Sao Mai - Điểm hẹn 2006: Công chúng là công chúng nào?

Thứ Hai, 14/08/2006, 08:20
Công chúng bình chọn cho Sao Mai Điểm hẹn 2006 chỉ là một phần nhỏ trong hàng chục triệu người theo dõi và cảm nhận âm nhạc qua cuộc thi. Một ca sỹ được bình chọn nhiều thì cũng không có nghĩa rằng, ca sỹ đó đã được đại bộ phận công chúng đón nhận.

Liveshow thứ 8 của “Sao Mai - Điểm hẹn 2006” là một đêm diễn khá thành công, với sự nỗ lực và tỏa sáng hết mình của 7 ca sỹ. Họ đã tận dụng cơ hội cuối cùng trong cuộc đua tài này, nhằm làm nên những cá tính riêng. Có thể đã thấy 5 gương mặt của đêm chung kết, nhưng qua đó cũng thấy sự lúng túng của Hội đồng nghệ thuật khi chọn tới 5 người để trao giải chứ không phải 3 như thông báo ban đầu.

Điểm mặt đêm chung kết

Phạm Anh Khoa - người được giới truyền thông gọi là "show man" - đã chinh phục hoàn toàn cả Hội đồng nghệ thuật lẫn khán giả khi trình bày 2 ca khúc rock, đúng với sở trường của anh. Sự sôi động lan tỏa từ Khoa đến khán giả, tới mức Hội đồng nghệ thuật cũng... trở nên hơi "quá khích" với những ngợi khen hết lời. Tuy thế, Anh Khoa vẫn không đứng đầu trong bảng xếp hạng, anh còn thua xa với Hoàng Hải và Hà Anh Tuấn. Nhưng một tin vui là chính Hội đồng nghệ thuật đã bật mí rằng, Anh Khoa xứng đáng lọt vào đêm cuối.

Nguyễn Ngọc Anh chắc chắn giành một vị trí xứng đáng trong đêm cuối bởi những gì cô đã thể hiện. Một đêm cuối hoàn toàn chinh phục với hai ca khúc đầy cảm xúc. Hoàng Hải cũng đã chắc chắn có một "vé VIP" vào đêm cuối bởi có tới 2/3 đêm anh giành vị trí đứng đầu bảng bình chọn. Hà Anh Tuấn và Phương Linh cũng sẽ dắt nhau giành 2 vị trí còn lại của mảng phiếu bầu.

Dù vậy, mọi bất ngờ đều có thể xảy ra và việc chia tay với giọng ca đầy nội lực như Mai Trang (nếu có) cũng là việc hết sức đáng tiếc. Nếu có thể nhận xét về giọng ca này, thì Mai Trang luôn khai phá những cách hát, những bài hát mới. Sự dũng cảm ấy cho cô những trái ngọt, nhưng đồng thời cô cũng sẽ phải trả giá nếu chọn sai. Và chính vì thế cô là ca sỹ chênh vênh nhất trong cuộc lựa chọn này.

Minh Thư cũng sở hữu một phong cách tương đối chuyên nghiệp, nhưng cô là ca sỹ không có nhiều thay đổi từ đêm đầu cho đến đêm cuối. Ở Thư có cái gì đó rất ổn định nhưng lại thiếu bứt phá. Chính điều đó đã khiến cô bị mờ nhạt so với sự tiến bộ từng đêm của các ca sỹ khác.

Đêm cuối của các vòng thi, các ca sỹ, ngoại trừ Mai Trang, đều có lượng fans đáng kể để hô hào, cổ vũ cho mình. Có thể thấy qua "Sao Mai - Điểm hẹn",  các ca sỹ đã thực sự tiếp cận được với công chúng.

Sự lúng túng của Hội đồng nghệ thuật

Sự lúng túng này thể hiện ngay từ khi kết thúc vòng 1, đã có 7 chứ không phải 6 thí sinh được vào vòng 2. Cách giải thích rằng không để lọt tài năng là hợp lý và vừa lòng tất cả, nhưng nó đã biến những lời nói của những người tổ chức chương trình trong khi khởi động cuộc thi trở nên "mất thiêng". Và đến khi kết thúc chặng hai, thay vì 3 giải thưởng như thông báo, Ban tổ chức đã đưa ra 3 giải của khán giả và 2 giải của Hội đồng nghệ thuật. Vậy là những quy chế về giải thưởng liên tiếp bị phá vỡ và nó không hề có một thông báo chính thức nào với giới truyền thông.

Đây có lẽ phải hiểu, là cái quyền riêng của truyền hình, khi họ tự ý thay đổi mà không cần biết rằng, những thông tin được cập nhật trên các báo sẽ gây khó khăn với công chúng. Và có 7 thí sinh nhưng lại được trao tới 5 giải, đã biến cuộc thi này giống các kỳ hội diễn, với mưa huy chương, mưa giải thưởng mà không ai nhớ. Tất nhiên, tài năng thì không nên bỏ sót, nhưng bất cứ sân chơi nào cũng vậy, sự sàng lọc khó khăn sẽ tạo nên uy tín của giải thưởng và vị trí duy nhất dành cho người đứng đầu sẽ là biểu tượng đáng mơ ước. Đó mới là cách không làm cho giải thưởng trở nên tầm thường.

Công chúng là công chúng nào?

Thời gian qua, rất nhiều dư luận cho rằng, một bộ phận công chúng đã ào ạt bình chọn và thao túng sân chơi "Sao Mai - Điểm hẹn", bởi những giọng ca xuất sắc đã không được tôn vinh như vốn cần phải thế. Ngay cả các thành viên Hội đồng nghệ thuật cũng luôn lên tiếng để khẳng định sự xuất sắc của các gương mặt như Mai Trang, Anh Khoa, Ngọc Anh... Qua đó cho thấy sự thật là chúng ta đang có một bộ phận công chúng ưa hình thức, điều đó giúp sức cho một vài giọng ca bình thường được đứng đầu trong các bảng phong thần. Cũng qua đó cho thấy, nếu mãi trong tình trạng này, nhạc trẻ Việt Nam sẽ chỉ là những gương mặt nhạt nhòa son phấn.

Tuy nhiên, đã có một vài nhà báo viết bài bênh vực cho những giọng ca này và dựa trên những phiếu bầu cảm tính để cho rằng, đó chính là công chúng. Công chúng bình chọn chỉ là một phần nhỏ trong hàng chục triệu người theo dõi và cảm nhận âm nhạc qua cuộc thi. Một ca sỹ được bình chọn nhiều thì cũng không có nghĩa rằng, ca sỹ đó đã được đại bộ phận công chúng đón nhận.

Nhạc sỹ Nguyễn Cường, thành viên Hội đồng nghệ thuật trả lời báo chí rằng, ông có cảm giác có nhiều nhà báo đang "mượn bút" để can thiệp có ý đồ vào cuộc chơi này... Ý đồ đó có thể là một công nghệ lăng xê ở phía sau hoặc cũng có thể là tình thân xen vào những bài viết thiếu vô tư ấy. Nhưng nhạc sỹ Nguyễn Cường cũng khẳng định, đích đến của mỗi ca sĩ phải là hàng chục triệu khán giả thầm lặng, họ nghe nhạc thực sự và vì lý do gì đó không bỏ phiếu. Nhưng có khi họ lại đáng tin cậy hơn những công chúng chỉ nhăm nhe nhắn tin qua điện thoại. Rất nhiều danh ca không có giải thưởng, chẳng được ai bầu chọn - nhưng tiếng hát của họ sống mới trong lòng khán giả. Đó mới là đích đến lâu dài...

Thiên Toàn
.
.
.