Sự thật về nhân thân Á hậu 1 Trương Thị May

Thứ Hai, 31/12/2007, 15:32
Trong bản đăng ký dự thi “Hoa hậu trang sức VN 2007”, Trương Thị May khai ở mục Họ tên bố là Trần Tâm Phát (đã chết), chứ không phải tên là Trương Vana - dân tộc Khmer như lời bà Tiền (mẹ May) nói. Không lẽ, Trương Thị May là con gái của bà Trương Mỹ Tiền mà không biết bố mình tên là Trương Vana hay Trần Tâm Phát (?).
>> Á hậu các dân tộc Việt Nam Trương Thị May mạo hồ sơ?

Sau khi cuộc thi "Hoa hậu các dân tộc Việt Nam" diễn ra nhân dịp Festival Hoa Đà Lạt 2007 kết thúc, chúng tôi nhận được thông tin thí sinh Trương Thị May - người đoạt giải Á hậu của cuộc thi mạo nhận là người dân tộc Khmer để đủ điều kiện đăng ký tham dự giải.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi tiếp tục cung cấp đến bạn đọc bằng chứng về chuyện giả mạo trong bản đăng ký tham dự cuộc thi "Hoa hậu các dân tộc Việt Nam" của Trương Thị May.

Từ lập lờ nhân thân...

Trả lời trên Vnexpress bà Tiền khẳng định, ông bà tổ tiên cho đến cha mẹ bà đều là người dân tộc Khmer. Bà còn nói thêm bà sinh May tại Phnôm Pênh (Campuchia) và lập gia đình với ông Trương Vana - dân tộc Khmer. Sau đó, cả gia đình về sinh sống tại Bạc Liêu trong cộng đồng người Khmer. Bà thừa nhận, do không hiểu biết, nên khi làm giấy khai sinh, hộ khẩu, CMND, gia đình bà đã khai là người dân tộc Kinh.

Chúng tôi đã liên hệ với Đại úy Tô Văn Minh, CSKV phụ trách địa bàn mà Trương Thị May đang ở, Đại úy Minh thì cho biết: “Gia đình bà Tiền chuyển về sinh sống tại địa phương (P.7, Q. Phú Nhuận, TP HCM) từ năm 1975 theo Chỉ thị 28. Trong sổ Danh sách hộ khẩu (tổ, khu phố 5) cả bà Trương Mỹ Tiền lẫn Trương Thị May đều đăng ký nguyên quán tại Châu Đốc (An Giang), tạm trú dạng Việt kiều Campuchia. Số tàng thư của bản đăng ký này được lưu trữ tại Công an Q. Phú Nhuận mang ký hiệu 120008228”.

Bên cạnh đó, trong bản đăng ký dự thi “Hoa hậu trang sức VN 2007”, Trương Thị May lại khai ở mục Họ tên bố là Trần Tâm Phát (đã chết), chứ không phải tên là Trương Vana - dân tộc Khmer như lời bà Tiền nói. Không lẽ, Trương Thị May là con gái của bà Trương Mỹ Tiền mà không biết bố mình tên là Trương Vana hay Trần Tâm Phát (?).

Một điều khá ngạc nhiên khác, bà Tiền giải thích với một số báo rằng, do gia đình bà không hiểu biết nên khai cả gia đình là dân tộc Kinh. Nay bà “đã biết” nên đang tiến hành xin điều chỉnh lại cho con gái mình từ dân tộc Kinh sang dân tộc Khmer(?). Giả sử nếu không có cuộc thi “Hoa hậu các dân tộc Việt Nam” vừa diễn ra, không hiểu là bao giờ bà Tiền mới tính đến chuyện “trả lại” dân tộc chính xác của con gái mình (?).

Theo một đồng nghiệp (xin phép được giấu tên, nhưng sẵn sàng ra đối chứng nếu cần thiết) cung cấp thêm thông tin, khi nhìn thấy ảnh của May trên một số tạp chí với trang phục của dân tộc Khmer (Trương Thị May từng đoạt danh hiệu Á hậu cuộc thi “Hoa hậu Phụ nữ VN qua ảnh” của báo Thế Giới Phụ Nữ năm 2006 - PV), cô đã có ý định sẽ phỏng vấn May.

