Sôi động “làng” kịch Tết

Thứ Bảy, 04/01/2014, 13:36
Trong khi hàng loạt đơn vị làm kinh tế đơn thuần than thở về một năm thất thu thì tại các đơn vị sân khấu, đặc biệt là sân khấu kịch lại hoạt động rầm rộ, đồng loạt tung ra rất nhiều vở mới, thậm chí có đơn vị dựng gần chục vở nhưng vẫn tự tin cho doanh thu mùa kịch tết năm nay ở TP Hồ Chí Minh.

Nghệ sĩ nhân dân Hồng Vân, “bà bầu” nổi tiếng với thương hiệu kịch Phú Nhuận hào hứng cho biết, mùa kịch Tết năm nay chị quyết định dựng đến 8 vở mới với đủ những sắc màu, phục vụ cả khán giả đến sân khấu tìm kiếm tiếng cười lẫn khán giả mong muốn tìm xem những tác phẩm mang tính chính luận. Trong đó, hài kịch lãng mạn có “Yêu vào giờ chót”. Phục vụ khán giả yêu thích kịch kinh dị có “Giờ chết” và “Giếng âm phủ”. Đặc biệt, mùa kịch Tết năm nay, chị mạnh dạn đầu tư đến 2 vở diễn cùng lúc khai thác về đề tài hình sự: “Kỳ án 292” và “Ma lực kinh hoàng”.

Nghệ sĩ Hồng Vân cũng cho biết, mặc dù dựng 2 vở diễn mang tính chính luận về một đề tài thường bị cho là khó hiện nay nhưng chị vẫn rất tự tin. Việc chọn khai thác đề tài này cũng là một chủ ý của chị, bởi lẽ, lâu nay, nhắc đến Công an, phần nhiều người dân chỉ nghĩ ngay đến các hiện tượng tiêu cực, nghĩ ngay đến Cảnh sát giao thông hay lực lượng quản lý hành chính. Nhưng 2 vở diễn mới này, khai thác về Công an nhưng người xem không thấy một bộ quân phục nào trên sân khấu. Họ là những người lính hình sự trong trang phục đời thường với rất nhiều những góc khuất kể cả trong nhiệm vụ lẫn cuộc sống đời thường mà phần nhiều ít người biết đến... Tất nhiên, chị không chỉ tự tin về mặt nội dung mà còn rất tin về mặt doanh thu của các vở diễn. Đến thời điểm này, “Ma lực kinh hoàng” đã ra rạp phục vụ khán giả dịp Tết Dương lịch, các xuất diễn đều hết vé. Với kịch hài, kịch dân gian hay kịch kinh dị, sân khấu đã có lượng khán giả trung thành. Kịch hài nhưng cố gắng để không “hài nhạt”. Với kịch kinh dị cũng tương tự. Kinh dị chỉ là bề nổi. Triết lý nhân văn, mượn chuyện ma để nói chuyện người, mong muốn con người sống tốt đẹp hơn mới là tiêu chí để những người làm kịch Tết vươn tới.

Hình ảnh trong “Gương mặt kẻ khác”, vở diễn mang tính chính luận tại sân khấu nhỏ 5B trong mùa kịch Tết năm nay.

Tại sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, “cánh chim đầu đàn” một thời của kịch xã hội hóa, phục vụ mùa Tết năm nay có 3 vở mới, trong đó có 2 vở mang tính chính luận: “Phía sau tội ác” và “Gương mặt kẻ khác”. Riêng “Trái tim vàng” là vở diễn hướng đến đối tượng yêu thích hài. Nghệ sĩ ưu tú Mỹ Uyên, Phó Giám đốc sân khấu nhỏ 5B cho biết, kịch chính luận dịp Tết là để dành cho những khán giả trung thành với sân khấu. Kịch hài là dành tặng nụ cười cho khán giả dịp đầu năm. Tuy nhiên, là kịch Tết nên yếu tố hài hước trong cả kịch chính luận lẫn hài kịch nhiều hơn và cũng cố gắng “cười có nội dung” chứ không phải hài nhảm, cười lấy được, chạy theo thị hiếu.

Thông tin từ sân khấu Hoàng Thái Thanh cũng cho thấy, đơn vị này vẫn tiếp tục trung thành với kịch tâm lý, xã hội nhẹ nhàng nhưng xen nhiều tình tiết gây cười trong dịp Tết với 2 vở mới: “Oan tình ai thấu” (tác giả: Nguyễn Thị Minh Ngọc, Hoàng Thái Thanh, đạo diễn: Ái Như) và “Sông dài” (tác giả Hoàng Triều – Hoa Phượng, đạo diễn: Thành Hội).

Có một điểm rất khác so với kịch Tết nhiều năm trước là sân khấu kịch không chỉ tập trung ở khu vực nội thành mà vươn ra cả ngoại thành. Ngoài những “thương hiệu” quen thuộc, một số điểm hẹn mới được thiết lập dành cho khán giả các khu vực này: sân khấu kịch của Lê Hay tại Bình Thạnh, sân khấu của diễn viên hài Minh Béo tại 179 Bình Thới, quận 11. Minh Béo cho biết anh đã chuẩn bị 3 vở mới để phục vụ công chúng, trong đó có 2 vở kịch nói “Đổi vợ đổi chồng” và “Đèn lồng đỏ treo ở đâu”. Vở còn lại là cải lương “Võ Tắc Thiên”...

Được biết, hiện tại, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có khoảng trên dưới 10 sân khấu kịch đang hoạt động. Tính bình quân mỗi sân khấu dựng 3 vở mới, mùa kịch Tết năm nay khán giả đã có rất nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, hầu hết các ông bầu, bà bầu của sân khấu đều tự tin cả về chất lượng lẫn doanh thu của các vở diễn. Lý do là mỗi sân khấu đều có những thế mạnh riêng, đã tìm được lượng khán giả trung thành. Lễ Tết chỉ là thời điểm, mùa vụ để đưa ra quyết định gia tăng hay giảm số lượng vở diễn hay mật độ các tình tiết tạo tiếng cười cho mỗi vở diễn. Điều khiến lo lắng nhiều là lực lượng tham gia thực hiện. Thường ngày, sân khấu kịch đã phải chịu nhiều cạnh tranh về mặt “nhân lực” khi diễn viên chạy sô đóng phim, làm các chương trình truyền hình và rất nhiều công việc khác có thể làm ra tiền. Thời điểm cuối năm, việc càng nhiều. Nghệ sĩ Mỹ Uyên chia sẻ rằng: “Ngay cả những em nhỏ nhất trong nhà hát cũng đều rất bận rộn, nói gì những nghệ sĩ nổi tiếng. Để có thể thực hiện được, chỉ có cách là năn nỉ từng người cố gắng thu xếp công việc và cũng là cố gắng duy trì nơi làm nghề, vì đam mê song song với việc làm tạm thời để kiếm thu nhập”...

Ngọc Nguyễn
.
.
.