Sớm xây dựng Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh trên biển

Chủ Nhật, 02/10/2011, 22:07
Ông Trần Văn Hữu, Chủ tịch Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển, tâm sự: Có một Bảo tàng riêng về Đường Hồ Chí Minh trên biển nói chung, Đoàn tàu không số nói riêng, là ước mong của các cựu binh Đoàn tàu không số, cũng là điều rất cần thiết vì cho đến nay, chưa có Bảo tàng riêng về đơn vị này.

Nhắc đến Đoàn tàu không số, dường như trong trái tim tất cả mọi người đều rưng rưng niềm kính trọng và khâm phục. Bởi những chiến công cũng như sự hy sinh cao cả của các anh hùng trên những con tàu vượt biển năm xưa như huyền thoại, đã lặng thầm góp hương thơm vào đài hoa chiến thắng của dân tộc… Vì thế, lưu giữ những kỷ vật về họ, chính là một cách tôn vinh xứng đáng những con người đã xả thân vì đất nước...

Tượng đài Tàu không số ở Cà Mau.

“Việc ta làm mà chính ta kinh ngạc” (Chính Hữu)

Đã có hàng trăm chuyến tàu không số vượt biển vào Nam, chở cán bộ và vũ khí cho tiền tuyến, góp phần đưa cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc sớm đến ngày toàn thắng. Tất cả những người lính khi đã bước chân lên tàu không số đều xác định có thể nằm lại vĩnh viễn giữa biển khơi, bởi phía trước luôn là một hải trình đầy cam go, khốc liệt với giông tố phũ phàng cùng với sự săn đuổi của kẻ thù. Mỗi người lính của lực lượng đặc biệt này đều xứng đáng được phong Anh hùng.

Con đường huyền thoại trên biển được bắt đầu bằng chuyến ra khơi của chiếc thuyền nhỏ lần đầu tiên rời bến dưới cái vỏ “Tập đoàn đánh cá sông Gianh” vào đêm 30 Tết năm 1960, do Đại đội trưởng Nguyễn Bất làm thuyền trưởng. Con thuyền lựa đúng lúc sóng to gió lớn để ra khơi, nên cũng vì thế mà bị sóng nhồi, rồi gãy lái. Dự định phi tang hàng để giữ bí mật con đường vận chuyển trên biển chưa kịp thực hiện thì tất cả bị địch bắt và đánh chết. 6 chiến sĩ năm xưa chỉ còn lại một người. Thất bại, nhưng chuyến đi đã là tiền đề, mở ra con đường huyền thoại trên biển Đông - sáng kiến độc nhất vô nhị của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng ta. Sau 5 chuyến tàu vượt biển thành công, Trung ương Đảng quyết định cho đóng tàu sắt để chở vũ khí được nhiều hơn, đáp ứng yêu cầu đánh giặc của đồng bào miền Nam.

Những con tàu từ km số 0-K15 Đồ Sơn lần lượt cưỡi sóng chuyển vũ khí vào cực Nam Nam bộ, vào Khu 5, Khu 6, vào Vũng Rô (Phú Yên), Hòn Hèo (Khánh Hòa), Đức Phổ (Quảng Ngãi), Vàm Vũng (Cà Mau) v.v… không chỉ mang vũ khí, mà còn truyền cả tấm lòng, tình cảm của đồng bào miền Bắc cũng như niềm tin vào ngày toàn thắng đến quân và dân miền Nam. Sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ trong Đoàn tàu không số là vô cùng lớn lao, đơn vị đã 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Đã có truyền thống tròn nửa thế kỷ với công lao được đất nước ghi nhận, và nay, ngày kỷ niệm Đường Hồ Chí Minh trên biển được Nhà nước tôn vinh ở cấp Quốc gia, giá như, lực lượng vĩ đại này có được một Bảo tàng riêng, để xứng đáng với vị trí lịch sử của nó. Hiện nay, hiện vật được sưu tầm về Đường Hồ Chí Minh trên biển chưa đầy đủ và cũng mới chỉ có khu vực trưng bày hiện vật, triển lãm ảnh về Đoàn tàu không số trong Bảo tàng Hải quân, còn phòng truyền thống ở Lữ đoàn 125 – đơn vị tiếp nối Đoàn tàu không số - thì chưa hoàn thành. Ở những địa danh từng là bến bãi đón các con tàu không số trải dọc bờ biển, như Vũng Rô (Phú Yên), Hòn Hèo (Khánh Hòa), Cà Mau, Bến Tre, Vũng Tàu… cũng chỉ có bia di tích.

