Sâu khấu làng quê nuôi dưỡng chiếu chèo
Thôn An Phú, xã Quỳnh Hải (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) không chỉ được mọi người biết đến là vùng trồng ớt xuất khẩu có tiếng, mà nơi đây còn là miền quê giàu truyền thống văn hóa, với những điệu chèo đằm thắm làm đắm say lòng người.
Chúng tôi tìm về làng An Phú vào một ngày cuối tháng 7. Từ TP Thái Bình đi dọc QL10 men theo con đường nhựa khoảng 4km, ngôi đình làng khang trang hiện ra trước mắt. Vừa đặt chân vào cổng đình, tiếng nhị, tiếng phách, tiếng đàn, cùng lời hát í i a... đã ngân vang. Đây chính là "đại bản doanh" của đội chèo làng An Phú.
Đội chèo của những nghệ sĩ nông dân
Theo những người già trong làng kể lại, thì chẳng biết chèo ở đây có từ bao giờ. Các cụ khẳng định "từ ngày xửa ngày xưa, cả làng ai cũng mê hát chèo, chỉ cần nghe tiếng trống làng vang lên là mọi nhà đều ăn cơm sớm, đốt đuốc ra sân đình xem chèo". Đội chèo của làng An Phú hồi đó có tiếng trong khắp tổng dinh. Không chỉ hát phục vụ bà con trong làng, mà cứ vào những dịp lễ hội, cưới xin, tết… đội chèo lại được mời đi biểu diễn ở khắp các xã trong huyện và các tỉnh bên. Người ta nói chỉ cần nghe tiếng nhị kéo, tiếng đàn gẩy, tiếng hát ngân, họ đã biết đó là gánh chèo làng An Phú.
Phong trào hát chèo của làng phát triển mạnh đến giữa những năm 60 của thế kỷ trước. Năm 1954, làng có ba đội chèo và một đội tuồng. Ai biết hát đều được gia nhập vào đội. Mọi người còn nhớ mãi những vở diễn làm nên tên tuổi cho gánh chèo An Phú một thời, như Quan Âm Thị Kính, Tấm Cám, Lưu Bình - Dương Lễ… Từ đó đến nay đã trải qua bao thế hệ con cháu làng An Phú theo nghiệp cầm ca. Những nghệ nhân ngày xưa có người đã mất, người còn sống thì đều đã ở tuổi xưa nay hiếm, mắt mờ chân chậm, mỗi người một nơi. Gánh chèo làng một thời "đình đám" nay chỉ còn trong ký ức xa xăm của người thôn An Phú.
Đau xót chứng kiến gánh chèo làng tàn lụi, nghệ sĩ Nguyễn Xuân Lựu, 54 tuổi (hiện công tác tại Đoàn chèo Thái Bình) quyết tâm khôi phục đội chèo làng. Sinh ra trong gia đình có truyền thống bốn đời theo nghề cầm ca, nay người con trai lớn của ông cũng đang nối nghiệp. Ông luôn trăn trở "chẳng nhẽ bó tay đứng nhìn một loại hình văn hóa dân gian của dân tộc ngày càng mai một?".
Năm 2003, được sự nhất trí của chính quyền xã và của những bậc cao niên, ông tập hợp những người say mê hát chèo, chính thức tái thành lập đội chèo An Phú. Buổi đầu hoạt động, đội chèo gặp rất nhiều khó khăn, không kinh phí, không nhạc cụ, không sân khấu, không kịch bản. Để khắc phục, ông cùng các thành viên phải tự bỏ tiền ra mua sắm mọi thứ. Cứ vào mỗi tối trong tuần, đình làng An Phú lại trở thành điểm giao lưu, gặp gỡ của những ai yêu thích hát chèo.
Những buổi tập luyện và biểu diễn của Đội Chèo thôn An Phú ở đình làng. |
Thành viên trong đội chèo hầu hết là những nông dân chân lấm tay bùn. Ban ngày, họ quần quật với đồng ruộng, buổi tối lại trở thành những diễn viên chèo nghiệp dư. Những cái tên như Kim Chiến, Xuân Khoát, Văn Báu, Hồng Nhạn, Xuân Rĩu, Mạnh Thiên… đã trở nên quá quen thuộc đối với người dân nơi đây.
