Tại tác giả hay tại người đọc?

Chủ Nhật, 29/03/2009, 19:52
Thi thoảng chúng ta lại bắt gặp trên sách báo những câu thơ có cách dùng chữ dễ khiến độc giả liên tưởng đến những chuyện... dung tục.

Điều đáng nói là: Khi nhận được lời góp ý, đã có tác giả - thay vì nhìn thẳng vào vấn đề - lại tìm mọi cách biện hộ, rằng cách hiểu như vậy là "không trong sáng", là "bệnh hoạn"(?!).

Trong khi, nhìn lại quá khứ, ta sẽ thấy có những nhà thơ, mặc dù cũng thuộc những người thành danh, sau khi nhận được phản hồi của dư luận, đã nghiêm túc chỉnh sửa lại câu thơ "hớ hênh" của mình, bất kể sự chỉnh sửa ấy có thể gây phương hại tới tiết tấu vần điệu.

Điều ấy chứng tỏ họ rất tôn trọng độc giả và ý thức được tính nghiêm trọng của vấn đề. Trong ý thức của họ, việc vô tình cho "xuất xưởng" những câu thơ bị xem là dung tục ấy hoàn toàn là trách nhiệm của tác giả, không phải là lỗi "bới móc" của độc giả...

Trước khi đưa ra những dẫn chứng minh họa cho điều này, xin nói thêm rằng: Việc cho ra đời những câu thơ "hớ hênh" như vậy có thể xảy đến với bất cứ ai. Vấn đề là thái độ của họ khi được góp ý ra sao.

Nhà thơ Võ Văn Trực từng kể với tôi: Hồi còn công tác tại NXB Thanh Niên, một lần ông nhận được bài thơ của cụ Trinh Đường gửi tham gia tập thơ tuyển (nhiều tác giả) có tên gọi "Tình yêu và đồng đội". Câu kết bài thơ của Trinh Đường là: "Tình yêu ta, em nhỉ cũng lên nòng". Nhận thấy câu thơ thô quá, Võ Văn Trực loại bài thơ ra khỏi tập tuyển.

Khoảng hơn chục năm sau, nhân một lần ngồi kể chuyện vui với nhau, Võ Văn Trực đem câu thơ ra đọc to cho mọi người nghe. Ai nấy đều cười ầm lên. Cả Trinh Đường cũng cười. Võ Văn Trực thấy vậy, nhắc ông: "Chính bài thơ ấy, anh gửi đến nhưng tôi không in". Nhà thơ Trinh Đường nghe vậy trố mắt: "Thơ của tôi à? Thơ của tôi mà thô thế à?".

Những ai từng đọc tập phê bình, tiểu luận "Công việc làm thơ" (NXB Văn học, 1984) của nhà thơ Xuân Diệu hẳn đều thấy rằng: Người từng được suy tôn là "Ông hoàng của thơ tình" đã tỏ ra hết sức nghiêm khắc trước những câu thơ mà ông cho là thái quá trong bày tỏ cảm xúc, là vụng về, thiếu ý tứ trong diễn đạt tình cảm.

Hai câu thơ của một nhà thơ trẻ: Ta yêu lắm cửa sông mình thắm đỏ/ suốt bốn mùa phù sa bị ông phê là "Người viết thơ đã quá vô ý tứ", rằng "Ai đã là người Việt Nam, hiểu ngôn ngữ Việt Nam, tất cũng biết hai chữ "cửa mình" nghĩa là gì; khi hai chữ "cửa mình" ở trong cùng một câu với hai chữ "thắm đỏ" thì lại càng phải chú ý, phải vô hạn ý tứ, không được phép vô ý tứ! Ấy thế mà người làm thơ nói về dòng sông, lại hạ một câu Ta yêu lắm cửa sông mình thắm đỏ thì anh ấy hoặc là không biết viết văn, hoặc là định trêu người đọc".

