Tác giả phải chịu trách nhiệm chính trong vụ "Một GS.TSKH quên tên đồng tác giả"

Thứ Sáu, 04/06/2010, 10:55
Báo CAND đã đăng tải câu chuyện trên. Ngày 3/6, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với TS. Phạm Văn Diễn, Giám đốc NXB Khoa học Kỹ thuật (KHKT), nơi đã in cuốn Lò hơi năm 2006 của GS.TSKH Nguyễn Sĩ Mão.

>>Vô tình, hay cố ý

TS Phạm Văn Diễn mở lòng: "Tôi rất buồn vì chuyện này. Trong cách ứng xử, thầy Mão có sơ suất, giá mà thầy đưa cuốn sách Thiết bị lò hơi xuất bản năm 1974 do hai người đồng tác giả vào tài liệu tham khảo, giá mà thầy Mão trao đổi lại với PGS.TS Trương Duy Nghĩa và ghi tên thầy Nghĩa là đồng tác giả thì hay biết mấy".

PV: Ông biết sự việc này lâu chưa?

TS Phạm Văn Diễn: Tôi biết việc này nhiều năm trước đây rồi nhưng không chính thức. Tôi có xem bức thư ngỏ PGS.TS Trương Duy Nghĩa gửi anh Mão nhưng tôi không thẩm định, vì bức thư ngỏ đó anh Nghĩa không gửi cho NXB. Tôi cũng không nhận được ý kiến chính thức của anh Nghĩa. Thời điểm cuốn sách của anh Mão in năm 2006, tôi chưa về công tác tại NXB KHKT. Tôi quan niệm các thầy là những người biên soạn giáo trình chứ không phải là tác giả bản quyền của những cuốn giáo trình ấy.

PV: Vậy theo ông, cuốn Lò hơi do GS.TSKH Nguyễn Sĩ Mão đứng tên cũng chỉ là được "biên soạn" lại?

TS Phạm Văn Diễn: Đúng rồi! Trong tài liệu tham khảo, tôi được biết tác giả biên soạn đã tham khảo nhiều giáo trình. Tôi vẫn cho rằng đó là cuốn sách được "biên soạn" lại, chứ không phải viết,  vì viết là viết cái của mình, còn biên soạn là tập hợp tài liệu theo cái đề cương của môn học ấy. Nếu gọi là "tác giả của giáo trình" thì còn phải bàn luận nhiều.

PV: Ở đây chúng ta không tranh luận giữa khái niệm "tác giả giáo trình" và "biên soạn giáo trình". Khi xuất bản cuốn Lò hơi năm 2006 do GS.TSKH Nguyễn Sĩ Mão đứng tên thì NXB KHKT có đối chiếu, thẩm định, rà soát với những tài liệu về lò hơi có trước đó không?

TS Phạm Văn Diễn: Chúng tôi làm sách không theo quy định phải xem cuốn sách đó có ai viết hay không, nhưng chúng tôi có hội đồng thẩm định xem nội dung viết trong đó có đúng không. Còn tác giả phải tự đảm bảo mình có vi phạm bản quyền hay không.

PV: Giả sử có một giả thiết, NXB KHKT mới nhận được bản thảo cuốn Lò hơi do GS.TSKH Nguyễn Sĩ Mão gửi tới, sau đó NXB biết được "phản ứng" của PGS Trương Duy Nghĩa, thì lúc đó các ông sẽ ứng xử như thế nào?

Ông Phạm Văn Diễn: Nếu có tình huống đó, lập tức chúng tôi sẽ trả lại bản thảo ngay và yêu cầu tác giả phải chứng minh được rằng, cuốn này là do chính anh biên soạn.

PV: Trong thư gửi đến Báo CAND, PGS.TS Trương Duy Nghĩa đã khẳng định cuốn Lò hơi xuất bản năm 2006 do GS.TSKH Nguyễn Sĩ Mão đứng tên có đến hơn 80% nội dung giống cuốn Thiết bị lò hơi xuất bản năm 1974, do hai người là đồng tác giả. Vậy có thể khẳng định đây là "đạo bản quyền" được không?

TS Phạm Văn Diễn: Anh Nghĩa không gửi thư cho NXB nên chúng tôi không kiểm tra xem cuốn sách đó giống bao nhiêu %. Nếu anh Nghĩa có ý kiến cho là anh Mão "vi phạm bản quyền", thì chuyện sẽ được xem xét dưới góc độ khác.

PV: Góc độ gì, thưa ông?

TS Phạm Văn Diễn: Trước tiên phải xem "bản quyền cuốn sách" đó có phải là của anh Nghĩa không.

Khi có thông tin chính thức, chúng tôi sẽ có trách nhiệm mời các tác giả đến để trao đổi rõ ràng.

PV: GS.TSKH Nguyễn Sĩ Mão đã nhận mình sơ suất không ghi tên PGS.TS Trương Duy Nghĩa và mong muốn, nếu tái bản cuốn sách sẽ ghi tên thầy Nghĩa vào. Phương án này có khả thi không?

TS Phạm Văn Diễn: Chuyện tái bản hay không tôi hoàn toàn có quyền quyết định. Nhưng với cuốn giáo trình như thế này, có thể chúng tôi sẽ không tái bản, tôi sẽ đặt hàng các thầy giáo khác hiện đang dạy ở ĐH Bách khoa Hà Nội biên soạn một cuốn lò hơi mới, có cập nhật những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới.

PV: Trong câu chuyện này, NXB có liên đới trách nhiệm gì không?

TS Phạm Văn Diễn: Xét theo Luật Xuất bản, chúng tôi không liên đới trách nhiệm. Chỉ khi nào có đơn kiến nghị vi phạm bản quyền và đơn đó được Hội bảo vệ bản quyền có ý kiến đưa ra toà án có xét xử thì lúc đó NXB sẽ chịu trách nhiệm cùng với tác giả về bản quyền. Từ bản quyền chỉ đúng khi nó là sản phẩm trí tuệ đích thực của chính tác giả.

PV: Theo ông, sự việc này cần được ứng xử như thế nào để "vẹn cả đôi đường"?

Ông Phạm Văn Diễn: Thực ra việc này, hai thầy nên có sự trao đổi chân thành với nhau, hai người đã sống với nhau từ thời chia nhau củ sắn, khi viết cuốn sách in năm 1974 họ cũng không tính toán gì. Tôi cũng chia sẻ với cả hai thầy. Đương nhiên trong cách ứng xử, anh Mão có sơ suất, không cẩn trọng khi không đưa cuốn sách cũ vào tài liệu tham khảo, khi biên soạn lại cuốn sách phải có sự đồng thuận của thầy Nghĩa...

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Thu Phương (thực hiện)
.
.
.