Rõ ràng là qui mô hiện có chưa xứng tầm với vai trò và chiến công lẫy lừng của Đoàn tàu không số, cũng như sự trân trọng của mọi người. Rất nhiều người, nhất là khách du lịch trong và ngoài nước, muốn tìm hiểu về Đường Hồ Chí Minh trên biển, dường như vẫn chưa có địa chỉ...

Tâm tình người trong cuộc

Ông Trần Văn Hữu, Chủ tịch Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển, tâm sự: Có một Bảo tàng riêng về Đường Hồ Chí Minh trên biển nói chung, Đoàn tàu không số nói riêng, là ước mong của các cựu binh Đoàn tàu không số, cũng là điều rất cần thiết vì cho đến nay, chưa có Bảo tàng riêng về đơn vị này. Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển đã có công văn đề nghị TP Hải Phòng cấp 1.000m2 đất ở khu vực bia di tích K15 - Đồ Sơn, nơi hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ của Đoàn tàu không số ra đi, trong đó hàng trăm người đã hy sinh, để xây dựng một nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, một nhà truyền thống trưng bày các hiện vật về Đoàn tàu không số. Nếu được UBND TP Hải Phòng duyệt cấp, hoàn toàn có thể xây dựng một Bảo tàng về Đoàn tàu không số ở nơi này.

Tại cuộc họp báo ra mắt cuốn sách và bộ phim “Huyền thoại tàu không số”, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã trăn trở: Do đặc thù nhiệm vụ ở trên biển và phải tuyệt đối bí mật, nên những kỷ vật về con đường Hồ Chí Minh trên biển không nhiều. Vì thế, việc gìn giữ các hiện vật về Đoàn tàu không số càng trở nên quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ, khi mà các cán bộ, chiến sĩ của lực lượng anh hùng này đã, đang và ngày càng mai một. Việc xây dựng Bảo tàng về Đoàn tàu không số càng có ý nghĩa lớn lao trong sự nghiệp bảo vệ biển đảo hôm nay và là thông điệp sâu sắc, trường tồn của Đường Hồ Chí Minh trên biển.

 Ông Trần Văn Hữu cho biết: Nếu có bảo tàng về Đoàn tàu không số, Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển sẽ vận động các cựu binh của Đoàn tàu không số năm xưa đóng góp các kỷ vật như bi đông, súng, dao, đèn pin dùng để phát tín hiệu vv… Lý tưởng nhất là Hội sẽ đề nghị được mang con tàu không số (đóng tại Hải Phòng năm xưa) duy nhất còn lại để đặt trong bảo tàng. Với những hiện vật gốc về Đoàn tàu không số, chắc chắn, bảo tàng sẽ có giá trị và thu hút sự quan tâm của công chúng, bởi tính chân thực và sự thuyết phục.

Đại tá Trần Phong, nguyên thuyền trưởng tàu không số đã từng chở vũ khí vào Bến Tre và Cà Mau năm 1963, cũng rất hào hứng với ý tưởng về một Bảo tàng cho Đoàn tàu không số. Bởi theo ông, quy mô của các phòng truyền thống và khu vực trưng bày ở Bảo tàng Hải quân về Đoàn tàu không số hiện chưa tương xứng với vai trò lịch sử của một đơn vị vận tải chiến lược. Các hiện vật ở những nơi này còn thiếu rất nhiều, chưa phản ánh được đầy đủ quá trình cống hiến và hy sinh của một đơn vị đặc biệt. Năm 2010, Bến Tre có một dự án công viên Đường Hồ Chí Minh trên biển có qui mô lớn, gồm cả nghĩa trang liệt sĩ, bảo tàng, du lịch sinh thái, nhưng vẫn chưa được đầu tư. Do đó, xây dựng bảo tàng về Đoàn tàu không số sẽ xứng với tầm vóc văn hóa, lịch sử cũng như tầm chiến lược của con đường mang tên Bác Hồ, cũng là để các thế hệ con cháu, cũng như bè bạn quốc tế biết đến con đường độc đáo này. Việc xây dựng bảo tàng còn là để lưu giữ những kỷ vật quý hiếm về Đoàn tàu không số, không để thời gian làm cho mai một.