Năm 2005, đội chèo An Phú thử sức với hội thi văn nghệ tuyên truyền phòng chống ma túy của huyện. Ngay lần đầu xuất quân, đội đã giành giải nhất với vở "Khẩn cấp". Năm 2007, tiếp nối chiến thắng, với vở "Khúc hát dương xuân" tại hội diễn công nông binh toàn tỉnh, đội lại ẵm trọn toàn bộ giải nhất dành cho diễn viên, đạo diễn và nhạc cụ. Gần đây nhất vào năm 2010, đội đoạt giải nhì văn nghệ toàn huyện. Để động viên tinh thần cho toàn thể diễn viên trong đội chèo, chính quyền cùng bà con đã có nhiều quyên góp ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần.
Năm 2009, làng xây cho đội chèo một sân khấu đúng tiêu chuẩn chuyên nghiệp chiều cao 1,2m, dài 12m, rộng 8m, khuôn viên sân rộng có thể phục vụ cho 800 khán giả. "Được mọi người yêu mến và chính quyền các cấp quan tâm, chúng tôi nguyện sẽ dốc hết sức mình để đem lời ca, tiếng hát phục vụ bà con", ông Lựu khẳng định.
Trăn trở bảo tồn nghệ thuật chèo
Ngày tái lập, đội chèo An Phú có trên 40 thành viên. Vì nhiều lý do, nhiều người không thể tiếp tục tham gia, nên giờ biên chế thường xuyên chỉ còn 28 người. Người lớn tuổi nhất của đội chèo là cụ Đào Thị Tám, năm nay tuy đã 82 tuổi, nhưng cụ vẫn múa rất dẻo, giọng hát còn âm vang lắm. Năm 2005, cụ đoạt giải dành cho người cao tuổi hát hay nhất tại hội diễn huyện.
Lo âu về tầng lớp kế cận cho đội chèo, ông Lựu trầm ngâm: "Tất cả thành viên trong đội đều lớn tuổi, người trẻ nhất cũng gần 40 tuổi, còn lại đều đã ngoài 50 tuổi, trong khi đó lớp trẻ lại không mặn mà gì với chèo. Nhiều lần, tôi đến từng nhà động viên các cháu đến học và tham gia đội chèo, nhưng chỉ một thời gian các cháu đều bỏ, cùng với lý do khó và không phù hợp".
Hy vọng duy nhất cho người kế cận là cháu Đỗ Thị Lan Anh, học lớp 3 Trường Tiểu học Quỳnh Hải. Là cháu nội của hai ông bà Xuân Khoát và Kim Chiến, là một trong những nòng cốt của đội chèo, nên ngay từ nhỏ Lan Anh đã được tiếp cận với những điệu chèo. Lan Anh có thể hát thuần thục gần chục điệu chèo, không những vậy cháu còn biết gõ phách, tiếng phách của cháu rất có thần. "Cháu rất thích hát chèo. Cháu muốn mai sau sẽ là người hát chèo giỏi, để ai cũng biết đến làng chèo An Phú", Lan Anh bộc bạch.
Trăn trở về tương lai của nghệ thuật chèo, nghệ sĩ Xuân Lựu cùng các thành viên trong đội chèo khẳng định "sẽ quyết tâm gìn giữ loại hình nghệ thuật này đến hết đời. Tuy nhiên cũng mong Nhà nước có nhiều chính sách động viên, quan tâm hơn nữa đối với những nghệ sĩ hát chèo chuyên và không chuyên. Đồng thời có cách khuyến khích, hãy tạo đam mê hát chèo ngay từ bây giờ đối với lớp trẻ, đó là hướng đi tốt nhất cho việc gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật này".
Rời An Phú, tôi thầm cảm phục và biết ơn những người như nghệ sĩ Xuân Lựu, Kim Chiến, Hồng Nhạn… Nhờ có họ mà nghệ thuật chèo của dân tộc còn được bảo tồn đến mãi mai sau. Để rồi những điệu chèo luôn vang lên trong khắp các làng quê Việt