Nhưng khi gọi điện thoại để xin phỏng vấn, mẹ May cũng trả lời May không phải là người dân tộc, chỉ là do có lần May đi du lịch sang Thái Lan, thấy trang phục truyền thống của người Thái đẹp nên mặc chụp ảnh để làm kỷ niệm.

Phát hiện ra điều này, cô đã thông báo với một thành viên của Ban tổ chức cuộc thi “Hoa hậu các dân tộc Việt Nam”. Nhưng ông này cho biết đơn đăng ký tham dự của May khai là dân tộc Khmer nên không có vấn đề gì.

Cũng cần phải nói thêm rằng, theo trả lời của ông Nguyễn Vũ Hoàng - Giám đốc Trung tâm Lễ hội Văn hóa Du lịch tỉnh Lâm Đồng, Thường trực Ban tổ chức Festival Hoa Đà Lạt với phóng viên CAND Online (trước khi diễn ra Festival) thì: “Bình thường các cuộc thi người đẹp là do các cô gái tự đăng ký, thi để nổi tiếng, hoặc chạy theo mục đích nọ, mục đích kia. Còn cuộc thi “Hoa hậu các dân tộc Việt Nam” này đặc biệt lắm. Đây là lần đầu tiên những bông hoa của các dân tộc có mặt trong một cuộc thi của riêng các cô gái thôn bản.

Và Ban tổ chức đã phải lặn lội đến tận bản làng xa xôi để tìm các cô gái, với những sắc phục văn hóa riêng biệt để hội tụ về đây. Có nghĩa là, Ban tổ chức tìm đến thí sinh chứ không phải thí sinh tìm đến Ban tổ chức. Các cô gái hòa vào hoa trong lễ hội, trên đường phố Đà Lạt. Bản thân các cô cũng tượng trưng cho những bông hoa của dân tộc mình, làm chương trình lễ hội đậm đà thêm và nâng tầm của lễ hội hơn”.

Vậy thì không hiểu Ban tổ chức tìm Trương Thị May ở “thôn bản” nào khi cô đăng ký hộ khẩu thường trú tại TP HCM và tự viết đơn xin tham dự cuộc thi “Hoa hậu các dân tộc Việt Nam”(?).

Còn ông Trương Văn Thu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Trưởng ban Tổ chức Festival Hoa Đà Lạt 2007 đã nhanh chóng khẳng định với VTC News rằng: “Á hậu 1 Trương Thị May là người Khmer”.

Bởi theo ông, “Thông tin đăng tải trên một số báo thật ra không đúng vì toàn bộ hồ sơ của 47 thí sinh vào chung kết cuộc thi “Hoa hậu các dân tộc Việt Nam” chúng tôi đều chuyển giao cho PA 25 Bộ Công an điều tra trước đó”.

Không hiểu ông Trương Văn Thu đã nhờ PA 25 Bộ Công an là nhờ PA nào, chứ theo chỗ chúng tôi được biết thì PA 25 là Phòng An ninh Văn hóa - Tư tưởng thuộc tỉnh hoặc thành phố. Hoàn toàn không có PA 25 Bộ Công an như ông Trương Văn Thu phát biểu.

Hơn nữa, là Trưởng ban Tổ chức Festival Hoa Đà Lạt 2007 (cuộc thi “Hoa hậu các dân tộc Việt Nam” diễn ra trong dịp Festival này), ông Thu cần phải xác minh cẩn thận thông tin mà báo chí phản ánh về một thí sinh đoạt giải cao của cuộc thi, thì ngược lại, ông khẳng định “Trương Thị May là người Khmer” trên một tờ báo khác (?!).

... đến gian lận về trình độ văn hóa

Song song với chuyện lập lờ về nhân thân của mình, Trương Thị May còn bị ông Đỗ Việt Hoài - hiện công tác tại Văn phòng 2, Hội Mỹ nghệ - Kim hoàn - Đá quý Việt Nam tố cáo đã gian lận bằng cấp trong cuộc thi “Hoa hậu trang sức VN 2007”.

