Sự thật bài báo về Mỹ Tâm trên tờ Match du Monde

Thứ Sáu, 14/07/2006, 09:00

Tác giả bài báo viết về Mỹ Tâm trên báo "Match du Monde" đã so sánh hình ảnh quảng cáo cho một nhãn nước ngọt mà Mỹ Tâm là đại diện còn... ngang ngửa với hình ảnh một vị lãnh tụ dân tộc. Và ngay tít bài đã giật tít là Mỹ Tâm "qua mặt" ("fait la nique à..." còn có nghĩa là khinh bỉ, nhạo báng)... vị lãnh tụ này.

Sự kiện ca sĩ Mỹ Tâm được báo Match du Monde đưa lên bìa, giật tít lớn là ngôi sao số 1 Việt Nam khai phá dòng nhạc rock'n'roll đã được nhiều tờ báo Việt Nam đăng lại, như một bước tiến đầy triển vọng của một ngôi sao trẻ Việt Nam trên con đường hội nhập với thế giới. Nhưng sự thực thì không ngọt ngào và vinh quang đến thế.

Trên thực tế, thông tin từ bài báo của tác giả Chloe Lescale với đầy rẫy những sai lầm và ngộ nhận, thậm chí còn cố tình đánh tráo những giá trị mà cả dân tộc Việt Nam đang gìn giữ.

Điều đáng nói là, ca sỹ Mỹ Tâm đã không hề có bất cứ ý kiến nào với những thông tin sai lệch này, hoặc cũng có thể cô không đọc được bài báo đó. Và giới truyền thông Việt Nam đã quá nồng nhiệt với cái gọi là "hội nhập" và "vinh danh" mà quên đi những câu chuyện phía sau một gương mặt trang bìa.

"Match du Monde" là phụ trương của tạp chí Paris Match, là ấn phẩm nhằm để phát hành trong cộng đồng các nước có nói tiếng Pháp. Việc Mỹ Tâm được lên bìa báo này không phải là sự vinh danh quá lớn hay sự thừa nhận của người nước ngoài với một ca sỹ hát những ca khúc mà họ... chẳng hiểu gì. Thêm vào đó, bài báo đã ca ngợi một loại nước giải khát do Mỹ Tâm quảng cáo. Rất nhiều giả định được đưa ra, trong đó có giả định cho rằng, việc Mỹ Tâm lên bìa báo này có sự can thiệp của hãng giải khát mà cô làm đại diện hình ảnh tại Việt Nam...

Tác giả bài báo này đã kể về Mỹ Tâm, tôn sùng cô là thần tượng của thế hệ trẻ Việt Nam, mà thế hệ này chiếm 2/3 của 82 triệu dân Việt. "Mỹ Tâm đã tạo ra một hình ảnh về thanh niên Việt Nam với nhiều dấu ấn lạ, "nhảy nhót" theo sự trỗi dậy của một xã hội tiêu thụ: Pepsi, Unilever với dầu gội Sunsilk, và Honda...". "Tâm là hình ảnh đại diện cho một thức uống đến từ Mỹ và Tâm cũng là biểu tượng tạo ra một làn sóng pop với bài "Lên đàng". Từ giọng hát hừng hực lửa của một thế hệ thanh niên cộng sản, Tâm mang đến một thông điệp với sự mong ước một đất nước phát triển...".

Không chỉ có vậy, tác giả bài báo còn so sánh hình ảnh quảng cáo cho một nhãn nước quảng cáo mà Mỹ Tâm là đại diện còn... ngang ngửa với hình ảnh một vị lãnh tụ dân tộc. Và ngay tít bài đã giật tít là Mỹ Tâm "qua mặt" ("fait la nique à..." còn có nghĩa là khinh bỉ, nhạo báng)... vị lãnh tụ này.

Có rất nhiều điều đáng bàn trong bài báo này... Một là Mỹ Tâm không bao giờ có thể là thần tượng của cả một thế hệ, bởi giới trẻ Việt Nam không bị ngu muội đến mức chỉ biết nhảy và hát theo một ca sỹ thị trường và coi đó là biểu tượng của một đất nước. Liệu thế hệ trẻ Việt Nam chỉ có một ca sỹ chuyên hát nhạc não tình, học theo cái lắc hông của Shakira, học theo phong cách của MTV, của Céline Dion và Mariah Carey?