Tôn vinh khúc tráng ca của lịch sử

Những kỷ vật về Đoàn tàu không số là rất có giá trị và hiện còn có thể sưu tầm. Với khoảng 2.000 hội viên thuộc Hội Truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển (gồm cả các thủy thủ và các chiến sĩ đón nhận vũ khí ở các bến bãi), chắc chắn còn nhiều kỷ vật của giai đoạn hào hùng đó đang được lưu giữ.

Tàu không số chở vũ khí trên biển năm xưa.

Theo ông Trần Văn Hữu, khi con tàu 235 vào bến Hòn Hèo (Khánh Hòa) thì gặp địch, ta phải cho nổ tàu và 13 chiến sĩ đã hy sinh. Với sức ép của hàng ngàn cân thuốc nổ, con tàu đã bị bắn lên trên một ngọn núi. Hiện vẫn còn mảnh vỡ của cabin tàu với những vết đạn bắn lỗ chỗ. Nếu hiện vật này được đưa vào bảo tàng, chắc chắn, sẽ mang lại những bài học giáo dục trực quan sinh động về tinh thần chống giặc của cha ông.

Cho đến nay, sự kiện Vũng Rô (Phú Yên) vẫn là khúc bi tráng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm với 12 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh cùng con tàu, sau khi đã chiến đấu dũng cảm với nhiều tàu chiến, máy bay, bộ binh địch. Một nắm đất Vũng Rô hay mô hình chiếc tàu 235 được trưng bày trong Bảo tàng, sẽ rất có ý nghĩa. Hay những kỷ vật về Anh hùng Phan Hải Hồ, người bị địch bắn gãy chân khi đưa tàu 69 vào bến K962 Vàm Vũng (Cà Mau), đã tự chặt chân mình cho đỡ vướng và chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng, chắc chắn cũng sẽ mang tiếng nói riêng nếu được sưu tầm và trưng bày ở bảo tàng. 15 cây cọc bê tông làm cầu cảng bốc hàng lên những con tàu không số ở di tích Quốc gia K15 Đồ Sơn cũng có thể là một hình ảnh đầy ý nghĩa.

Đại tá Trần Phong cho rằng, cần lập bảo tàng để có thể đưa về đó con tàu không số bị đánh chìm ở Bến Tre năm xưa. Thời gian và cát biển phủ trồi lên thành một cồn cát, gọi là Cồn Tàu. Rồi những tấm bản đồ tác nghiệp giải phóng Trường Sa, hay danh sách những chuyến tàu đi, đến, những con tàu phải hủy và danh sách các liệt sĩ hy sinh trong những chuyến đi… tất cả những kỷ vật này, nếu được trưng bày trong một bảo tàng riêng của Đoàn tàu không số, sẽ là những bằng chứng thuyết phục và có giá trị lớn hơn mọi cuốn sách.

Ông Lê Văn Nhược, Trưởng ban Liên lạc Hội Truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển, khu vực Hà Nội, cũng mong muốn có một Bảo tàng về Đoàn tàu không số, vì theo ông, con đường bí mật trên biển trong suốt cuộc chiến tranh chưa mấy người hiểu được, nhất là những tấm gương hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, cần phải được tôn vinh, để nhân dân trong nước và thế giới biết đến nhiều hơn nữa.

Để có được bộ sưu tập kỷ vật đầy đủ, phản ánh được những chặng đường lịch sử của Đoàn tàu không số, có thể sử dụng sáng kiến sưu tầm kỷ vật kháng chiến của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, để các cựu binh có dịp hiến tặng. Hội Truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển có thể liên lạc với Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, để sưu tầm lại trong hàng trăm ngàn hiện vật kháng chiến đã được hiến tặng những cái liên quan đến Đoàn tàu không số. Mỗi hiện vật về Đường Hồ Chí Minh trên biển sẽ là những dấu ấn lịch sử và một Bảo tàng lưu giữ các hiện vật, kỷ vật, hình ảnh của đơn vị Anh hùng này, chắc chắn sẽ không chỉ là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam, mà còn là điểm đến của khách du lịch nước ngoài.

Tuy nhiên, nếu hôm nay chúng ta bỏ lỡ cơ hội, thì không lâu nữa, sẽ không còn điều kiện để sưu tầm, khi mà chiến tranh đã qua gần 40 năm, và trong số CBCS của Đoàn tàu không số năm xưa, người mất cũng đã nhiều, số còn lại đa phần tuổi cao, sức yếu. Thời gian không còn nhiều nữa để chúng ta do dự

Thanh Hằng

.
.
.