Tân vô địch quần vợt giải Pháp Roland Garros:

Sharapova: Từ “con bò” thành nữ hoàng

Thứ Tư, 11/06/2014, 14:53
Nhà tân vô địch Roland Garros 2014 từng có một phát ngôn “kinh điển” đã được trích dẫn đi trích dẫn lại không biết bao nhiêu lần: tôi giống như con bò trên sân băng khi chơi trên sân đất nện. Đó là thời điểm bảy năm trước khi Sharapova, lúc đó đã vô địch Wimbledon (2004) và Mỹ mở rộng (2006) khi còn chưa tròn 20 với những chiến thắng “kỳ lạ” trước những đàn chị sừng sỏ như Serena Williams hay Justine Henin, vẫn đang vật lộn với mặt sân đất nện, thậm chí chưa bao giờ vượt qua tứ kết.

Nhưng rồi năm đó, dù vẫn mang trên mình chấn thương vai dai dẳng, mà đến tận bây giờ đôi khi chấn thương đó vẫn hành hạ Sharapova, cô gái Nga mảnh dẻ có ngoại hình như một siêu mẫu vẫn vào đến bán kết, và bốn năm gần nhất, Sharapova không bao giờ dừng chân trước vòng đấu quy tụ bốn tay vợt mạnh nhất nữa, bao gồm hai chức vô địch xen kẽ một lần á quân cùng ba lần vào chung kết liên tiếp.

Bắt đầu ghi dấu ấn với chức vô địch Wimbledon 2004 sau khi hạ gục đàn chị Serena Williams hai ván trắng, nối tiếp thành công hai năm sau đó với chức vô địch Mỹ mở rộng đánh bại Justine Henin cũng sau hai set, rồi lại chờ hai năm sau nữa để lặp lại một chiến thắng tương tự trước Ana Ivanonic ở chung kết Úc mở rộng, nhưng cuối cùng chính mặt sân đất nện, nơi được Sharapova “khai phá” sau cùng mới là nơi vinh danh tay vợt người Nga  khi cô là một trong số ít những tay vợt nữ ở kỷ nguyên mở đoạt được Career Grand Slam (vô địch bốn giải Grand Slam mỗi giải ít nhất một lần). Sharapova cũng lập một “kỷ lục” rất khó phá, khi cô là tay vợt cần ít chức vô địch nhất để chính thức hoàn thiên bộ sưu tập Grand Slam với bốn chức vô địch đầu tiên chia đều cho bốn giải. Và cũng thật ngạc nhiên khi chính Roland Garros mới là nơi Sharapova thể hiện tốt nhất khả năng của mình, ít nhất là trên khía cạnh thống kê, dù cô là một người Nga và được đào tạo ở Mỹ, tức là phải chơi sân cứng tốt.

Maria Sharapova và chiếc Cúp Roland Garros lần thứ 2 tại Paris ngày 7/6/2014.

Pháp mở rộng là giải Grand Slam duy nhất Sharapova vô địch nhiều hơn một lần, tỉ lệ chiến thắng đạt 83%, đoạt hai chức vô địch và một lần á quân, đặc biệt trong ba năm gần nhất cô chỉ thua đúng một trận trước Serena Williams ở chung kết 2013. Từ khi bắt đầu thế kỉ mới, ngoài Justine Henin hiện đã giải nghệ vô địch bốn lần trong đó có ba lần liên tiếp, chỉ có Serena Williams vô địch tại đây nhiều hơn một lần, nhưng hai chức vô địch cũng cách nhau cả chục năm, và ai cũng biết Serena “yếu” nhất là trên sân đất nện. Có nghĩa là, nếu như bây giờ có một ngôi vị không chính thức “nữ hoàng sân bụi đỏ”, không ai xứng đáng hơn Sharapova, người mà cách đây nhiều năm có lẽ cũng không ai ngờ rằng có ngày sẽ bá chủ mặt sân này.

