Sợ nhất là dửng dưng

Thứ Bảy, 18/12/2004, 07:41

Nghĩ cho cùng, điều làm người đàn ông buồn hơn có lẽ là, khi ta bỏ ra đi cùng kẻ khác, người mà ta tưởng rất yêu ta lại chẳng hề ghen tuông hay giận dữ! Nếu ai hỏi tôi sợ nhất cái gì thì tôi sẽ bảo, sợ nhất là sự dửng dưng, là bị coi như không có nghĩa lý gì nữa!

Có thể và cần kết án phụ nữ vì những hậu quả nặng nề xảy ra do ghen tuông. Đó là về lý. Nhưng có lẽ không thể nào không cảm thông với nỗi niềm của những người đàn bà đang ghen. Không ngẫu nhiên mà đến như Thúy Kiều cũng phải chấp nhận lời biện bạch muộn màng nhưng vẫn rất hiệu quả của kẻ đã đầy đọa mình là Hoạn Thư, "đệ nhất phu nhân" của chàng Thúc. "Tấm gương điển hình về ghen tuông có văn hóa" này dù bị gươm kề cổ vẫn đủ tỉnh táo nói: "Rằng: Tôi chút phận đàn bà, Ghen tuông thì cũng người ta thường tình. Nghĩ cho khi gác viết kinh, Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo. Lòng riêng riêng những kính yêu, Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai!..".

Tôi cứ nghĩ vẩn vơ như vậy khi đọc và dịch bài thơ ghen của nữ sĩ Nga Marina Svetaeva (1892-1941). Bài thơ như sau:

Em hòa vào cốc cho anh,
Món tóc đốt thành tro khét,
Để anh không thể uống, ăn,
Không thể ngủ nghê, ca hát.

Để tuổi trẻ anh hết vui,
Để anh ngậm đường đắng ngắt,
Vợ chồng anh đêm tân hôn
Chẳng thể làm chi hạnh phúc.

Món tóc vàng em bị đốt
Thành tro xám xịt hết rồi,
Ngày xuân anh có trong đời
Sẽ hóa mùa đông giá buốt.

Để anh mù, anh điếc,
Anh khô mốc như rêu,
Anh bốc hơi mất tích!

Thực ra, bài thơ này không nói về ghen chuyện chồng chung. Đó là nỗi lòng của một cô gái, một thiếu nữ, gửi cho ý trung nhân đã phụ bạc của mình (ở phương Đông, người ta thích theo cái tư duy truyền thống "Sông bao nhiêu nước cho vừa...". Thành ra, vì ghen thường chỉ đàn bà đọ sức cùng đàn bà, như cảnh trong một bức tranh Đông Hồ nổi tiếng. Còn ở phương Tây thì lại hơi khác).

Cô thiếu nữ trong thơ Svetaeva khi bị ruồng rẫy không mấy quan tâm tới đối tượng mới của người yêu cũ. Nàng không làm như Hoạn Thư: trừng trị Thúc Sinh bằng cách hành hạ Thúy Kiều khiến kẻ này "tán hoán tê mê", còn người kia thì cũng "giọt châu lã chã khôn cầm". Nàng trút hận vào chính cái kẻ mà mới rồi nàng vẫn còn coi là lẽ sống duy nhất của mình. Giá có thể thì nàng đã "ăn tươi nuốt sống" ngay gã đàn ông vong bội ấy. Nhưng than ôi, lực bất tòng tâm! Ai đó đã bảo rằng, khi người đàn bà bất lực thì nàng lập tức viện tới thánh thần ma quỷ, nàng sẽ trở nên mê tín (?!). Và ta hãy xem nàng làm gì:

"Em hòa vào cốc cho anh
Món tóc đốt thành tro khét..."

Cái răng, cái tóc không chỉ là góc con người để trông cho đẹp hơn. Không biết tự đời nào, nhân loại đã tin rằng, tóc còn là một biểu tượng linh thiêng. Khi yêu nhau, món tóc trao nhau là vật làm tin, là việc tín nghĩa. Khi phụ bạc nhau, món tóc bị đốt thành bùa bả. Có lẽ khó có thể tìm được nhiều hơn những điều độc địa mà cô gái ấy muốn người yêu cũ gặp phải vì ruồng rẫy cô, nào là không ăn uống được, nào là không ngủ nghê ca hát được, nào là trẻ mà hết vui, nào là ngậm đường mà miệng đắng ngắt... Độc địa hơn (có thể hình dung ra nỗi đắc chí ngấm ngầm của cô gái khi nàng hình dung ra cảnh này), nàng còn muốn:

"Vợ chồng anh đêm tân hôn,
Chẳng thể làm chi hạnh phúc"

Nhưng ngay cả nỗi đắc chí ấy cũng không thể làm dịu được niềm tủi phận riêng mình. Phải thế chăng nên sau mấy câu rủa liền một mạch ấy, nàng lại than thở:

"Món tóc vàng em bị đốt
Thành tro xám xịt hết rồi"

Hai câu thơ như một tiếng thở dài, thấm mệt. Giấu làm sao được dư vụn tình yêu, giấu làm sao được cái phảng phất giọng nói nũng nịu thuở còn yêu. Biết mình bị phụ tình rồi, nàng - có thể một cách vô ý thức thôi - vẫn muốn kêu gọi ở kẻ đã phụ tình mình một chút, dù chỉ một chút, cảm thông. Có thể thấy cố gắng đó ngay cả ở hai câu rủa nguyền tiếp theo đó:

"Ngày xuân anh có trong đời,
Sẽ hóa mùa đông giá buốt"

Nàng muốn người đàn ông kia cũng thấm thía được cái nỗi giá buốt mùa đông mà nàng đang một mình phải chịu lúc xuân thì. Ơi những kẻ đang đắp chăn bông hay chăn gì gì nữa, hãy thấu hiểu tâm sự của những người vì ta mà đang phải lạnh lùng đến thế. Chính cái nỗi lạnh lùng đó đã khiến người thiếu nữ, khi không còn chịu nổi nữa, đã biến tình yêu lớn thành cơn thịnh nộ vĩ đại. Và nàng rủa nguyền kẻ phụ bạc bằng sức mạnh của núi lửa từng xóa bỏ thành phố Pompei thời La Mã cổ đại:

"Để anh mù, anh điếc,
Anh khô mốc như rêu,
Anh bốc hơi mất tích..."

Thế nhưng, cái chính là chàng không thể nào mất tích. Chàng cứ rời rợi tồn tại trong tâm trí đã bấn loạn vì ghen của nàng. Đã có dẫu chỉ một lần thì không thể nào làm như chưa từng có!

Bi kịch là thế. Hay ho cũng là thế.

Nhưng ghen vậy có là ác không? Ai đó từng bảo rằng, người nói ra không chắc đã là người sẽ làm. Nói chẳng qua để cho hả, để che giấu cái tình yêu lớn dù thế nào thì vẫn còn đậm đặc trong lòng. "Khẩu xà" mà "tâm phật" là thế

.
.
.