Việc so sánh hình ảnh Mỹ Tâm với lãnh tụ của dân tộc Việt Nam là một sự lăng mạ và xúc phạm quá lớn với người Việt. Tác giả bài báo này đã cố tình đánh tráo những giá trị của người Việt để đưa vào đó những giá trị mà họ tự... nghĩ ra.

Bài báo đó còn phong tặng Mỹ Tâm là người mở đầu cho một thế hệ rock'n'roll ở Việt Nam. Chỉ nói riêng về âm nhạc, không hiểu Mỹ Tâm đã hát dòng nhạc này bao giờ chưa hay chỉ đơn thuần là những bản não tình? Điều này chắc hẳn tác giả bài báo không thể hiểu rõ bằng những khán giả Việt Nam, những người có thể gặp Mỹ Tâm hát trên truyền hình, trên các show hội nghị khách hàng, trong phòng trà, các tụ điểm cà phê lớn và nhỏ...

Tác giả còn coi ca sỹ Hồ Quỳnh Hương là bản sao mờ nhạt của Mỹ Tâm, mặc dù chưa hề biết Hồ Quỳnh Hương là ai. Mỹ Tâm cũng không hề nổi bật với bài hát "Lên đàng" như bài báo ca ngợi, thậm chí cô còn là ca sỹ có nhiều bài hát... phản cảm nhất với những lời lẽ nhảm nhí và tầm thường.

Sự việc có lẽ đã chìm vào im lặng nếu như nó không được giới truyền thông săn đón quá kỹ lưỡng. Trên một số tờ báo dành cho giới trẻ, đây thực sự là một sự kiện và một lần nữa cái tên Mỹ Tâm lại bất chợt sáng lên sau thời gian dài im ắng. Nếu nói về nội dung bài báo, thì đó là bài viết lủng củng, vì tác giả không nắm rõ thông tin và cố tình đánh tráo những khái niệm. Nếu chỉ đọc riêng bài báo đó, bạn đọc sẽ hình dung về một Việt Nam thông qua hình ảnh Mỹ Tâm với một giới trẻ học đòi phương Tây.

Việc quá "vọng ngoại" của giới nghệ sỹ và truyền thông đã khiến nhiều sự kiện không những trở nên lố bịch mà còn gây ra ngộ nhận với công chúng. Sự kiện Đơn Dương là một ví dụ. Ít ai biết rằng, giờ đây Đơn Dương đang phải sống bằng một nghề lao động thủ công, chứ không hề có bất cứ vai diễn nào, dù là vai diễn quần chúng. Hay Thu Phương chẳng hạn, giờ đây cô đang phải kiếm sống tại các sòng bạc với loạt ca khúc kiểu như "Kiếp đỏ đen"...

Trong trường hợp này, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho Mỹ Tâm. Nhưng chắc chắn những thông tin trong bài viết phần nhiều là do cô và các cộng sự cung cấp. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là với các hãng thông tấn nước ngoài, không những việc sai thông tin sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín bản thân mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước và dân tộc, lẽ ra Mỹ Tâm phải thận trọng hơn.

Một nghệ sỹ lớn sẽ phải biết đến điều này và thận trọng trong từng lời ăn tiếng nói. Việc yêu cầu xem lại bài viết trước khi đăng báo không phải là việc quá khó khăn. Hơn thế, khi thông tin gây ảnh hưởng đến uy tín của mình và ảnh hưởng nghiêm trọng đến những giá trị của dân tộc thì việc cần làm đầu tiên của Mỹ Tâm là lên tiếng với phương tiện truyền thông đó, yêu cầu đính chính và xin lỗi, hoặc xa hơn là tiến hành các thủ tục pháp lý. Nhưng Mỹ Tâm đã im lặng. Phải chăng, cô nghĩ sẽ không ai đọc bài báo đó?

Sẽ là không công bằng với Mỹ Tâm khi quy kết sự việc này với cách cô biểu diễn bò lê trên sân khấu tại Washington DC năm trước là biểu hiện... coi thường công chúng của mình và lai căng, vọng ngoại. Nhưng với những gì xảy ra, khiến người ta sẽ phải suy nghĩ khác về Mỹ Tâm. Phải chăng nghệ sỹ của chúng ta vẫn mãi ngây thơ?

Ân Nam
.
.
.