Nhắc đến Sharapova, ngoài chuyện thành tích, không thể không nhắc đến khả năng kiếm tiền siêu việt. Kể từ khi nổi lên với chức vô địch Wimbledon năm 2004, suốt mười năm nay, chưa ai vượt mặt được cô trong bảng xếp hạng thu nhập hàng năm của các vận động viên nữ. Điều đáng nói là thu nhập của Sharapova chủ yếu đến từ “các nguồn ngoài thể thao”, như kinh doanh hay các hợp đồng quảng cáo. Ví dụ như năm 2013, Sharapova kiếm được tổng cộng 29 triệu đô la Mỹ, nhưng chỉ có 6 triệu trong đó là tiền thưởng thi đấu. Có những giai đoạn Sharapova thi đấu không thành công, như thời điểm bốn năm liền không vô địch nổi Grand Slam nào, nhưng thu nhập thì không bao giờ giảm. Sharapova từng cho ra mắt loại kẹo rất được ưa chuộng mang tên của mình, Sugarpova, rồi mới đây lại kí hợp đồng quảng cáo với hãng xe hơi nổi tiếng Porsche (giúp cô có thêm một biệt danh khác là Porschepova), cộng thêm một loạt các hợp đồng lớn nhỏ khác, việc kiếm tiền của Sharapova xem ra còn dễ dàng hơn việc vô địch trên sân quần.

Tất nhiên nói thế không có nghĩa Sharapova không tập trung vào việc luyện tập vì thi đấu. Có những giai đoạn cô bị chấn thương vai hành hạ suốt một thời gian dài, thậm chí có lúc không thể giao bóng bình thường, nhưng cuối cùng với những nỗ lực và ý chí không thể lay chuyển, Sharapova vẫn đứng dậy, làm lại từ thất bại và vô địch liên tiếp. Hay cũng có những lúc khi Sharapova cặp kè với tài năng trẻ người Bulgaria được mệnh danh “tiểu Federer” Grigor Dimitrov (kém cô bốn tuổi), rồi dính tin đồn bầu bí cùng lúc Sharapova đang nghỉ chữa trị chấn thương, nhiều nguồn tin còn cho rằng cô sẽ học theo bà xã Mirka của “Federer thật”, giải nghệ để tập trung chăm sóc gia đình. Nhiều cổ động viên gay gắt còn từng nhận xét, so với Serena Williams, Sharapova chỉ là “muỗi”, trừ trận thắng bất ngờ ở Wimbledon 2004, còn lại cứ gặp Serena thì Sharapova thua tất, có khi không gỡ nổi một set. Nhưng bất chấp những thị phi suốt nhiều năm qua, Sharapova vẫn bình tĩnh đáp trả bằng những chức vô địch. Minh chứng cho sự bền bỉ của Sharapova là tính đến nay, cô đã năm lần lên ngôi số một thế giới ở những thời điểm khác nhau, dù có lúc phải chiến đấu suốt bốn năm trời.

Đánh giá một cách công bằng, Sharapova có lẽ nên được liệt vào một dạng “tài năng đặc biệt”, khi cô có thể vô địch bất cứ một giải Grand Slam nào, đánh bại bất cứ một tay vợt nào, nhưng ngược lại, cũng có thể thất bại trước bất cứ ai. Những mâu thuẫn như thế vẫn luôn đan xen trong cuộc sống của cô gái người Nga từ khi bắt đầu nổi danh. Có những lúc Sharapova như ở trên đỉnh thế giới, tài năng, giàu có, xinh đẹp, nhưng cũng có những lúc cô cảm thấy như đang ở tận vực sâu. Cũng có không ít người cho rằng nếu như Sharapova không xao nhãng quá nhiều vào những chuyện kinh doanh quảng cáo ngoài lề, có lẽ bây giờ bộ sưu tập các chức vô địch của cô sẽ còn phong phú hơn, nhưng như thế thì đâu còn là Sharapova nữa. Những tranh cãi bất tận về việc Sharapova có phải là một huyền thoại của làng quần vợt nữ hay không có thể sẽ không bao giờ kết thúc, kể cả đến khi cô giải nghệ, nhưng chắc chắn lịch sử làng quần vợt vẫn phải dành một vị trí trang trọng cho hoa khôi người Nga

Thái Thủy
.
.
.