Phải nói, những ý kiến của nhà thơ Xuân Diệu là rất xác đáng. Và thực tế, sau này, cũng không ai thấy hai câu thơ trên được xuất hiện lại với "hình hài" như trên nữa. Tuy nhiên, nói như các cụ nhà ta "dao sắc không gọt được chuôi". Phê thì phê vậy, song chính bản thân nhà thơ Xuân Diệu sau này (trong bài thơ "Bão giải phóng ở miền Nam") cũng đã đặt bút viết: "Ta còn phải đi đến Quy Nhơn, cửa biển tức mình hãy còn đập sóng".

Nhà phê bình văn học Hồng Diệu, nhân khi bàn về câu thơ này cũng có ý so sánh với 2 câu thơ mà Xuân Diệu từng phê, và cho biết anh rất lấy làm lạ "khi thấy một nhà thơ tinh tế và rất có ý thức trong việc chọn chữ, đặt câu như Xuân Diệu mà có chỗ sơ ý, rất sơ ý" (bài viết đã được in báo năm 1978).

Không rõ quan điểm của nhà thơ Xuân Diệu thế nào trước những lời nhận xét trên, chỉ biết rằng, trong "Tuyển tập Xuân Diệu" (NXB Văn học, 1984), không thấy tác giả và các nhà biên tập chọn bài thơ này. Cũng không thấy nó được nhắc tới một lần nào trong các bài viết cũng như trong các buổi nói chuyện thơ của Xuân Diệu sau này.

Đấy là một số câu chuyện từng xảy đến với những nhà thơ đã quá cố. Còn đây là một đôi ví dụ liên quan đến tác phẩm của các nhà thơ còn hiện diện với chúng ta ngày hôm nay.

Đó là trường hợp câu thơ của nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến. Chẳng là mùa hè năm 1990, trong chuyến đi thực tế ở Quảng Ninh, nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến đã sáng tác bài thơ "Trinh nữ". Tôi còn nhớ, hôm đó, sau khi nữ nhà thơ mắt hấp háy, miệng ngân nga hai câu mở bài trước một đơn vị hải quân: Đến hòn Trinh Nữ chẳng còn trinh/ Vách đá xuyên ngang đến giật mình thì mọi người nhất loạt ồ lên.

Đoàn Thị Lam Luyến thoáng một chút bối rối, không hiểu chuyện gì. Nhưng rồi chị cũng trấn tĩnh. Anh em hải quân hôm ấy cũng tế nhị không nói ra điều họ thấy gờn gợn về hai câu trên, song rõ ràng từ góc độ nghề nghiệp mà nói, chữ "chẳng còn trinh" đưa vào đây thật không ổn (dù tôi biết tác giả dùng nó không phải với nghĩa thông dụng), nhất là khi nó lại đi với mấy chữ "xuyên ngang", "giật mình", cụm từ liên hoàn này dễ làm người ta liên hệ tới điều dung tục.

Có lẽ sau này, Đoàn Thị Lam Luyến cũng đã nhận ra điều đó nên khi đưa bài thơ vào tuyển tập "Thơ Việt Nam 1945 - 2000" (NXB Hội Nhà văn, 2000), câu thơ đầu đã được chị chỉnh sửa thành: Đến hòn Trinh Nữ chẳng còn xa. Tuy về vần điệu, ý tứ, đi với câu thơ tiếp theo nó thật "ông chẳng, bà chuộc", song dù sao đó cũng là một cách để giải thoát câu thơ khỏi sự dung tục.

Cách đây hơn chục năm, từ TP Hồ Chí Minh, nhà thơ Trương Nam Hương gửi ra cho một người bạn thơ ở Hà Nội bài thơ "Khúc ru bè bạn" để đăng báo tết. Khổ thứ hai của bài thơ này mở đầu như sau: Cầm buồn dạo khúc rong chơi/ Đâu hay bạc một kiếp người - tháng năm. Vẫn biết tác giả dùng chữ "cầm" ở đây cũng tương tự nhà thơ Xuân Diệu viết "Tôi cầm mùi dạ lan hương", nhưng vì nó đi với chữ "buồn", nên về âm vận dễ khiến người nghe giật mình.

