỹ. Có những nhạc sỹ chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt mà không nghĩ đến cái lợi lâu dài”.

Nếu không có VCPMC thì còn lâu và vĩnh viễn nhạc sĩ không có cơ hội lấy lại "công bằng" cho tác phẩm của mình. Nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung cho biết thêm: "Giá cả tác quyền không quan trọng bằng việc bị mang tiếng xấu. Bản thân nhạc sỹ không có điều kiện và thời gian để đứng ra bảo vệ cho mình nên việc chọn một đối tác đáng tin cậy là điều cần thiết nhất. Và đó là quyền lựa của chính nhạc sỹ".

Nói theo nhạc sỹ nữ Hà Mai Tân thì: "Trong xã hội cần có sự chia sẻ. Một người nhạc sỹ nếu chỉ sống bằng đồng tiền nhuận bút từ tác phẩm thì rất chật vật. Vì vậy nếu tác phẩm của họ được tái sử dụng rộng rãi là điều hạnh phúc và giúp họ trang trải phần nào cuộc sống để tiếp tục sáng tác. Và hạnh phúc nhất là họ được trả tiền bản quyền tác phẩm một cách sòng phẳng và kịp thời. Chúng tôi không muốn tác phẩm của mình bị trả giá kì kèo, thêm bớt mà hãy xem đó là sự tôn trọng tác phẩm"

Xuân Dung
.
.
.