“Tai biến” của Nhà hát Kịch Việt Nam: Một vở kịch lý thú về đấu tranh với “lợi ích nhóm”

Thứ Sáu, 14/06/2013, 12:59
Ra mắt vào tối 12/6, “Tai biến” (kịch bản: Xuân Đức, đạo diễn: NSƯT Anh Tú, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam) đã trở thành tác phẩm sân khấu đầu tiên khai thác vấn đề nóng bỏng là cuộc đấu tranh với “lợi ích nhóm”. Phản ánh chân hiện thực cuộc sống, nhưng điều đọng lại của vở diễn chính là sự nhân văn sâu sắc ẩn sâu phía sau cuộc đấu tranh với tiêu cực xã hội.

“Tai biến” đề cập đến vấn đề khá gai góc và khốc liệt của xã hội hiện đại, là nạn tham nhũng, tha hóa đạo đức và lối sống của một bộ phận quan chức cao cấp trong bộ máy nhà nước, như tác giả kịch bản chia sẻ. Đó là câu chuyện về 3 người bạn chí cốt từng vào sinh ra tử trong kháng chiến, cùng được đi du học để trở về dựng xây đất nước, cùng thề thốt “ba người sẽ vì một người và một người sẽ vì ba người”, Trần Tiến trở thành vị tướng Công an, phụ trách công tác điều tra chống tội phạm; Vũ Lân giữ cương vị Thứ trưởng một bộ, còn Hoàng Đạo là Tổng Giám đốc một Tổng Công ty lớn của Nhà nước.

Số phận đặt họ vào một cuộc đối đầu khi sự tha hóa lên ngôi. Trước cám dỗ của tiền tài, quyền lực, lợi ích phe nhóm, cuộc sống của họ quay cuồng trong muôn vàn mưu mô, toan tính, thậm chí, ám hại nhau, khiến tình cảm bị chôn vùi. Hoàng Đạo trở thành “sân sau” của Vũ Lân, cùng với Hàn Nguyệt trực tiếp thực hiện những dự án nhập thiết bị máy móc hàng triệu USD mà chỉ một năm sau đã thành phế thải và những dự án xây dựng khu đô thị vài trăm hec-ta đất, mà họ thu hồi của dân với giá rẻ mạt, rồi chia lô, bán theo giá đất biệt thự, thu lợi hàng trăm tỷ đồng. Trong “cuộc chơi” đó, Vũ Lân cũng chỉ “sân sau” của một anh Hai Chính có quyền lực “siêu phàm” nào đó không bao giờ thấy xuất hiện, mà chỉ đạo ngầm qua điện thoại.

Cảnh trong vở “Tai biến”.

Phụ trách đơn vị điều tra, vị tướng Công an Trần Tiến biết rõ những mánh lới tham nhũng của nhóm lợi ích, nên hết lời khuyên can các bạn nhưng không được. Ông vẫn phải thực hiện nhiệm vụ chống tội phạm tham nhũng. Con trai ông, nhà báo Trần Lâm, cũng được phân công viết bài điều tra về dự án khu đô thị trên. Hơn ai hết, Trần Tiến hiểu rằng, đó là công việc vô cùng nguy hiểm, nên kiên quyết phản đối, nhưng không cản được quyết tâm của Trần Lâm. Khi bài báo ra đời, nhóm lợi ích biết đã “động rừng”, nhất là khi Trần Lâm bị bắt, nên tiến hành hàng loạt hành động đối phó với cơ quan điều tra. Cùng với chỉ đạo tiêu hủy cả đống chứng từ, “anh Hai Chính” còn ra lệnh đàn em “diệt khẩu” Hoàng Đạo bằng loại thuốc “đột quị”. Cô con gái một bạn cũ của nhóm bạn 3 người làm kế toán cho Hoàng Đạo, cũng bị đẩy xuống sông, nhưng may mắn thoát chết. Quá căng thẳng, Trần Tiến cũng mất vì tai biến.