Lại nhớ có trường hợp một tác giả viết câu thơ "Con đi đâu, buồn đau" khi đưa đăng báo đã bị in sai một cách tai hại: chữ "n" ở chữ "buồn" biến thành chữ "i". Cho nên, cẩn tắc vô áy náy, người bạn đánh tiếng Trương Nam Hương nên sửa lại hai chữ này, kẻo in nhầm... thì buồn.

Nghe lời, Trương Nam Hương đã rút lại để sửa. Và sau này, khi đưa vào tập "Viết tặng những mùa xưa", câu thơ ấy được anh sửa lại thành "Bạn bè dạo khúc rong chơi". Thôi thì cứ tạm thế vậy.

Một lần khác, có nhà thơ ở phía Nam gửi cho người viết bài này bài thơ "Thị Nở còn ru", trong đó có hai câu: Bảo cho tàu chuối biết rằng/ Giãy lên đành đạch mà căng rách mình. Bài thơ khá hay, nhưng hai câu ấy quả thật không được... thanh thoát cho lắm. Gì chứ, đã "giãy đành đạch" mà "căng rách mình" nghe nó thế nào ấy. Thế nên anh em biên tập mới gọi điện trao đổi với tác giả.

Từ đầu dây bên kia, tác giả bài thơ thoáng một chút suy nghĩ, rồi cười xòa, đề nghị sửa lại cho anh mấy chữ "căng rách mình" thành "thăng hoa mình". Tất nhiên, mấy chữ thay vào cũng chưa phải đặc sắc gì, song dẫu sao nghe nó cũng không "nặng nề" như mấy chữ tác giả dùng ban đầu.

Không ít tác giả đã tâm sự với tôi rằng, khi làm thơ, họ rất ngại dùng vần "ồn", bởi trong một bối cảnh nào đó, nó có thể làm gợn lên trong câu thơ một cái gì đó dung tục, và như thế thì quả là "lợi bất cập hại". Điều này làm tôi nhớ tới trường hợp xảy đến với người bạn thân của tôi - nhà thơ Mai Văn Phấn.

Chẳng là, trong bài thơ "Nghe tin em sinh con", Mai Văn Phấn đã phóng bút viết: Mặt đất vừa qua phút lâm bồn/ Anh về hụt bước trước hoàng hôn/ Chân trời phía ấy vừa se lại/ Tựa những đường khâu ở đáy hồn. Bài thơ thể hiện tình cảm của tác giả trước một sự kiện lớn lao của đời mình, của gia đình mình. Song câu thơ cuối đã "gợn" lên một điều gì đó không được đúng ý tác giả. Gì chứ "Nghe tin em sinh con" mà chữ nghĩa rặt những "vừa se lại", rồi thì "tựa những đường khâu ở đáy hồn" thì...

Chắc chắn, qua ý kiến phản hồi của bè bạn, Mai Văn Phấn đã nhận thấy sự bất ổn của mấy chữ này. Vừa rồi, mở trang web của Phấn, tôi thấy câu thơ cuối đã được anh chữa lại là: "Chiều rỗng mặc kim chỉ gió luồn".

Kể lại những chuyện trên, mục đích của người viết bài này không gì ngoài khẳng định một điều: Trong khi có những nhà thơ ra sức chỉnh sửa những câu chữ gợn gợn trong thơ mình, cốt sao để câu thơ được nhã hơn, không dẫn tới những liên tưởng dung tục, thì lại có những người nhảy ra to tiếng bảo vệ cho nó, không hay rằng, với những cách dùng chữ thô vụng như thế, thì càng phân tích, giảng giải, càng gây phản cảm với người đọc

.
.
.