Sự sáng tạo mới về hình tượng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc

Thứ Sáu, 10/12/2010, 15:46
Buổi công chiếu bộ phim truyện nhựa "Vượt qua bến Thượng Hải" (Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam; đạo diễn: Phạm Đông Vũ - Triệu Tuấn) tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia ngày 9/12 đã thu hút rất đông người xem, trong đó, có rất nhiều nhà văn, bởi bộ phim được đánh giá là đã xây dựng được hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh rất đời thường, mềm mại và đầy tính nhân văn.

Sau những phút lặng đi là từng tràng pháo tay vang lên khi cảnh phim cuối cùng kết thúc. Không phải là những lời lẽ giáo điều to tát, mà là hình ảnh vô cùng xúc động khi Nguyễn Ái Quốc lặng đi, đôi mắt đỏ hoe khi nhận tin người bạn gái Phương Thảo đã vì mình mà hy sinh cả bản thân… Dường như, đã là một hình ảnh hoàn toàn khác lạ so với những phim đã từng làm về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Với chủ đề chính là nhắc lại một giai đoạn mang tính dấu mốc lịch sử của lãnhh tụ Nguyễn Ái Quốc khi Người hoạt động tại Thượng Hải (Trung Quốc) với sự giúp đỡ của bà Tống Khánh Linh và những nhà hoạt động quốc tế nổi tiếng như Vayang Cuturie - lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp cùng những Việt kiều yêu nước, nhưng "Vượt qua bến Thượng Hải" đã mang đến cho khán giả một câu chuyện hết sức xúc động.

Xoay quanh lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Minh Hải) là các nhân vật Phương Thảo (NSƯT Mỹ Duyên), Ngũ Lang (Lê Thái Hòa), Tống Khánh Linh (Chương Diễm Mẫn) v.v… những ngọn đèn pha rọi chiếu, để làm sáng lên một nhân cách phi thường mà lại thật giản dị của hình tượng Nguyễn Ái Quốc, một nhân vật anh hùng thấu hiểu nhân tâm, mang sứ mệnh lớn giải phóng dân tộc, biểu tượng của văn hóa Việt Nam.

Vì thế, không nói nhiều về Nguyễn Ái Quốc, nhưng những chi tiết chọn lọc, đắt giá đã khắc họa rõ nét  hình ảnh vị lãnh tụ trí dũng, nhân tâm: Người đã đánh lừa được kẻ thù bằng cái tin Nguyễn Ái Quốc đã chết, để an toàn về Thượng Hải. Nhưng Người lại chấp nhận sự nguy hiểm rình rập, để đến thăm hỏi những đứa trẻ mồ côi, con của những chiến sĩ cách mạng.

Trong cuộc đấu trí cam go với những tên mật thám sừng sỏ của Pháp và Trung Hoa dân quốc, một cuộc đấu giữa một bên là lực lượng cảnh sát hùng hậu, trang bị vũ khí tối tân, một bên là những con người yêu nước, thương nòi, coi trọng tình bằng hữu, Nguyễn Ái Quốc đã chiến thắng, bởi sự mưu trí và cả tấm lòng đùm bọc của bao người Việt Nam xa Tổ quốc, cũng như của những người nước ngoài yêu chuộng hòa bình.

Cảnh trong phim "Vượt qua bến Thượng Hải".

Đồng đạo diễn Triệu Tuấn cho biết: Làm phim "Vượt qua bến Thượng Hải" là thử thách rất lớn của cả ekip, vì khi đó, Nguyễn Ái Quốc chưa phải là lãnh tụ, nên việc xây dựng cốt cách của Người vô cùng khó. Là phim truyện, các tác giả có những hư cấu trong xây dựng nhân vật, nhưng cũng bám khá sát các yếu tố lịch sử từ các tài liệu về Người. Có thể nói rằng, ekip làm phim đã làm việc cật lực, để có một món quà xứng đáng trước thềm Đại hội Đảng và trước dịp kỷ niệm 100 năm ngày Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước.

Nhưng bộ phim đã chuyển tải được ý tưởng của những người làm kịch bản bởi ngôn ngữ điện ảnh đậm nét.

Thành công của bộ phim, trước hết, phải nhắc đến diễn viên Minh Hải khi đã thể hiện một nhân vật Nguyễn Ái Quốc khác biệt với tất cả các nhân vật về Người đã được xây dựng trước đó: giản dị, đời thường và không cường điệu. Có thể nói rằng, Minh Hải đã thoát hoàn toàn khỏi "cái bóng" quá lớn mà những diễn viên nổi tiếng trước đó đã vào vai vị lãnh tụ.

NSƯT Mỹ Duyên cũng tiếp tục tạo được ấn tượng với khán giả qua vai diễn đằm thắm, trữ tình của một cô gái Nam Bộ, người bạn thân thiết của Nguyễn Ái Quốc. Những khuôn hình đẹp, lạ mắt của bộ phim cùng với kỹ thuật điện ảnh cao, đã làm thỏa mãn nghệ thuật thị giác của khán giả. Các làn điệu dân ca miền Trung làm nền đã thực sự mang lại hiệu quả cao cho bộ phim và làm cho câu chuyện phim thêm lắng sâu, xúc động.

Nhà văn Hoàng Quảng Uyên, người có nhiều tác phẩm về Bác Hồ đã được giải thưởng, khi nghe tin chiếu phim, đã lặn lội từ Cao Bằng về, để được xem phim và tận mắt gặp gỡ với diễn viên đã vào vai Nguyễn Ái Quốc, đã thốt lên: "Bộ phim quả đã không phụ cho chặng đường trường hơn 300km của tôi".

Nhà thơ Hữu Thỉnh không giấu được niềm xúc động: "Bộ phim thực sự là một tác phẩm nghệ thuật về Bác và đã thỏa mãn 3 yêu cầu: nhân vật lịch sử, bối cảnh lịch sử và sự kiện lịch sử. Điều quan trọng mà bộ phim đã có được là tinh thần lịch sử, mở rộng được cánh cửa để các nghệ sĩ sáng tạo, làm nổi bật và đầy đặn được hình tượng nghệ thuật về Hồ Chí Minh. Đây là kết quả của rất nhiều lần trao đổi, bàn bạc giữa Hội Nhà văn Việt Nam với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VH, TT&DL. Tôi thật sự vui mừng khi giấc mơ của ekip sáng tạo đã trở thành hiện thực".

Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng chia sẻ: Vì thế, Hội Nhà văn Việt Nam đã có công văn báo cáo Ban Chỉ đạo Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Ban Tuyên giáo TW để phát hành rộng rãi bộ phim này

Thanh Hằng
.
.
.