Sờ đầu rùa tại Văn Miếu: Cầu may thiếu ý thức

Thứ Bảy, 03/07/2010, 10:45
"Chục năm trước, không ai sờ đầu rùa khi đi thi như bây giờ, nên đó hoàn toàn là chuyện mê tín và không có lợi cho Di sản này" - TS. Đặng Kim Ngọc - Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội khẳng định.

Sáng 2/7, 2 ngày trước kỳ thi đại học 2010 diễn ra, mùa thi đầu tiên sau khi "82 bia đá tiến sĩ triều Lê-Mạc 1442-1779 tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội" đón nhận Bằng Di sản Thế giới, chúng tôi có mặt ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám và chứng kiến cảnh tượng rất không đẹp mắt khi hàng trăm thí sinh và phụ huynh chen nhau đặt tiền lễ, sờ đầu rùa, xoa bia, thậm chí ngồi lên đầu rùa để chụp ảnh, bất chấp lực lượng sinh viên tình nguyện ra sức dùng loa để tuyên truyền và ngăn cản. Việc này một lần nữa cho thấy, sự cấp thiết của việc bảo vệ Di sản Thế giới vừa được công nhận này.

Tại các nhà bia, các sinh viên tình nguyện Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội phải rất vất vả để ngăn dòng người chen nhau lăn xả vào cố sờ đầu rùa, hoặc ít nhất là đặt tiền lên lưng rùa. Tại nhà bia của tấm bia Đại Bảo năm thứ 3, đời Lê Thái Tông 1442, được dựng năm 1884 và đã được đưa vào guiness Việt Nam, 2 sinh viên đứng 2 bên bảo vệ, mà vẫn không ngăn được những người thiếu ý thức.

Tình nguyện viên Vũ Đức Việt, sinh viên Khoa Công nghệ Hóa học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết: Mỗi kíp làm việc của tình nguyện viên chỉ có 25 người và đã được tổ chức bảo vệ Di sản này từ ngày 20/6 cho đến hết kỳ thi đại học. Nhưng đáng lo ngại khi, mặc dù bia đá tiến sĩ đã được công nhận là Di sản Thế giới, nhưng rất nhiều khách tham quan vẫn thiếu ý thức, khi cố đẩy bật tình nguyện viên ra để sờ đầu rùa, thậm chí, lăng mạ các tình nguyện viên khi họ làm nhiệm vụ.

Do lực lượng tình nguyện viên quá mỏng, nên đã không thể ngăn nổi dòng người tìm mọi cách để trèo vào nhà bia. Đuổi ở bia này, thì ngay phía sau, đã có người leo lên xoa đầu rùa. TS. Đặng Kim Ngọc - Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội cho biết: Chỉ riêng yếu tố thời gian, thời tiết, di sản cũng bị xuống cấp, tuy nhiên, hàng trăm năm mới thay đổi. Nhưng có sự tác động của con người, thì chỉ vài năm, đã nhìn thấy sự xuống cấp khi các đầu rùa nhẵn bóng và bia đá bị mờ chữ. Nạn sờ đầu rùa, xoa bia, thậm chí, còn dùng tiền lẻ xát mạnh lên đầu rùa, mặt bia để cầu may, đã và đang diễn ra rất nhiều trong các dịp lễ, tết, kỳ thi đại học, làm di sản không còn nguyên gốc.

Các tình nguyện viên dù cố gắng cũng không ngăn được các sĩ tử lẻn vào sờ đầu rùa.

Rõ ràng, các giải pháp bảo vệ hữu hiệu đối với bia tiến sĩ, đặc biệt là sau khi đã được công nhận là Di sản Thế giới, là rất bức thiết. Tuy nhiên, theo TS. Đặng Kim Ngọc thì ngay khi bia đá tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón nhận Bằng Di sản Thế giới, vấn đề bảo vệ di sản đã được đặt ra quyết liệt với nhiều cuộc họp bàn, trao đổi.

2 phương án mà Trung tâm trình lên UBND TP Hà Nội là: Bảo vệ bia đá bằng vách kính chịu lực, rất bền chắc, dùng búa đập không vỡ, nứt, cao 2m, ngăn cách hoàn toàn khách tham quan với bia đá, nhưng vẫn nhìn rõ, đầy đủ và có cửa để các nguyên thủ quốc gia hay các nhà nghiên cứu tiếp cận khi cần thiết. Phương án thứ 2 là làm lan can bằng gỗ, cao 1m, thiết kế theo kiểu thời Lê, hài hòa với mái nhà bia cũng như không gian của Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có văn bản chính thức phê duyệt phương án nào, nên vẫn chờ.

Chúng ta đều biết, cùng với trao danh hiệu Di sản Thế giới, UNESCO hoàn toàn có quyền rút lại danh hiệu cao quí này, nếu Việt Nam không làm đúng cam kết trong việc khai thác và bảo vệ di sản, như công trình kiến trúc Hampi (Ấn Độ) đã bị rút khỏi danh sách Di sản Thế giới năm 2006...

Thiết nghĩ, các biện pháp tuyên truyền cũng cần được tăng cường tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, để người dân hiểu được giá trị to lớn của Di sản Thế giới cũng như sự cần thiết phải bảo vệ nó. Nên chăng các nhà khoa học cũng lên tiếng về việc sờ đầu rùa không thể mang lại may mắn trong thi cử, mà chỉ là việc mới có trong vài năm gần đây.

"Chục năm trước, không ai sờ đầu rùa khi đi thi như bây giờ, nên đó hoàn toàn là chuyện mê tín và không có lợi cho Di sản này" - ông Đặng Kim Ngọc khẳng định

Thanh Hằng
.
.
.