Suốt đời cống hiến cho phim hoạt hình Việt Nam

Thứ Sáu, 27/10/2006, 08:32

Hơn ba mươi năm làm phim và gần mười lăm năm làm Giám đốc Hãng phim Hoạt hình, đạo diễn, NSƯT Hồ Quảng đã đóng góp nhiều công sức cho việc hình thành và phát triển phim hoạt hình, đưa loại phim này thành một thể loại phim độc lập, vững vàng trong điện ảnh Việt Nam.

Trước khi đến với điện ảnh, họa sĩ Hồ Quảng đã có nhiều năm gắn bó với hội họa: là học trò của họa sĩ nổi tiếng Nguyễn Đỗ Cung, là họa sĩ sáng tác rồi là thầy dìu dắt nhiều lớp học trò của Trường Mỹ nghệ - tiền thân của Trường Mỹ thuật công nghiệp Việt Nam sau này.

Vào một buổi sáng mùa thu 1959, Hồ Quảng đến thăm người bạn đồng hương quê Khánh Hòa - họa sĩ Trương Qua và họa sĩ Lê Minh Hiền ở 72 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Lê Minh Hiền và Trương Qua là hai họa sĩ đầu tiên của Việt Nam được cử ra nước ngoài đào tạo về phim hoạt hình.

Cuộc kỳ ngộ ấy đã đưa họa sĩ Hồ Quảng đến với phim hoạt hình. Cho đến bây giờ mỗi khi nhắc đến kỷ niệm ban đầu đến với điện ảnh hoạt hình, Hồ Quảng vẫn còn nhớ nguyên câu nói của Lê Minh Hiền từ thuở ấy:

- Cậu đang đào tạo một lớp vẽ. Thế thì hay lắm. Đưa tất cả về đây. Ta đào tạo họ làm phim hoạt hình!

Hồ Quảng đã về với Trương Qua và Lê Minh Hiền, thành lập “Tổ làm phim hoạt họa”. Và ba họa sĩ trẻ ấy được coi là những người khai sinh ra thể loại phim hoạt hình cho điện ảnh Việt Nam. Lớp học sinh năm ấy của họa sĩ Hồ Quảng đã trở thành lực lượng nòng cốt đầu tiên của xưởng phim hoạt hình Việt Nam sau này.

Cũng từ cái “duyên kỳ ngộ” ấy mà họa sĩ Hồ Quảng đã nối được đường dây sáng tạo từ họa sang phim, biến những sắc màu, hình khối vốn tĩnh lặng trong tranh thành những hình ảnh động có tính cách, có cuộc đời, tung hoành trên màn ảnh. Xưa nay người ta mới nói đến mối quan hệ giữa họa và thơ thì nay  Hồ Quảng đã tạo được mối quan hệ đằm thắm giữa phim và họa.

Phim hoạt hình là loại phim kiêu sa, tỉa tót, cầu kỳ hơn bất cứ loại phim nào trong điện ảnh. Để làm được phim hoạt hình, không chỉ cần tài năng mà còn cần cả những vật liệu đặc chủng, những phương tiện máy móc chuyên dùng. Vậy mà trong giai đoạn sơ khai ấy, mọi phương tiện máy móc, đồ nghề phần lớn phải làm thủ công, vật liệu phải tự tìm kiếm, tự chế tạo… Nhưng bộ ba Hồ Quảng, Trương Qua, Lê Minh Hiền và cộng sự của họ vẫn hoàn thành xuất sắc bộ phim hoạt hình đầu tiên của điện ảnh Việt Nam: “Đáng đời thằng cáo”. Bộ phim đã được tặng giải Bông sen Vàng trong LHP Việt Nam lần thứ haim năm 1973. Hồ Quảng và Trương Qua được tặng giải đồng hạng: Họa sĩ xuất sắc nhất.

Hơn ba mươi năm làm phim và gần mười lăm năm làm Giám đốc Hãng phim Hoạt hình, đạo diễn, NSƯT Hồ Quảng đã đóng góp nhiều công sức cho việc hình thành và phát triển phim hoạt hình, đưa loại phim này thành một thể loại phim độc lập, vững vàng trong điện ảnh Việt Nam. Ông không chỉ là nhà quản lý nghệ thuật mà còn có “con mắt tinh đời”, biết phát hiện những lóe sáng tài năng liên tiếp, biết nuôi dưỡng và sử dụng nhân tài đúng người, đúng việc.

Với tư cách là người bạn, người thầy, người đồng nghiệp, Hồ Quảng đã đào tạo “tại chỗ” một thế hệ đạo diễn trẻ vừa có thực tế làm phim, vừa có học vấn như: Minh Trí, Nhân Lập, Hà Bắc, Trọng Bình, Lâm Chiến, Phan Trung, Dương Phấn… Nhiều người trong số họ đã nhận được nhiều giải vàng, giải bạc trong các LHP Việt Nam và Hội Điện ảnh Việt Nam. Và chính ông – họa sĩ Hồ Quảng cũng tự vượt lên chính mình một bước khá dài trở thành đạo diễn phim, thành tác giả của hàng chục kịch bản. Kịch bản nhiều tập “Cún con làm nhiệm vụ” của ông và một số kịch bản nhiều tập khác đưa vào làm phim, đã mở ra bước tiến mới cho cả ba thể loại: hoạt họa, cắt giấy, búp bê, tạo được hình thức thể hiện phong phú cho phim hoạt hình Việt Nam.

Các phim tiêu biểu của ông như: “Con khỉ lạc loài” giải Bông Sen Vàng LHPVN lần thứ 3 (1975); phim “Gà trống hoa mơ” giải Bông Sen Bạc LHPVN lần thứ 4 (1977) và rất nhiều giải cá nhân dành cho ông như Biên kịch xuất sắc, đạo diễn xuất sắc, họa sĩ tạo hình xuất sắc… Ở nhiều phim do ông hoặc người khác đạo diễn đã tạo nên vị trí của ông trong điện ảnh Việt Nam, và được giới điện ảnh Quốc tế ghi nhận. Năm 1981 ông đã được mời làm giám khảo cho LHPQT Moskva, tiếp đó ông được mời dự LHPQT Mamaia (Rumani)

Không ai cưỡng lại được tuổi già. Nhưng tuổi già không ngăn nổi sự đam mê sáng tạo của người nghệ sĩ. Hơn mười năm từ khi nghỉ hưu, ông đã mấy lần mở phòng tranh triển lãm, lúc chung với bạn bè, lúc cùng với họa sĩ Phan Thị Hà - người bạn đời và cũng là đồng nghiệp của ông. Và hôm nay, đã ở tuổi ngoài 70, ông vẫn ngồi bên giá vẽ, tiếp tục công việc sáng tạo những thước phim bằng hình cho tuổi thơ

Đinh Tiếp
.
.
.