Số hóa thư tịch cổ góp phần bảo tồn văn hóa Chăm

Thứ Sáu, 07/02/2014, 10:58

Từ đầu năm nay, cộng đồng người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận đón nhận một sự kiện văn hóa đậm nét trong đời sống tinh thần, đó là chuyện số hóa thư tịch cổ. Sự kiện này không chỉ mở ra không gian tri thức của đồng bào Chăm tưởng chừng đã lãng quên theo dòng chảy thời gian, mà còn hình thành một giải pháp khả thi về bảo tồn văn hóa Chăm.

Có thể nói ngoài hệ thống bia ký ở đền tháp, bên trong những làng đồng bào Chăm ở tỉnh Ninh Thuận từ lâu nay vẫn còn lưu giữ nguồn tư liệu vô cùng quý giá, đó là thư tịch cổ. Thế nhưng, chiều dài thời gian cùng những chuyển đổi trong đời sống sinh hoạt và biến động của thời tiết đã khiến cho thư tịch cổ có nguy cơ mất dần. Thư tịch cổ trong cộng đồng người Chăm viết trên lá buông, giấy dó và vải, trong đó có nhiều tư liệu về lịch sử, truyền thuyết, truyện cổ, ca dao, tục ngữ, tập tục, nghi lễ…

Trong một lần tiếp xúc với chúng tôi trước đây, ông Thập Liên Trưởng - một chuyên gia ngôn ngữ ở Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm Ninh Thuận cho biết, phương pháp viết thư tịch cổ là một nghệ thuật độc đáo của người xưa. Chưa có cứ liệu nào đề cập đến kỹ thuật ép, ướp lá buông, nhưng theo nhiều bậc trưởng lão, sau khi thu hái lá trên rừng về phơi nắng, cắt thành những tấm “giấy”, người Chăm xưa viết chữ trên lá buông bằng que nhọn. Để chữ viết hiện hữu rõ nét, họ sử dụng bột màu chế biến từ nhựa cây rừng bôi lên những hàng chữ trước khi đưa vào lưu giữ.

Lễ giao nhận thư tịch cổ Chăm ở Ninh Thuận sau khi tu bổ, phục chế, bồi nền và số hóa. Ảnh: TNO.

Với giấy dó, Tiến sĩ Trương Văn Món, giảng viên Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh - người con của làng gốm Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận cho biết, nghề làm giấy dó của người Chăm gần như không còn nữa, nhưng theo kết quả nghiên cứu năm 2004 của nhóm chuyên gia bảo quản giấy cổ đến từ Đại học Tokyo - Nhật Bản, trong những thư tịch cổ tìm thấy ở Ninh Thuận, chất liệu giấy dó của người Chăm trùng với giấy của người Raglai sản xuất từ vỏ cây dó.

Theo một số tài liệu, với kỹ thuật sản xuất thủ công, giấy dó không có tác động của hóa chất. Sau khi băm nhỏ vỏ cây, nấu nhừ trước khi cho vào cối giã thành bột nhuyễn, rồi sử dụng chất nhầy lấy từ cây mò để tạo hỗn hợp kết dính. Bột giấy, chất nhầy được pha lẫn với nước để cán trên khuôn giấy làm bằng mành trúc, rồi phơi khô.

Theo ông Lâm Gia Tịnh ở làng Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước - người có hàng chục năm khảo sát, nghiên cứu thư tịch cổ, thư tịch ghi lại từ những chuyện dân gian, kinh nghiệm thời tiết, điền địa, chăn nuôi cho đến phong tục, lễ giáo…

Hơn 20 năm về trước, ông Tịnh tìm thấy cuốn thư tịch cổ tại một gia đình người Chăm ở làng Vụ Bổn, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, trong đó có mô tả chuyện xây dựng tháp Pô Klông Garai trên đồi Trầu ở TP Phan Rang - Tháp Chàm từ cuối thế kỷ 13. Một thời gian sau, ông Tịnh trở lại Vụ Bổn, nhưng cuốn thư tịch cổ đó đã thất lạc!

Từ xưa, thư tịch được người Chăm ở Ninh Thuận ví như vật thiêng, được truyền giữ nhiều đời cho tới khi bị mục nát mới thả xuống sông để thư tịch đó về với tổ tiên, trời đất. Ông Đàng Năng Thọ - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm Ninh Thuận cho biết, văn tự Chăm có nguồn gốc từ chữ Sanskrit cổ xưa và phát triển đến văn tự hiện đại đang sử dụng phổ biến.

Sau hàng chục năm sưu tầm, trung tâm không chỉ tìm thấy 62 cuốn thư tịch cổ Chăm với 3.566 trang trên lá buông, giấy dó, vải… mà còn thu thập bằng 281 cuộn phim sao chụp thư tịch cổ có nhiều nội dung về văn hóa Chăm... Đáng tiếc là nhiều trang thư tịch quý đã và đang bị phân hủy do thời tiết, côn trùng gặm nhấm, nên không thể tra cứu thông tin. Giữa năm ngoái, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II hỗ trợ tu bổ, phục chế, bồi nền và số hóa toàn bộ thư tịch cổ nêu trên.

Để phục hồi thư tịch cổ, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thúy Bình, Giám đốc Trung tâm Khoa học công nghệ văn thư lưu trữ - Chủ nhiệm đề án “Sưu tầm tài liệu quý hiếm của Việt Nam và về Việt Nam” cùng các cộng sự đã cẩn trọng từ khâu khử trùng loại bỏ bào tử nấm mốc, côn trùng; bóc tách, ủi phẳng tài liệu bằng thiết bị chuyên dụng, rồi sử dụng hồ đặc chủng bồi nền một mặt trên giấy dó Việt Nam và hai mặt trên giấy dó Nhật Bản trước khi ép phẳng, xén mép từng trang và sắp xếp lại từng cuốn, đánh số từng trang và thực hiện số hóa theo tiêu chuẩn lưu trữ. Sau khi số hóa, thư tịch cổ được nhập vào phần mềm để tra cứu trên máy tính. Và từ giải pháp số hóa thư tịch cổ đã góp phần bảo tồn văn hóa Chăm bền vững

Hữu Toàn
.
.
.