Sẽ lập các đoàn kiểm tra đột xuất tại các lễ hội

Thứ Bảy, 14/02/2015, 11:34
Bộ VH – TT – DL sẽ lập các đoàn kiểm tra đột xuất tại các lễ hội, tiến hành ghi âm, chụp ảnh làm bằng chứng, sau đó mới tiến hành gặp Ban tổ chức, Ban quản lý lễ hội và Sở VH – TT – DL của địa phương ấy để làm việc.

Những năm gần đây, qua phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận, nhiều vấn đề vi phạm liên quan đến công tác tổ chức lễ hội đã được vạch ra một cách rõ nét. Tuy nhiên, dù có giảm được về tính chất và mức độ, nhưng những tệ nạn trong các lễ hội vẫn là vấn đề gây bức xúc không nhỏ trong nhân dân, cũng như du khách trong và ngoài nước. Mùa lễ hội 2015 đã cận kề, vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước năm nay sẽ làm những gì để thay đổi những nhức nhối này?

Sáng 13/2, tại Hà Nội Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch (VH - TT & DL) đã tổ chức buổi họp báo giới thiệu về công tác quản lý và tổ chức lễ hội 2015.

Tại buổi họp báo, bà Trịnh Thị Thủy - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho biết, quán triệt tinh thần Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 5/2/2015 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; Công điện số 229/CĐ-TTg ngày 12/2/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chỉ đạo thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội, Bộ VH – TT & DL đã yêu cầu Sở VH – TT & DL các tỉnh, thành thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm.

Bao gồm: Nghiêm túc chấp hành các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Bộ VH – TT - DL về công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Các cơ sở kinh doanh phải niêm yết công khai, bán đúng mặt hàng, không bán hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là các đồ chơi có tính bạo lực, thực phẩm ôi, thiu, thịt thú rừng trái quy định của pháp luật; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong hoạt động lễ hội, đặc biệt là hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, tuyên truyền mê tín dị đoan, lưu hành văn hóa phẩm trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác trong lễ hội...

Tuy nhiên, để áp dụng được hiệu quả những vấn đề vừa nêu vào trong thực tiễn đời sống xã hội, lại không phải là chuyện dễ dàng. Như vấn đề đổi tiền lẻ tại các lễ hội lâu nay vẫn được báo chí phản ánh gay gắt, nhưng trên thực tế, đâu vẫn vào đấy.

Tại lễ hội lớn như Chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), hiện tượng các “cò” vẫn túc trực hàng chục người với xấp tiền trên tay để chèo kéo du khách khi họ đến quầy mua vé vào tham quan khu di tích chùa Hương.

Cần tuyên truyền để thay đổi ý thức của người dân khi tham gia lễ hội.

Tuy nhiên, theo quan sát thực tế của chúng tôi tại đây vào mùa lễ hội 2014 và các mùa lễ trước, dù các cơ quan chức năng có tiến hành kiểm tra, xử lý, nhưng hoạt động đổi tiền lẻ chỉ im ắng được trong những khoảnh khắc nhất định, xong rồi đâu lại vào đó.

Nhưng, có một vấn đề cần phải nhìn nhận khách quan, đó là một trong những nguyên nhân chính làm cho các mặt tiêu cực vẫn tồn tại trong các lễ hội hằng năm, xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân.

Với suy nghĩ đã đến chùa chiền, đền thờ, miếu mạo thì phải thành kính dâng hương, đặt lễ bằng hoa quả, vàng mã, và tiền thật, từ đó những mong muốn, lời thỉnh cầu của mình mới linh nghiệm, nên nhân dân vẫn cố thực hiện hành vi của mình cho bằng được. 

Từ nhu cầu thực tế của người đi lễ hội, mà các dịch vụ nhằm đáp ứng nó cũng tồn tại song hành, khi công khai, lúc lẩn tránh, nên gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng.

Ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VH – TT – DL chia sẻ: “Thực tế, việc quản lý và thanh, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động lễ hội gồm nhiều lực lượng. Như riêng về vấn đề đổi tiền lẻ, có các lực lượng: Thanh tra Ngân hàng Nhà nước; Công an; Ban tổ chức Lễ hội… Nhưng chủ thể chính vẫn là chính quyền các địa phương nơi có lễ hội. Bởi vì, ngay như Thanh tra Bộ VH – TT – DL, khi đi kiểm tra tại các lễ hội, mà có vi phạm về vấn đề đổi tiền lẻ, chúng tôi chỉ được phản ánh với địa phương để giải quyết, chứ không thể tự mình xử lý”.

Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ VH – TT - DL Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định: “Quán triệt tinh thần Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 5/2/2015 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; Công điện số 229/CĐ-TTg ngày 12/2/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chỉ đạo thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội 2015; chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VH – TT – DL, điểm mới của năm nay là Thanh tra Bộ VH – TT & DL sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các địa phương trong quá trình tổ chức cũng như quản lý lễ hội.

Cụ thể, Bộ VH – TT – DL sẽ lập các đoàn kiểm tra đột xuất tại các lễ hội, tiến hành ghi âm, chụp ảnh làm bằng chứng, sau đó mới tiến hành gặp Ban tổ chức, Ban quản lý lễ hội và Sở VH – TT – DL của địa phương ấy để làm việc”.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, việc giám sát, kiểm tra và xử lý các vi phạm là yếu tố cần thiết, nhưng không giải quyết được gốc gác của vấn đề. Điều đó cũng như là xử lý phần ngọn, còn phần gốc thì vẫn để nguyên.

Phần chính yếu ở đây là các cơ quan quản lý văn hóa, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở, phải làm sao tuyên truyền các văn bản, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước một cách cụ thể, sâu sát nhất đến với người dân. Nghĩa là giáo dục song song cả pháp luật lẫn văn hóa, để từ đó người dân hiểu và tự có ý thức thực hiện, chấp hành...

Cảnh Vũ
.
.
.