Đây là vở diễn đầu tiên phản ánh vấn đề một nhóm người lợi dụng việc thu hồi đất phục vụ xây dựng khu đô thị để thao túng, bất chấp cuộc sống của người dân. Các nhân vật đều ở cấp cao để có thể tham nhũng những khoản tiền khổng lồ, cũng như đủ quyền lực chi phối tình thế khi bị cơ quan điều tra “sờ gáy”. Chính vì thế, cuộc đấu tranh càng đầy cam go, thách thức.

Những trăn trở của vị tướng trước các đối tượng là những người bạn thân thiết, giúp khán giả hiểu thêm về khó khăn của cuộc đấu tranh chống tội phạm của lực lượng Công an, cho dù, đạo diễn không hề để cho xuất hiện sắc phục cảnh sát, dù chỉ một lần. Sự hy sinh của lực lượng Công an còn được thể hiện qua nhân vật Lưu, con trai một chiến sĩ ngoại tuyến, phải khoác “chiếc áo” kẻ tha hóa và bị đuổi khỏi ngành, để thâm nhập vào hang ổ của tội phạm.

Với kinh nghiệm của một diễn viên tài năng, một đạo diễn đã thành công trong một số vở kịch, NSƯT Anh Tú đã tạo đất diễn cho các diễn viên thỏa sức sáng tạo trong thể hiện nhân vật. Với những diễn biến tâm lý đa dạng, nghệ sĩ Vĩnh Xương đã tạo được dấu ấn ở vai Hoàng Đạo. Lối diễn xuất có chiều sâu, nhẹ nhàng của NSND Lan Hương trong vai người vợ không con cái, chịu đủ mọi đắng cay từ người chồng giàu sang, quyền lực Hoàng Đạo, tiếp tục khẳng định tên tuổi của chị. Thúy Phương cũng lột tả thành công bà chủ doanh nghiệp tư nhân Hàn Nguyệt nanh nọc, sắc sảo trong cuộc bắt tay làm ăn với các doanh nghiệp Nhà nước, trong sự hỗ trợ của “sân trước” Vũ Lân, Hai Chính…

Đạo diễn Anh Tú đã làm nên danh tiếng từ vở “Loa thành” và lần này, tiếp tục thành công với “Tai biến” có nhiều nét mới và hiện đại. Anh không khai thác quá sâu vụ việc, để tránh “truyền hình hóa sân khấu”, mà đi sâu vào diễn biến tâm lý con người, để làm rõ số phận họ. NSƯT Anh Tú cũng rất sáng tạo khi sử dụng hình ảnh những cây cột xuyên suốt nhiều cảnh, khi màu trắng, lúc chuyển sang đen, mang đến cho khán giả sự liên tưởng về những cột “chống lưng” phía sau các “nhóm lợi ích”, mà vai trò của nó cũng tùy thuộc vào sự phát triển của cái thiện, hay cái ác.

Anh Tú còn sử dụng đậm đặc các màu đối lập trong cảnh trí: đỏ-đen-trắng để biểu tượng về 3 nhân vật chính, đồng thời, gợi cho khán giả sự biến đổi khó lường của nhân cách con người trước trước quyền lực và tiền bạc. Thiết kế sân khấu đơn giản, nhưng ấn tượng, góp phần cuốn hút người xem theo từng lớp diễn.

Trả lời câu hỏi vì sao Nhà hát Kịch Việt Nam mạnh dạn chọn đề tài khá nhạy cảm để dàn dựng, NSƯT Anh Tú chia sẻ: Là đơn vị hàng đầu về kịch nói, Nhà hát Kịch Việt Nam cũng phải xông vào hiện thực để đối thoại với cuộc sống, với khán giả. Không chỉ đề cập đến vấn đề hôm nay là cuộc đấu tranh cam go với lợi ích nhóm, vở diễn còn gửi gắm đến người xem: Cuộc sống luôn có những bất trắc có thể ập đến bất cứ lúc nào, cả về kinh tế - chính trị - xã hội, lẫn các mối quan hệ gia đình, bạn bè; bệnh tật và cái chết cũng không chừa một ai, vì thế, cần sống sao cho trọn tình, vẹn nghĩa với nhau từng ngày. Đó chính là ý nghĩa nhân văn của “Tai biến”

Thanh Hằng
.
.
.