Theo đơn tố cáo của ông Đỗ Việt Hoài thì khi nộp hồ sơ tham dự cuộc thi “Hoa hậu trang sức VN 2007”, Trương Thị May đã để trống mục trình độ văn hóa, chỉ nói miệng là mình đã tốt nghiệp THPT. Với tư cách là người tiếp nhận hồ sơ, ông Việt Hoài đã yêu cầu May bổ sung gấp bằng tốt nghiệp THPT.

Đến lúc này, bà Trương Mỹ Tiền (mẹ May) đã trực tiếp gặp ông Hoài đặt vấn đề “Cần mua bằng tốt nghiệp, vì May không có bằng” và ông Hoài đã từ chối. Kết quả, Trương Thị May đã không bổ sung được bằng tốt nghiệp và bị loại trước vòng sơ khảo.

Điều lạ lùng hơn cả, là sau khi không đưa được bằng tốt nghiệp THPT theo yêu cầu của ông Hoài nhằm hội đủ điều kiện để tham gia cuộc thi “Hoa hậu trang sức VN 2007”, thì ngay trong cuộc thi “Hoa hậu các dân tộc Việt Nam” Trương Thị May đã có bản sao (có công chứng) bằng THPT hệ bổ túc để nộp cho Ban tổ chức.

Bằng tốt nghiệp này đã được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM là ông Huỳnh Công Minh ký ngày 15/9/2006. Trong lúc, ông Đỗ Việt Hoài yêu cầu May cung cấp bằng tốt nghiệp để bổ sung hồ sơ là vào cuối tháng 5/2007.

Câu hỏi được đặt ra là “Tại sao Trương Thị May đã có bằng tốt nghiệp THPT mà không chịu nộp cho Ban tổ chức cuộc thi “Hoa hậu trang sức VN 2007” để cuối cùng dẫn đến việc bị loại ở vòng sơ khảo?”. Liệu có thể vì bằng tốt nghiệp này được cấp “lâu” đến mức cả May lẫn bà Trương Mỹ Tiền đều quên béng đi (?).

Nguồn tin riêng của PV ANTG cho biết thêm, ngay khi CAND Online đưa tin phản ánh vụ việc Trương Thị May có khả năng mạo nhận là người dân tộc Khmer để tham dự cuộc thi “Hoa hậu các dân tộc Việt Nam”, thì cả May lẫn mẹ cô đã đến gặp vị giám đốc của một trung tâm kiểm định đá quý để “nhờ” nói giúp với ông Đỗ Việt Hoài, (người có đơn tố cáo May) rằng “Lo làm ăn đi chứ đừng xen vào chuyện gì khác”. Vị giám đốc này ngay tức khắc “ra tay trượng nghĩa” bằng cách gọi điện thoại cho ông Đỗ Việt Hoài để “hăm dọa”.

Khi chúng tôi liên lạc với Á hậu 1 Trương Thị May nhằm cố gắng làm sáng tỏ sự việc, thì điện thoại của cô không liên lạc được. Gọi cho bà Trương Mỹ Tiền (mẹ May), bà nói  đang ở quê, sẽ gọi con gái liên lạc lại sau.

Vài giờ sau, May chủ động gọi cho chúng tôi và khẳng định mình là người Khmer vì đã được Ban tổ chức cuộc thi “Hoa hậu các dân tộc Việt Nam” “chấp nhận” - Phải chăng chỉ vì Ban tổ chức cuộc thi chấp nhận nên May cũng khẳng định mình là người dân tộc Khmer(?). Giải thích xong, May nói cô bận việc phải về quê với mẹ gấp nên hẹn vài ngày sau sẽ liên lạc lại.

Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, May lẫn mẹ cô đều xuất hiện trên một vài tờ báo mạng để “thanh minh” về những gì mà CAND Online đã phản ánh.

Qua vụ việc, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc để tiến hành điều tra làm rõ, nhằm trả lại tính trung thực của cuộc thi. Cũng như, trả lại sự công bằng cho các thí sinh đã cùng đăng ký tham dự vào cuộc thi này

Kinh Luân - ANTG số 719
.
.
.